LUẬN THÀNH THẬT
Satyasiddhi-sastra
Ha – lê – bạt -ma
Cưu-ma-la-thập Hán dịch
Nguyên Hồng Việt dịch
Nhà xuất bản Phương Đông
GIỚI THIỆU
Thành thật luận (Satyasiddhi-sastra) cũng gọi Tattvasiddhi Sastra 16 quyển, hoặc 20 quyển, do Ha-lê-bat-ma (Harivarman) tạo luận, Cưu-ma-la-thập (Kumaraiva) dịch, Đàm Quỹ ghi chép, Đàm ảnh chỉnh lý, trong khoảng đời Dao Tần, niên hiệu Hoằng Thùy thứ 13 đến 14 (411-412), thâu lục trong Đại chính, Đại Tạng Kinh, Tập số 32, kinh số No,1647.
Ha-lê-bat-ma sinh ở Trung Ấn Độ sau Phật diệt độ khoảng 900 năm, trong một gia đình Bà-la-môn, thông hiểu Vệ-đà và các kinh điển khác. Sau khi xuất gia thờ thầy Cưu-ma-la-đa (Kumaralabdha), một học giả của Hữu bộ (Sarvastivada) ở Kế Tân (Kasmira), nghiên cứu Phát Trí Luận (Jnana –prsthana-sastra). Vì không thỏa mãn với luận này ở chỗ câu nệ danh tướng, phiền tỏa chi li, tự mình tham cứu nguồn gốc giáo thuyết khắp 3 tạng và thường cùng các sư cùng bộ biện nạn, gặp phải sự áp chế của các trưởng lão bảo thủ.
Bấy giờ có chúng Tăng-kì bộ (Samghikah) ở Ba-liên-phất (Pataliputra) đồng tình, Ha-lê-bạt-ma liền qua đó ở chung , do đó được tiếp xúc tư tưởng Đại thừa, đọc rộng kinh, luật, tham cứu các dị thuyết, khảo hạch các luận, bác bỏ chỗ thiên chấp, thâu thập chổ sở trường, bỏ ngọn trở về gốc, nhân đó tạo ra bộ luận này, Chỉ một tuần sau khi luận làm xong đã gây rúng động khắp nước Ma-yết-đà (Magadha). Sau khi luận chiến tại triều đình khuất phục các học phái Thắng Luận (Vaisesika-sastra) được tôn làm quốc sư.
Theo cựu truyền, Chân Đế (Paramartha) nói luận này thuộc Đàm-vô-đức bộ (Dharmaguptaka), hoặc nói thuộc Đa Văn bộ (Bahusrutiyah), tức thuộc Tiểu thừa.
Ngoài ra cũng có thuyết nói luận này lấy chỗ đặc trưng của các bộ, mặc dù luận chủ xuất gia với Hữu bộ nhưng không thỏa mãn với các nhà Tì-đàm.
Theo 3 đại Pháp sư Nam triều đời nhà Lương (502-557) là Pháp Vân, Trí Tạng, Tăng Mẫn, đứng trên lập trường các Kinh Bát nhã, Pháp hoa và Niết-bàn phán định luận này là Đại thừa luận. Còn Cát Tạng đời Tùy thì xác định bản luận này bài xích Tì-đàm, chuyên đồng Thí dụ.
Phải đến Đạo Tuyên đời nhà Đường, một môn đệ nổi tiếng của Huyền Trang cuối cùng giải quyết tuyên bố đây là tác phảm thuộc Tiểu thừa và Kinh bộ (Sautrantika) tuy nhiên có khuynh hướng nhằm đến giáo lý Đại thừa.
Có điều là trên lịch sử Phật giáo học ở Ấn Độ chưa thấy luận này có phát sinh ảnh hưởng lớn nào. Có lẽ chính vì thế mà nguyên bản Phạn văn đã thất truyền. Bản Phạn văn hiện nay là do một người Ấn Độ (Haraprasad) gần đây đã từ bản chữ Hán dịch ngược ra tiếng Phạn.
Bản luận tên là Thành Thật, căn cứ lời tụng phát khởi thì Thành Thật có nghĩa là muốn thành lập thật nghĩa trong 3 tạng. Chủ yếu thẩm định 4 đế chỉ các pháp. Chính vì vậy luận được gọi tên là Thành Thật luận.
Luận văn thuyết minh 4 đế, xác định 5 thụ ấm là khổ, các nghiệp và phiền não là tập, khổ hết là diệt, 8 Thánh đạo là đạo.
Xét trong thời tạo luận này, trong bộ phái Phật giáo có 3 đại gia lưu hành hơn cả. Tức các sư Tì-đàm (Hữu bộ), các sư Thí Dụ, và các nhà Phân biệt luận, Tôn chỉ của luận này thành lập trên nghĩa Tứ đế của Thí Dụ sư, nhưng để phân biệt với 2 nhà nên đề là Thành Thật.
Bản luận tổng cộng có 202 phẩm. Khi dịch bản luận này, vì trong luận hỏi đáp tranh luận qua lại khó phân đoạn, nên chính Đàm Ảnh là người đã tổng quát luận văn chỉnh lý phân biệt làm 5 nhóm gọi là 5 tụ; Phát tụ là phần tựa, còn khổ đế tụ, tập đế tụ, diệt đế tụ, đạo đế tụ là phần chính của bản luận và rất được chủ dịch La-thập khen ngợi chấp nhận. Đó là kết cấu của luận bản hiện hành.
