LƯỢC GIẢI KINH PHÁP HOA
HT,THÍCH TRÍ QUẢNG
NXB TÔN GIÁO
LỜI TỰA
Nói đến kinh Pháp Hoa, các vị danh Tăng đều hết lòng ca ngợi. Riêng tôi, từ sơ phát tâm đã có nhân duyên đặc biệt với bộ kinh này. Lần đầu tiên khi tôi theo một số thầy đén chùa Hoằng Khai ở Tân An để thỉnh phật, tôi đuợc thầy Đạt Dương tặng bộ kinh Pháp Hoa bằng chữ Hán. Mặc dầu lúc đó tôi chưa biết thọ trì, nhưng nghe đến tên kinh, trong lòng tự nhiên cảm thấy thích thú kỳ lạ.
Từ đó, cảm tình của tôi đối với kinh Pháp Hoa cứ ấp ủ lớn dần. Tôi mang tâm sự này kể cho cụ thân sinh của tôi. Lúc ấy, tôi mới biết khi tôi còn trong thai mẹ, ông thường chuyên thọ trì kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn. Điều này gợi cho tôi có cảm nghĩ rằng tôi đã từng nghe kinh này từ lúc chưa chào đời. hạt giống Pháp Hoa mà cha tôi đã gieo trồng trong tâm thức, lúc tôi còn đang say ngủ trong thai mẹ lớn dần theo năm tháng. Để rồi giống lành vụt bộc phát mạnh mẽ thúc đẩy tôi xuất gia vào năm 12 tuổi. Cái tuổi mà bao trẻ thơ khác chưa biết nghĩ gì ngoài vòng tay thương yêu che chở của cha mẹ.
Đơn giản như thế đó, nhưng cũng đầy lẽ màu nhiệm khi nhân duyên với Pháp Hoa cứ tự động phát triển theo từng bước chân tu học của tôi. Năm 17 tuổi vào Phật học đường Nam Việt ở chùa Ấn Quang, tôi nhận thấy cố Hòa thượng Tri Hữu, người có công sáng lập chùa này cũng chuyên thọ trì Pháp Hoa. Người thợ đắp tượng Phật Thích Ca ở chánh điện chùa ngày nay cũng là hành giả Pháp Hoa. Để trang bị cho thân tâm thanh tịnh hướng trọn về Đức Phật, ông đã dạy từng chữ trong kinh Pháp Hoa suốt thời gian ông làm tượng Phật, tổng cộng đến hơn 60.000 lạy.
Đến năm 25 tuổi, tôi được sang Nhật Bản nghiên cứu kinh Pháp Hoa ở trường Đại học Rissho. Tôi mới bắt đầu làm quen với tư tưởng Bồn Môn của Nhật Liên Thánh nhân. Đó là tư tưởng đặc thù của Phật giáo Nhật Bản.
Niềm khao khát hiểu biết thúc đẩy tôi tham quan một số đạo tràng chuyên tu Pháp Hoa. Tôi nhận ra rằng muốn hiểu kinh, phải hành trì đúng pháp. Vì thế, có người đọc kinh lầm tưởng rằng hiểu rõ tất cả nghĩa kinh. Nhưng dưới mắt đạo, họ vẫn chưa hiểu được gì cả. Đây chính là kinh nghiệm bản thân tôi hơn 20 năm về trước
Thật vậy, tôi tốt nghiệp Tiến sĩ về kinh Pháp Hoa.Dĩ nhiên các tác phẩm liên quan đến bộ kinh này, tôi đều để tâm tìm hiểu.Tuy nhiên, khi thật sự thâm nhập thế giới tâm linh, thọ trì tụng Pháp Hoa, tôi mới ngộ rằng khi ngồi ghế nhà trường, mình chưa hiểu gì về Pháp Hoa cả. Bỡi lẽ trên thực tế, chúng ta có bước vào thế giới tu hành mới hiểu được tại sao trình độ văn hóa kém, họ lại làm được những Phật sự quan trọng. Còn những người học giỏi, nhưng suốt đời không có đất dung thân.
