SOCRATE
LÊ TÔN NGHIÊM (137 trang)
CA DAO
LỜI GIỚI THIỆU
HAI BỘ MẶT SOCRATE ĐỰƠC GIỚI THIỆU ở đây như tiêu biểu cho hai lối khác nhau về con người lịch sử ấy: một tiêu biểu cho triết lý hiện sinh do kierkegaard chủ trương là một đường hướng lấy những gì sinh động, cá biệt, chủ động tính có khi như huyền bí nhất làm nền tảng: một mặt tiêu biểu cho triết lý suy lý do Nietzsche chủ trương, ngược lại, là một đường hướng chỉ chấp nhận những gì khô chết, phổ biến, khách quan tính và như hiển nhiên nhất làm nền tảng.
Nói khác, một mặt lấy làm tiêu biểu để tuyên dương, một mặt lấy làm tiêu biểu để công kích. Hai đường hướng ấy đương nhiên đối nghịch nhau như nước với lửa, làm thế nào có thể dung hòa nhau? Nếu chỉ đứng ở quan điểm thuần túy lịch sử thì cả hai không thể đứng trong một bình diện và không quan điểm nào có thể tự hào giá trị hơn quan điểm nào, có khi còn phân lịch sử nữa là khác.
Nhưng lịch sử ở đây là lịch sử linh động của những con người mô phạm mà mà Max Scheler đã mô tả : ‘Mô phạm là một giá trị đã đầu thai vào một con người, một bộ mặt. Nó chập chờn trong một cá nhân hay một đoàn thể luôn luôn đến độ dần dà tâm hồn ấy sẽ tô lại được những đường nét của nó và sẽ tự biến thái thành chính nó, dần dà cả bản chất, cả cuộc đời, cả những hành vi của nó hoặc hữu ý, hoặc vô tình, cũng đều rập mẫu theo mô phạm đó. Cho tới khi thuận theo và tự nhận mình trong đó hay ngược lại, cả khi phủ quyết và tự trách cứ, tùy theo sự ưng thuận hay bất ưng thuận với mô phạm” (…)
Tóm lại, những mô phạm lịch sử thường đề nghị với chúng ta nhiều tiêu thức sống khác nhau, dưới hình thức những định mệnh tiêu biểu. Ở đây không còn luật lệ, không còn quy pháp trừu tượng, mà chỉ có những trình diện uy thế. Mô phạm cũng không giải quyết vấn đề, cũng không áp dặt một mẩu áo chung chỉ cần được rập lại từng đường, từng nét một. Nên những rập mẫu lại y nguyên, đúng hệt là những hình thức vụng về và sai lệch nhất của sự bắt chước ngoan ngùy và thông minh.
Tuy nhiên, với từng ấy lời giải thích, ngụ ý của tập sách nhỏ này có lẽ vẫn chưa hiện được nguyên hình hay ít ra chưa được đọc lên hết, nếu nó không được nhìn theo lối triết học hiện sinh gọi là “thông cảm gián tiếp” như một gửi gấm cả một thái độ hơn nữa cả một lập trường. Nhưng, sự mãn nguỵên của nó hình như phần nào cũng có cơ sở ở chỗ nó đã được phổ biến một lần tới những độc giả tinh ý đã đọc được ngụ ý của nó qua một kẽ hở bí ẩn.
Vậy ước vọng tương lai của nó là dần dà, một cách âm thầm kẽ hở ấy sẽ mở rộng thêm ra với những tâm hồn chỉ quen đọc những chân lý không nói ra ở ngoài đường phố.
L.T.N