Lời mở đầu
Ngày nay có nhiều người học đạo Phật mà xem sách nói về đạo Phật, nhất là những sách của người Âu-tây kê-cứu rất tinh-tường về giáo-lý của Phật-học. Ấy là cái triệu-chứng rất hay về đường học-vấn. Nhưng tôi thấy còn có người chưa hiểu rõ cái tông-chi đạo Phật đích-xác ở chỗ nào, và sự tiến-triển của đạo ấy từ xưa đến nay là thế nào mà thành ra một tông-giáo như ta thấy bây giờ.
Phật-giáo cũng như các tông-giáo khác, từ khi thành-lập cho đến khi thật thịnh-đạt, phải theo cái trình-độ tư-tưởng và sự tín-ngưỡng của người đời mà biến thành ra cái hình-thức khác với lúc đầu.
Sau khi Phật-tổ Thích-ca Mầu-ni nhập tịch rồi, pháp-môn của Phật phân ra làm Tiểu-thặng và Đại- thặng. Phái Đại-thặng rồi lại chia ra tông nọ phái kia. Tuy tông nào cũng theo một tông-chỉ của Phật tổ, nhưng mỗi một tông hiểu cái đạo-lý một khác và lập ra một giáo-pháp riêng. Rồi đến sau cùng tông nào có tính-cách thích-hợp với sự tin-tưởng của phần đông người trong tin-đồ là tông ấy tồn-tại. Cũng bởi vì lẽ ấỵ mà Phật-giáo nước ta ngày nay nói có Thiền, có Tịnh mà thật thì chỉ có Tịnh, chứ không có Thiền. Trong một tông-giáo mà phần cao mỗi ngày một mờ tối đi, phần thấp thì rộng ra, lẽ tất nhiền là phải suy-đồi. Nói rằng Tịnh-tông của Phật-gìáo bây giờ là một thứ Tịnh-tông hỗn-hợp hết các tông khác trong Phật-giáo Đại-thặng, như Tâm-tông Thiền-tông v.v... Theo lý thì đúng như thế, song theo sự thực thì thấy các tăng ni ở nước ta phần rất nhiều là chỉ tu Tịnh mà thôi, chứ không thấy mấy người tu Thiền nữa. Đó là cái hiện-trạng Phật-giáo ở nước ta ngày nay.
Thấy cái hiện-trạng này có phần thấp kém hơn cái học đời xưa, cho nên tôi đem cái sở-kiến của tôi về Phật-giáo mà tóm-tắt và phô-bày ra trong quyển sách nhỏ này để mong những người có tâm học đạo Phật biết rõ cái nguồn-gốc và cái lai-lịch của đạo ấy mà tìm cách nâng cao nền Phật-giáo ở nước ta.
Lại nhân có đọc bài luận TRÌ-DANH DIỆU- HẠNH của một người Tàu đời Thanh soạn ra, thấy có nhiều ý-nghĩa hay, tôi đem phiên-dịch ra Việt-văn để thêm vào phần Phụ-lục, họa may cũng bổ-ích được một phần nào cho những người hiếu học.
Tôi lại đọc quyển SƠN CƯ BÁCH VỊNH của một vị tăng đời Đường làm một trăm bài thơ thất ngôn tuyệt-cú, mỗi bài có hai chữ Sơn-cư đứng đầu mà bài nào cũng có đầy ý-vị thiền-học. Tôi trích ra 38 bài và dịch ra lối Việt thi đem vào đây để độc- giả xem cho vui mà cũng không phải là vô-ích.
Hà-nội ngày hạ-tuần tháng quí-thu
năm Nhâm-thìn (Tháng mười năm 1952)
Lệ-thần TRẦN TRỌNG KIM
MỤC LỤC
Lời mở đầu
III. Phật-giáo ở Việt-nam.
PHỤ-LỤC
I.— Trì-danh diệu-hạnh luận
II.— Sơn cự bách vịnh