HUYỀN THOẠI DUY-MA-CẬT
TUỆ SỸ
Nhà Xuất Bản Phương Đông
TỰA
Huyền thoại hay Thần thoại là những truyện ký – không hẳn là truyền kỳ - được kể bằng ngôn ngữ mà đối với nhiều người thật là huyễn hoặc , hoang đường. Nhưng với các nhà Thần thoại học, chúng một phần, hay đại bộ phận, là những ký ức lịch sử bị bao trùm trong lớp bụi mù hay sương khói của thời gian. Trong nhiều trường hợp, chính ký ức huyền thoại hay thần thoại ấy phản chiếu trung thực hơn những cái mà ngày nay ta thường nghĩ là Sự thật lịch sử; phản chiếu quan niệm, đồng thời cũng là hiện thực, về huyết thống, về chủng tộc, về những ràng buộc gia đình, bố mẹ và con cái, anh chị em, về mặt xã hội cũng như về mặt di truyền. Trong kho truyện cổ Việt Nam, ta có truyện trăm trứng, truyện Âu Cơ và Lạc Long Quân, mà vua Tự Đức Bút phê trong Khâm định Việt sử là hoang đường, không thể tin. Tuy nhiên, khó có thể tìm thấy câu truyện kể nào phản ảnh trung thực hơn quan niệm của tổ tiên người Việt về mối quan hệ huyết thống, chủng tộc của các cư dân trong cùng một không gian địa lý.
Phải chăng, những điều được nói trên đây là ý tưởng dẫn đạo để chúng ta gọi những điều kể về Duy-ma-cật là “Huyền thoại Duy-ma-cật”, những tường thuật về ngôn ngữ và hành vi đại bộ phận mang dấu ấn siêu nhiên. Kinh có tên là Duy-ma-cật sở thuyết, những điều được thuyết bởi Duy-ma-cật, cũng còn có tên là Bất tư nghị giải thoát, vì ngôn ngữ và hành vi của Duy-ma-cật được ghi chép trong đó là những điều không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ lý luận, cũng không thể tư duy, nhận thức, bằng tập quán tư duy của người thường. Từ một con người mà đời sống thường nhật không có gì khác với mọi người đương thời hay trong tất cả thời đại, cùng chịu chi phối bởi quy luật biến thiên, sinh thành và hủy diệt của thiên nhiên, tạo vật như tất cả mọi sinh vật trên đời; nhưng từ con người ấy lại xuất phát những hành vi không thể phán đoán trên căn bản hiện thực. Trong một khoảng không gian chật hẹp, dọc ngang chỉ chừng mười bộ, lại có thể dung chứa ba ngàn khách, đến tham quan từ khắp mười phương thế giới. Làm sao ta có thể chứng minh và xác định một cách hiện thực rằng có vô số thế giới trong đó có vô số sinh vật tồn tại ngoài không gian vũ trụ? Hình ảnh này có thể là thực tế, mà cũng có thể chỉ là ẩn dụ. Dù hiện thực hay ẩn dụ, với những ai mà tâm trí và hình hài không còn bị buộc chặt vào tập quán thường nhật của đói lạnh, của áo cơm; bị khuất phục với những định chế xã hội, quan hệ nhân sinh; bị khống chế bởi quy luật tồn tại; không bị hạn chế bởi không gian và thời gian hữu hạn; với những người ấy, đi, đứng, nằm, ngồi đều là thể hiện của giải thoát bất tư nghị, phát khởi từ thần thông du hý tam muội. Đời sống , và tồn tại, trong từng sát na và trong từng nguyên tử nhỏ bé, thường trực là cảnh giới huyền vi, bất tư nghị, mà với tâm tư hữu hạn, bị ràng buộc luẩn quẩn trong nói năng và suy nghĩ theo ước lệ của luân lý, của lý tính, thì đấy tất nhiên là những sự huyễn hoặc, những thần thoại hoang đường.
Vậy thì, Huyền thoại Duy-ma-cật không phải là truyện thần kỳ sáng thế, không phải là ký ức mập mờ mộng tưởng về quá khứ nhân loại, hay là sự thăng hoa từ những ức chế trong đời thường. Huyền thoại Duy-ma-cật là chuyện thường ngày của mọi sinh linh và tự biết đang đổi thay trong từng khoảnh khắc, nhìn thấy vô biên trong hạt cát.
Hamsadiccapathe yanti,
Akase yanti iddhiya;
Niyanti dhira lokamha,
Jetva maram savahinim
(Dhp.175)
Thiên nga bay theo đường mặt trời
Người có thần thông bay trong hư không;
Bậc trí dẫn ra khỏi thế gian
Sau khi chiến thắng Ma quân.
Quảng hương Già-lam
PL. 2550
MỤC LỤC
Chương I: Pháp hội vườn xoài
I. Phát khởi chí hướng
II. Biểu tượng cương giới Phật quốc
III. Hành trang tư tưởng
IV. Thanh tịnh quốc độ Phật
V. Tuần tự tu hành
VI. Thể nghiệm tịnh độ
Chương II: Hiện thân bệnh
I. Hiện thực và quy ước
II. Quá trình tu tập
III. Vận dụng phương tiện
IV. Hiện thân thuyết pháp
Chương III: Hội kiến các Thanh Văn
I. Những hình tượng mâu thuẫn và phản diện
II. Mười đại đệ tử
Chương IV: Hội kiến các Bồ tát
I. Mâu thuẫn nội tâm và thời đại
II. Các Bồ tát
Chương V: Văn thù thăm bịnh
I. Ngôn ngữ và biểu tượng
II. Quan hệ nhân sinh
III. Điều trị
Chương VI: Bất tư nghị
I. Trụ và vô trụ
II. Bất tư nghị
III. Tòa sư tử
IV. Tự tại
V. Nhân cách Ca-diếp
Chương VII: Quán chúng sinh
I. Nhân sinh quan
II. Phát triển tâm từ
III. Thiên nữ tán hoa
Chương VIII:Hành trang giác ngộ
I. Chũng loại Bồ đề
II. Quá trình tích lũy
III. Phiền não tức Bồ đề
IV. Chủng tánh Như Lai
V. Quyến thuộc của Bồ tát
Chương IX: Cửa vào bất nhị
I. Nhất nguyên tuyệt đối
II. Từ sự im lặng của Phật
III. Thể nhập tuyệt đối
Chương X: Những giá trị phổ quát của Bồ tát hành
I. Lý tưởng và hiện thực
II. Những giá trị phổ quát
III. Nhân cách siêu việt
Chương kết: Truyền thừa
Sách dẫn
Ngũ Phúc Lâm Môn
|
Quy y Tam Bảo
|