30 BÀI THUYẾT PHÁP
Tái bản lần thứ nhất
Hòa Thượng THÍCH TRÍ QUẢNG
NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO
HÀ NỘI - 2004
Lời Tựa
Năm 1973, khi Hiệp định Paris vừa ký kết, nhiều người dao động cho đến có người muốn ra nước ngoài sinh sống. Riêng tôi, lúc ấy đang ở Nhật Bản, rất vui mừng với hòa bình sắp trở lại trên quê hương. Tôi muốn trở về Việt Nam, góp bàn tay xây dựng xứ sở, đạo pháp.
Một số bạn bè và quý thầy Việt Nam, cũng như người Nhật đều khuyên tôi không nên về Việt Nam, vì sống trong một nước ở thời hậu chiến phải đối đầu với bao phức tạp, khó khăn, nguy hiểm. Nếu ở lại Nhật Bản, một cường quốc giàu có, văn minh, những tiện nghi cao sẽ giúp cho tôi có nhiều điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, phát triển việc tu học tốt đẹp dễ dàng.
Tự nhiên trong lòng tôi lại không nghĩ đến khó khăn gian khổ. Chính lý do khó khăn mọi người nêu ra đã thúc đẩy tôi quyết định sớm trở về nước hơn. Tôi tự nghĩ mình được nhiều may mắn hơn người. Tại sao lại từ chối dấn thân, bỏ mặc cho những người đã từng chịu đựng nhiều thiệt thòi, gian khổ trong chiến tranh. Nay họ phải tiếp tục hứng chịu nhiều nhọc nhằn trong việc kiến tạo, phát triển đất nước. Thiết nghĩ với tinh thần vô ngã vị tha của lý tưởng Bồ tát đạo mà tôi hằng ấp ủ, tôi không thể không trở về để chung sức xây dựng quê hương, phát triển đạo pháp.
Có một người bạn khác chân tình khuyên tôi chỉ nên xin hồi hương tái xuất. Đừng xin về luôn, để đề phòng cuộc sống ở Việt Nam quá cực khổ, nguy hiểm, không thể chịu nổi thì còn đường trở qua Nhật lại. Đối với giải pháp này, tôi dứt khoát cắt đứt con đường quay lui về Nhật Bản bằng cách trả hẳn sổ ngoại kiều.
Về nước gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đất nước vừa giải phóng. Mang nặng ý chí cương quyết phục vụ dân tộc đạo pháp, tôi đã vượt qua mọi chướng ngại. Trong 20 năm sống trong chế độ Xã hội Chủ nghĩa, tôi học được bao nhiêu điều hay ở mọi lớp người, cũng như tìm thấy vô số khuôn mặt thân thương trong mọi thành phần xã hội. Họ đã trợ duyên cho tôi thật nhiệt tình trên bước đường hoằng pháp lợi sinh.
Thật vậy, mặc dù có vô số khó khăn trải dài trước mắt, tưởng chừng như không làm nổi việc gì. Tôi vẫn thành tựu khá nhiều Phật sự ngoài tưởng tượng. Bước chân hoằng pháp gieo rắc hạt giống Bồ đề mỗi ngày một nhiều hơn trên mọi miền đất nước.
Dòng tư tưởng Phật pháp nuôi dưỡng giới thân huệ mạng của chính tôi và tác động cho những người có duyên với tôi cũng được an vui giải thoát trong suốt hai thập niên 1975-1995. Tôi kết tập những tinh ba ấy thành một số bài giảng nơi tập sách này. Nó đánh dấu một phần nào những gì tôi tâm đắc trên lộ trình thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.
Nếu có sơ suất, mong các pháp lữ từ bi hỷ xả và xin được các bậc cao minh chỉ giáo. Nguyện hồi hướng công đức trùng tuyên pháp bảo đến tất cả pháp giới chúng sanh.
NamMô Pháp Hoa Hội Thượng
Phật Bồ Tát
Phật Đản PL.2539 - 1995
Hòa Thượng Thích Trí Quảng
MỤC LỤC
1. Lời tựa
2. Khái niệm về kinh Duy Ma
3. Quán chúng sanh theo kinh Duy Ma
4. Bất nhị pháp môn trong kinh Duy Ma
5. Ý nghĩa phẩm Phật Hương Tích trong kinh Duy Ma
6. Quan niệm về Đức Phật trong kinh Hoa Nghiêm
7. Ý nghĩa lễ Phật theo kinh Hoa Nghiêm
8. Ý nghĩa phương tiện theo kinh Pháp Hoa
9. Ý nghĩa thí dụ 3 xe và nhà lửa trong kinh Pháo Hoa
10. Ý nghĩa hóa thành dụ trong kinh Pháp Hoa
11. Pháp sư của kinh Pháo Hoa
12. Ý nghĩa Long Nữ dâng châu trong kinh Pháp Hoa
13. An lạc hạnh theo kinh Pháp Hoa
14. Bồ tát tùng địa dũng xuất
15. Cảm niệm về Bồ tát Phổ Hiền
16. Niết bàn theo kinh Pháp Hoa
17. Giáo dục của Phật giáo Đại thừa
18. Những điều kiện tu Bồ tát đạo
19. Ngôi chùa tâm linh
20. Hành trình về chân linh
21. Tu tâm
22. Canh tâm điền
23. Đường về Yên Tử
24. Nếp sống của một vị danh tăng
25. Ý nghĩa Phật đản PL.2538 (Tứ nhiếp pháp)
26. Ý nghĩa lễ Phật thành đạo
27. Phật giáo Việt Nam đang hướng về phía trước
28. Xuân hoan hỷ
29. Xuân trong cửa thiền
30. Xuân của hành giả Pháp Hoa
Ngũ Phúc Lâm Môn
|
Quy y Tam Bảo
|