LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM
SƠN NAM
Saigon- Việt Nam
LỜI NÓI ĐẦU
Tập võ, đánh cờ tướng, tắm hơi, câu cá, chơi hoa kiểng, tìm lạc thú yêu đương, du lịch, uống rượu với bạn, đọc sách về Thiền…là những phương thức có hiệu quả để tìm sự thoải mái , thấy mình được tự do, không còn cô độc trong xã hội phức tạp mà con người như càng cô độc trong xã hội phức tạp mà con người như càng cô độc. Thiết tưởng những hình thức “tu luyện” nói trên tuy hữu hiệu nhưng chỉ là giải trí nhứt thời. Có lẽ ta nên đọc sử, đặc biệt là lịch sử nước nhà. Lúc sau này những danh từ “về nguồn, tìm dân tộc” thường được nhắc đến. Nhưng về nguồn không phải chỉ để thưởng ngoạn là xong. Mỗi hình thức văn nghệ, mỗi vũ điệu, mỗi lá cây chỉ đẹp trong cái bối cảnh lớn của nó. Cái vỏ sò, vỏ ốc khi nằm trên bãi cát bao la với đại dương ngoài xa, biển không một cánh buồm và bãi cát không in dấu chân người. Hoa sen ở trong đầm, giữa biển cỏ hoặc trong ruộng lúa bát ngát, với em bé ở trần, bơi xuồng, bụng hơi đói. Ta chỉ hết cô độc, hết bị căng thẳng thần kinh khi tìm ra cái cớ để giải thích nỗi buồn vô cớ. Cái cớ ấy có lẽ là ta chưa hòa hợp, dính liền được với bối cảnh hiện tại, như cái vỏ ốc trên bãi, hoặc bông sen dính rễ dưới bùn. Chúng ta đang sống trong lịch sử, và hiện tại quả là dính dấp với quá khứ. Nói gì thì nói, khi tìm hiểu một người, người ta phải làm công việc cần thiết là sưu tra lý lịch. Và người Việt Nam không thể nào hãnh diện đúng mức khi đọc tiểu sử ông Hoa Thịnh Đốn, ông Nã Phá Luân hoặc ông Khổng, ông Thích Ca, mặc dầu đó là những người “của nhân loại”. Đọc lịch sử Tây tiến của Mỹ Quốc, xem phim về anh hùng phiêu lưu khẩn hoang là những phút mua vui hoặc nghiên cứu đứt đoạn. Không thể nào dùng lịch sử của nước khác để làm lịch sử của mình được. Ta trở về với bối cảnh của ta. Trở về, lại là hành động tích cực chứ không là thưởng ngoạn, thụ động. Đi ngang vùng đất ngày xưa là thành Chí Hòa, ngắm những đám cỏ xanh rờn vưa vươn lên khi mùa mưa trở về, ta không khỏi ngậm ngùi; nhưng bứng vài cọng cỏ trên nền đất đầy máu và nước mắt ấy đem về mà trồng trong chậu thì hóa ra vô duyên, tạm thời giải khuây được nhưng tạo ra một sự cô độc mới. Đến vùng Thuộc Nhiêu, Cai Lậy, ngâm thơ “ Đất Linh bồi đắp cuộc Ba Giồng” của ông Học Lạc vẫn là chưa đủ, cũng như khi qua đò máy Mỹ Thuận, hoặc đò máy Vàm Cống vào buổi có mưa lất phất , tưởng rằng cảnh đẹp “ Khói sóng Tiêu Tương” hiện về. Phải là một sự chuyển mình, nhập thân vào bối cảnh mới. Ngày xưa là bóng dáng thằng bé chăn trâu, lưng trần phơi nắng, thất học, ngày nay, ngày mai, bối cảnh là ruộng lúa, máy cày và hoa mầu phụ.
Đầu đề “ Lịch sử khẩn hoang miền Nam” quá lớn, đòi hỏi sự làm việc cần cù, kiên nhẫn, lâu dài của một tiểu ban, một nhóm có thẩm quyền. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi đánh bạo, thử vạch một lối để trèo núi cao. Chắc chắn là có nhiều lối khác để lên đỉnh núi. Chúng tôi chỉ dám hy vọng là một mớ sỏi gai, để thấy bóng dáng đỉnh núi. Tài năng, kiến thức và thời giờ làm việc một người chỉ có giới hạn, cũng may là được giúp đỡ tận tình, đặc biệt của các viên chức ở Nha Văn Khố, Phòng Lưu trữ công văn các viên chức ở Thư Viện Quốc Gia, Thư Viện Khảo Cổ, Thư Viện của Hội Cổ Học Ấn Hoa. Một số bạn đã giúp đỡ vài tài liệu quan trọng.
