LỤC ĐỘ TẬP KINH
VÀ LỊCH SỬ KHỞI NGUYÊN CỦA DÂN TỘC TA
LÊ MẠNH THÁT
NXB TỔNG HỢP TP.HCM
TỰA
Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên dân tộc ta được viết ra nhằm công bố một số tư liệu và kết quả nghiên cứu sơ bộ về giai đoạn cổ đại của lịch sử Việt Nam. Thứ nhất là truyền thuyết trăm trứng mà Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử ký toàn thư và Phan Thanh Giản trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục chỉ truy về tới chuyện Liễu Nghị đời Đường. Bây giờ, ta biết nó đã xuất hiện trong Lục độ tập kinh được dịch từ tiếng Việt ra chữ Hán vào năm 251stl. Truyền thuyết này như vậy đã chắc chắn lưu hành tại nước ta từ thế kỷ thứ I đến thứ II sdl, nếu không là sớm hơn nữa.
Thứ hai, từ việc truy lại nguồn gốc trăm trứng, chúng ta phát hiện tiếp truyện Thục An Dương Vương và Triệu Đà chỉ là những hư cấu do tác động của thiên anh hùng ca Mahàbhàrata nổi tiếng của Ấn Độ. Chúng không hơn không kém chỉ là những truyện tiểu thuyết hóa lịch sử, cần được xếp vào hệ các tác phẩm văn học của thời kỳ văn học từ năm 300-450 sdl. Các triều đại Thục và Triệu phải đẩy ra khỏi lịch sử dân tộc ta, do đó, không có việc Hán Vũ Đế thôn tính nước ta vào năm 110 tdl.
Triều đại Hùng vương vì vậy vẫn còn tốn tại cho đến khi Hai Bà Trưng thất bại trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 43 sdl. Từ đó Việt luật mới bị “điều tấu”, trống đồng mới bị tịch thu cùng với các chiến lợi phẩm khác do Mã Viện thực hiện. Việc Việt luật tồn tại vào năm 43 sdl từ lâu đã lôi kéo sự chú ý của một số ít người nghiên cứu. Nhưng lối giải thích của H, Maspéro tại sao Việt luật tồn tại sau khi chính quyền nhà Triệu tiêu vong là không thỏa đáng. Lý do nằm ở chỗ ngay khi nắm chính quyền, Minh vương Triệu Anh Tề đã bực tức về việc nhà Hán “đòi phải dùng Hán pháp” (yếu dĩ Hán pháp) mà cả Sử ký lẫn Tiền Hán thơ đều ghi lại. Cho nên, không có chuyện vào năm 110 tdl nhà Hán đã chiếm nước ta, mà lại cho Việt luật tồn tại. Điều này cho phép khẳng định một cách dứt khoát triều đại các vua Hùng vẫn còn cho đến năm 43 sdl. Và đến năm ấy, nước ta vẫn là một nước độc lập. Phải bỏ kỷ thuộc Tây Hán, mà Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên đã dựng nên.
Trên đây là ba kết quả chính, công bố để học giới cùng bản bạn để đi tới việc biên soạn lại một bộ sử Việt Nam mới chính xác và rõ ràng hơn, đặc biệt đối với triều đại Hùng Vương của giai đoạn cổ sử. Nhân đây, chúng tôi cũng nêu lên một số dữ kiện liên hệ đến những thành tựu của nền văn minh Hùng Vương, cụ thể là ngôn ngữ và hệ thống chữ viết, lịch pháp, luật lệ và két cấu văn học, nhằm gợi ý cho công tác nghiên cứu tương lai để dựng lại diện mạo văn hiến của lịch sử 4000 năm cảu dân tộc ta.
Madison , Wic.
Ngày giỗ nội 5.5 Nhâm Tý (1972)
Lê Mạnh Thát
MỤC LỤC
Chương I : Về truyền thuyết trăm trứng
Chương II : Về vấn đề An Dương Vương
Chương III : Thần Nông và triều đại Hùng Vương
Chương IV : Vấn đề tiếng Việt thời Hùng Vương
Chương V : Tổng kết
Phụ lục: Tư liệu cổ sử Việt Nam
Dẫn nhập
Phần tư liệu
Sử ký 6
Tiền Hán Thơ 1-12
Phần nhận định
Mấy nhận định
I. Về Tượng Quân
II. Về nước Việt Thường Trị
III. Về vấn đề chín quận
IV. Về vấn đề quan hệ Việt – Trung thời Hùng Vương
V. Vế ý nghĩa chữ “hạnh”
VI. Kết luận
Sách dẫn