LỜI VÀNG BẬC THÁNH
Sớ giải TRƯỞNG LÃO TĂNG-NI KỆ
Theravada
PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ
TỲ KHƯU THIỆN PHÚC dịch
Nhà xuất bản Tôn giáo.
LỜI NÓI ĐẦU
Đường luân hồi tuy dài nhưng vẫn có ngày kết thúc, Phật đạo khó thành nhưng không phải là không thể. Bất cứ ai gắng làm lành, tu trì Balamật thì đều có thể đạt thành cứu cảnh. Những giai thoại kể trong Theratherīgāthā (Trưởng lão Tăng kệ - Trưởng lão Ni kệ) là minh chứng điều đó.
Tập Theragāthā-Therīgāthā giữ lại cảm khái của các Tỳ khưu, Tỳ khưu Ni sau khi giác ngộ bằng thi kệ. Có thể gọi đây là thiền thi hay thiền ca trong văn học Pali. Nội dung hai tập kinh này gợi nhớ lại Thiền Uyển Tập Anh trong văn học Phật giáo Việt Nam, chỉ khác nhau là các kệ thi tịch của các Thiền sư được ghi lại trước khi viên tịch, còn Trưởng lão Tăng- Trưởng lão Ni thì ghi lại kệ cảm khái khi giác ngộ.
Hai tập kinh này là 2 trong 15 tập của Tiểu Bộ Kinh, các nhà Phật học xem đây là tập kinh nguyên thuỷ nhất. Chánh kinh chỉ có phần thi kệ, còn phần tiểu sử mà chúng ta thấy trong tập sách là một bản sớ giải (Atthakātha). Trong vài trường hợp, tập sớ chỉ vắn tắt vài dòng tiểu sử của một vị Trưởng lão, đương nhiên đó như những thoại đầu.
Quá trình tu chứng của các ngài là sự nỗ lực tự thân. Có vị giữ oai nghi không nằm để hành đạo (Trưởng lão Cakkhupala) có vị chỉ sống ở núi rừng (Trưởng lão Gevata) có vị thọ trì tất cả pháp Đầu Đà (Trưởng lão Mahakassapa). Tuệ giác của các ngài là quả chứng nghiệm tuyệt nhiên không hề có khải thị, mặc khải mà là trí giả thân chứng (Paccattamveditappovinnuhi)
Đối tượng tu quán cũng là điểm nổi bật trong tập sách này. Chúng ta không thể thấy Phật cụ hay Pháp khí của các Thiền sư thời Tượng Pháp, mà chỉ có các đề tài tu quán, như quán niệm hơi thở, đại oai nghi, tiểu oai nghi, thân bất tịnh v.v. Tất cả được cô đọng trong câu Phật ngôn: “Này chư Tỳ khưu, trong tấm thân dài một trượng này. Như Lai trình bày về sự khổ, nguyên nhân sanh khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến sự diệt khổ”( Kinh tương Ưng).
Tập kinh này sớm được hoàn tất là do lòng nhiệt thành đóng góp của chư Phật tử trong Quỹ Hùn Phước Visakha do đạo hữu Bình Anson đại diện, với sự nỗ lực đánh máy vi tính của gia đình Phật tử Nguyễn Thị Minh Tâm, và cô Nguyễn Thị Tú Anh giúp xin giấy phép, thực hiện in ấn hoàn thành cuốn sách.
Nguyện cầu phước báu này gia hộ cho toàn thể quí vị luôn được an lành hạnh phúc và tiến hoá trong hào quang từ bi và trí tuệ của Đức Phật.
Chùa Bửu Quang
Đầu Hạ năm Đinh Tỵ, PL.2551
Tỳ khưu Thiện Phúc.