Dám mong độc giả xem đây là bản khởi thảo. Sau này, đất nước yên lành, phương tiện dồi dào, nhiều vị thức giả và các bạn trẻ hiếu học sẽ đi sâu vào đề tài này để đức tánh lớn của dân Việt được phát triển bi hùng hơn, gần sự thật hơn
Tháng 7-73
SƠN NAM
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Nhận xét tổng quát
PHẦN THỨ NHẤT
NHU CẦU PHÁT TRIỂN XỨ ĐÀNG TRONG, PHỤC QUỐC VÀ CỦNG CỐ QUỐC GIA
· Những hành động quyết định
· Vùng cù lao Phố : nồng cốt của Biên Hoà
· Vùng |Bến Nghé- Saigon : Nòng cốt của Gia Định
· Vùng Ba Giồng : Nòng cốt của Định Tường
· Vùng Long Hồ: Nòng cốt của Vĩnh Long, Am Giang
· Thương cảng Sai gòn thành hình và phát triển
NHU CẦU XÁC ĐỊNH VÙNG BIÊN GIỚI VIỆT – MIÊN
· Việc bảo vệ biên giới Việt – Miên
· Những thành quả đầu tiên
· Việc lập làng – sự phân chia điền địa
· Vài vấn đề về nội an : Loạn Lê Văn Khôi, các vùng người Miên đông đảo
NHU CẦU CHỈNH ĐỐN VỀ NỘI TRỊ : NHỮNG ĐỒN ĐIỀN CHIẾN LƯỢC Ở HẬU GIANG
· Ngăn chận giặc Xiêm năm 1842
· Thành lập các đồn điền chiến lược
· Những chi tiết cụ thể
LÀNG XÓM , ĐIỀN ĐẤT VÀ NGƯỜI DÂN THỜI ĐÀNG CỰU
· Về địa bộ năm Minh Mạng thứ 17
· Lập làng mới
· Việc khẩn đất
· Chủ điền, chủ nợ và tá điền
· Cách đo lường thời đàng cựu
PHẦN THỨ HAI
NGHĨA QUÂN THẤT TRẬN VÀ NÔNG GIA MẤT RUỘNG
· Ba nhân vật đắc lực nhứt
· Tình trạng xáo trộn về gia sư, tài sản
· Vài thí dụ điển hình
· Vấn đề lưu dân ở Saigon
· Bến Nghé Sai gon trong sinh hoạt mới
· Luật lệ về công thổ
KHÁI QUÁT VỀ VIỆC KHAI KHẨN THỒI PHÁP THUỘC Ở NAM KỲ
· Ảnh hưởng của kinh đào
· Trường hợp đặc biệt ở Bạc Liêu- Rạch Giá
· Luật lệ về trưng khẩn
· Vựa lúa miền Nam thành hình trong hoàn cảnh mới
VÙNG RẠCH GIÁ ĐẤT RỘNG NGƯỜI THƯA
· Chỉnh đốn tỉnh lỵ Rạch Giá và các vùng phụ cận
· Những rắc rối đầu tiên trong việc khẩn đất
· Những nguồn lợi thiên nhiên
· Việc thành lập làng mới
· Vài nét lớn về điền của Pháp
· Đời sóng trong điền Tây
· Cuộc tranh đấu của giới đại điền chủ
· Về đời sống của tá điền
VÙNG BẠC LIÊU – CÀ MAU XA XÔI VÀ PHỨC TẠP
· Tiến triển của việc cai trị
· Vài nét về tình hình năm 1902 trở về sau
CẦN THƠ , ĐÂU CẦU VÀ THỦ ĐÔ MIỀN HẬU GIANG
· Đào kinh xáng Xà No
· Cuộc tranh đấu của trí thức Cần Thơ
· Lộ xe, chợ phố và trung tâm Ngã Bảy Phụng Hiệp
NHỮNG TRIỆU CHỨNG BẤT ỔN
· Vụ án Ninh Thạnh Lợi
· Vụ án Nọc Nạn