Riêng tôi, tiếp thu được lời dạy của các danh Tăng Nhật. Khi trở về nước hành đạo, tôi âm thầm thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa, lễ lạy Hồng danh Pháp Hoa. Pháp hành này nhằm tạo mối liên hệ giữa tôi với Phật và Bồ-tát.Và có truyền thông được tâm Phật, hạnh Bồ-tát, mới khả dĩ nhận được lực gia hộ niệm cùa các Ngài cho chúng ta hành đạo.
Cảm nhận về kinh Pháp Hoa như vậy, tôi càng thọ trì, đọc tụng kinh này càng cảm thấy gần gũi chư Phật, chư Bồ-tát hơn.Vì thế, suốt 15 năm qua, với nhiều biến động ngoài xã hội cũng như trong Phật giáo, tôi vẫn thấy an lành trong thế giới Pháp Hoa. Và từ sự thanh thản nhẹ nhàng của thế giới quan Pháp Hoa bước ra cuộc đời hành đạo, tôi đã thành tựu được một số Phật sự nho nhỏ trong tầm tay.
Đối với tôi, kinh Pháp Hoa không phải là bộ kinh bằng giấy trắng mực đen nằm ngoài tôi. Trái lại, kinh đã ở trong tôi, biến thành chất dinh dưỡng nuôi sống thân mạng của chính tôi. Tôi cảm thấy cả một quá trình gắn bó cuộc đời mình với kinh Pháp Hoa một cách sâu xa, mật thiết tự nhiên, không thể thiếu được.
Quan sát tạng kinh Pháp Hoa dưới góc độ kinh là mạng sống của mình, tôi nảy sinh những ý tưởng hiểu kinh, giàng kinh Pháp Hoa không hạn cuộc trong ngôn ngữ văn tự.Tôi cố tìm ý sâu xa tiềm ẩn trong kinh tế để ứng dụng vào cuộc sống, được chút kết quả nào trên đường hành đạo, xin giới thiệu với các bạn đồng hành. Ai có nhân duyên căn lành với kinh Pháp Hoa và đồng quan điểm với tôi thí dùng đó làm hành trang cùng tiến bước trên lộ trình giải thoát.
Đây là tác phẩm đầu tay của chúng tôi biên soạn về kinh Pháp Hoa, thiết nghĩ khó tránh khỏi những sơ suất. Kính mong các bậc cao minh vui lòng chỉ giáo thêm để lần tái bản tới, tác phẩm được hoàn mỹ hơn. Chúng tôi chân thành biết ơn quý vị.
Xin hồi hướng công đức cúng dường Pháp bảo này đến toàn thể pháp giới chúng sinh đồng thâm nhập Pháp Hoa hải hội của chư Phật.
Mùa an cư PL. 2535 -1991
Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG
MỤC LỤC
1- Lời tựa
2- Lịch sử kinh Pháp Hoa
3- Kinh Đại thừa Vô Lượng nghĩa
4- Phẩm 1: Tựa
5- Phẩm 2: Phương tiện
6- Phẩm 3 : Thí dụ
7- Phẩm 4 : Tín Giải
8- Phẩm 5 : Dược thảo dụ
9- Phẩm 6 : Thọ ký
10- Phẩm 7 : Hóa thành dụ
11- Phẩm 8 và 9: Ngũ Bá Đệ tử thọ ký và Thọ học vô học nhân ký
12- Phầm 10: Pháp sư
13- Phẩm 11: Hiện bảo tháp
14- Phẩm 12: Đề Đà Đạt Đa
15- Phẩm 13: Trí
16- Phẩn 14 : An lạc hạnh
17- Phẩm 15: Tùng địa dũng xuất
18- Phẩm 16: Như lai thọ lượng
19- Phẩm 17: Phân biệt công đức
20- Phẩm 18: Tùy hỷ công đức
21- Phẩm 19: Pháp sư công đức
22- Phẩm 20: Thường Bất Khinh Bồ tát
23- Phẩm 21: Như Lai thần lực
24- Phẩm 22: Đà la ni
25- Phẩm 23: Dược Vương Bồ tát bổn sự
26- Phẩm 24: Diệu Âm Bồ tát
27- Phẩm 25: Phổ Môn
28- Phẩm 26: Diệu Trang Nghiêm vương bổn sự
29- Phẩm 27: Phổ Hiền Bồ tát Khuyến phát
30- Phẩm 28: Chúc lụy
31- Preface
Ngũ Phúc Lâm Môn
|
Quy y Tam Bảo
|