Bản luận từ La-thập dịch truyền cho đến đầu đời Đường trong khoảng 200 năm, tương đối đã gây một ảnh hưởng lớn trong giáo học Phật giáo Trung Quốc, trở thành triết thuyết lập tông của Thành Thật tông, một tông phải thành lập ở Trung Quốc chủ trương thuyết Nhị không là nhân không (pudgala-sunyata) và pháp không (sarva-dharma-sunyata) đối lập với học thuyết của Hữu bộ chủ trương ngã không nhưng pháp hữu.
Trong luận thuyết minh mọi hiện tượng tồn tại trong vũ trụ là giả đều không thật thể, cuối cùng quy về không. Tu quán như vậy có thể hiểu được lý Tứ Đế, dùng Bát Chánh Đạo diệt trừ các phiền não, cuối cùng đạt đến Niết –bàn. Đó là thật nghĩa của Tứ Đế gói trọn trong nội dung của Thành Thật luận.
Giáo thuyết toàn luận không chỉ bao trùm giáo lý trọng yếu của Phật giáo bộ phái, tức Phật giáo Tiểu thừa mà còn bao gốm nhiều kiến giải Đại thừa được dẫn dụng trong các kinh luận Đại thừa.
Chính vì vậy trên lịch sử Phật giáo, tác phẩm này đánh dấu một cột mốc quan trọng được coi như chứng cứ của thời kỳ quá độ từ Tiểu thừa không tôn hướng đến Đại thừa không tôn. Điều đó đã được lịch sử thẩm định là xác đáng.
Phật pháp xưa nay được biết chỉ thuần một vị, là vị giải thoát. Pháp phật thuyết ra ví như cơn mưa lớn nhuần thấm tất cả vạn vật cỏ cây. Chỉ có một vị giải thoát nhuần thấm tất cả cho mọi tất cả trình độ. Thế thì cần gì phân chi bộ phái tranh chấp lẫn nhau? Lại nữa có người đã cho rằng không nên tạo luận, để luận giải lời Phật, vì khó hiểu thấu ý thú của bận Nhứt thiết trí. Nếu không hiểu được ý Phật, mà nói ra tức tự hại. Và dù có chân trí mà không hiểu ý Phật, cũng không nên luận giải lời Phật nói, huống là người chưa được chân trí?
Nếu nói cực đoan như vậy thì người thời nay phải học Phật như thế nào? Làm sao giúp nhau giải mối nghi để tín giải Phật pháp trên đường tu tập giải thoát độ sinh?
Có nên hay không nên thành lập luận và vì sao phải học luận? Ha-lê-bat-ma trong bản luận phẩm 13 vấn đề đã được đặt ra và giải quyết cùng với các phẩm tiếp theo.
Trong 12 bộ kinh, Ưu-bà-đề-xá (Upadesa) là 1 trong 12 bộ thuộc loại Phật tự luận nghị vấn đáp để giải nghi, để làm rõ thật nghĩa. Còn đệ tử Phật luận lời Phật dạy, luận nghị pháp tướng tương ưng với Phật dạy cũng gọi là Ưu-bà-đề-xá.
Hơn nữa, trong kinh Dị luận, Phật cũng vẫn cho tạo luận. Như Ca-Chiên-Diên và các vị đại luận nghị, đã lĩnh hội được ý Phật, nên Phật đều khen ngợi. Các Tỳ kheo như Ưu-bà-di, Tì kheo ni Đàm-ma-trần-na đều muồn xin tạo luận Phật pháp. Phật nghe liền chấp thuận cho.
Phật pháp thâm diệu, ngay thời Phật tại thế các đệ tử tu tập bên cạnh đức Phật còn có bao nhiêu điểm nghi đươc Phật luận giải. Ngày nay nếu kinh mà có luận thì ý nghĩa dễ hiểu, Pháp bảo được tồn tại bền lâu. Có điều là Phật đã cho tạo luận như trong kinh đã căn dặn: Phật bảo Tỳ kheo tùy ý tạo luận nhưng nên khéo thụ trì. Cho nên trong Tu-đa-la lấy nghĩa mà lập luận, riêng gọi là Dị bộ. Đó là lý do cần thiết phải tạo luận.
Đã thấy lý do cần thiết phải tạo luận thì tự biết vì sao phải học luận. Tuy nhiên Ha-lê-bạt-ma cũng nói rõ trong Phẩm 13 và các Phẩm tiếp theo là học tập luận này chắc chắn được pháp của người trí, được 2 thứ lợi là tự lợi, lợi tha. Nếu người được nghe chính luận Phật pháp, sẽ dứt được 2 thứ kết sâu và nhạy, hiểu rõ chính nghĩa Phật pháp thì không những không não hại mình mà cũng não hại người khác nữa.
Lại như người học luận này, là có thể cùng trao đổi, vì đã hiểu chính nghĩa. Nếu người nào có thể hiểu chính nghĩa Phật pháp quyết được vào 2 hạng ít tội và không tội. Lại nữa, nếu người hiểu nghĩa Phật pháp thì chịu khổ có hạn, vì quyết sẽ được đến Niết-bàn. Cho nên cần phải học tập luận Phật pháp này.
Xuất phát từ suy nghĩ và tâm nguyện giúp mình giúp người có điều kiện học Phật, khai mở trí huệ thâm nhập Phật pháp, Tuệ Quang Wisdom Light Foundation trân trọng giới thiệu tiếp dịch phẩm THÀNH THẬT LUẬN như một dự báo sẽ ra mắt trong tương lai LUẬN TẠNG TIẾNG VIỆT của chúng tôi.
Xin trân trọng giới thiệu
Mùa xuân năm 2012, Phật lịch 2556
Chủ tịch Tuệ Quang Wisdom Light Foundation
Nguyên Hiển
www.daitangvietnam.com