VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM
DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA VIỆT NAM
Bảng tra cứu các tài liệu thư tịch Hán Nôm
Biên soạn:
Ngô Đức Thọ (chủ Biên)
Nguyễn Văn Nguyên - Đổ thị Hảo
Phan Thị Lựu - Nguyễn Kim Oanh
Hoàng Ngọc Thắng
Nhà xuất bản Khoa học Xã hội
Hà Nội 1991
LỜI NÓI ĐẦU
Trong mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, các di tích lịch sử văn hóa như đền miếu, đình, chùa v.v..là một bộ phận của di sản văn hóa vật chất do nhân dân lao động sáng tạo ra. Một mặt khác, gắn liền với nó là những sự tích, truyền thuyết, tín ngưỡng tôn giáov.v..liên quan đến sự tạo thành và tồn tại của các di tích trong tiến trình lịch sử. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 65 (ngày 23-11-1945) đặt các công trình kiến trúc đền miếu, đình, chùa dưới sự bảo vệ của Nhà nước. Gần đây nhất, ngày 31-3-1984 Hội đồng Nhà nước đã ban hành pháp lệnh bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó xác định: “Di tích lịch sử, văn hóa là những công trình xây dựng, địa điểm, đồ vật, tài liệu và các tác phẩm có giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật, cũng như có giá trị văn hóa khác, hoặc có liên quan đến những sự kiện lịch sử, quá trình phát triển văn hóa, xã hội (chương 1, điều 1) và quy định: “Mọi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đều được nhà nước bảo vệ” (chương I, điều 1); Nhà nước khuyến khích các tập thể và cá nhân có những sáng kiến, phát hiện hoặc công trình nghiên cứu khoa học nhằm góp phần thực hiện chính sách quan trọng này (chương IV, điều 25). Nhưng một công trình tổng hợp về các đền chùa có thể tra cứu được thì chưa từng có. Để đạt được một công trình bao quát như thế phải chờ đợi sự đóng góp của nhiều người nghiên cứu, có thể qua nhiều năm nữa mới thực hiện được.
Nhưng dù sao cũng cần phải có một sự bắt đầu?
Để có đóng góp khiêm tốn cho những công việc ban đầu đó, nhóm công tác của chúng tôi gồm 6 người ở Ban Văn bản học Viện nghiên cứu Hán Nôm tự đặt cho mình nhiệm vụ sưu tập, tổng thuật các tư liệu thư tịch Hán Nôm viết về các đền miếu đình chùa ở nước ta.
Phương pháp làm việc của chúng tôi là : Trước hết điều tra và lên một danh mục cơ bản các thư tịch Hán Nôm có viết về các đền chùa cổ. Tiếp đó, từng đơn vị đền, chùa v.v…trong mỗi thư tịch đó đều được người biên soạn dùng ngôn ngữ thông tin, theo một ma-két không quá gò bó, nhưng định hướng trước đó để tóm tắt những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên gọi di tích (tên chính thức bằng chữ Hán và các tên quen dùng khác)
b) Địa điểm (làng, xã huyện tỉnh, theo tên cũ ghi trong tư liệu Hán Nôm), nếu xác định được thì có quy đổi ra địa danh hiện nay.
c) Niên đại hưng tạo, trùng tu, người chủ trương tu tạo, đặc điểm kiến trúc (nếu có)
d) Tiểu sử, sự tích, truyền thuyết liên quan đến các đối tượng thờ cúng (nhân vật lịch sử, nhân vật truyền thuyết) và những người trụ trì có danh tiếng.
đ) Nghi thức hội lễ, lệ kiêng húy v.v…liên quan đến di tích
e) Xuất xứ tư liệu đã sử dụng.
Với phương pháp tóm tắt, tổng hợp thông tin như vậy, chúng tôi hy vọng cung cấp những thông tin chủ yếu nhất về lai lịch các đền miếu, đình chùa đã được người xưa ghi lại trong các thư tịch Hán Nôm.
Qua bảng kê “Danh mục tài liệu cơ bản”, quý độc giả có thể nhận thấy nhóm biên soạn đã sử dụng nguồn thư tịch Hán Nôm tập trung vào những môn loại có nhiều ghi chép về các di tích lịch sử văn hóa của nước ta.
Nguồn tư liệu Hán Nôm liên quan đến các di tích lịch sử văn hóa ở Viện Hán Nôm còn có kho bản dập văn bia (Ký hiệu N0…) và kho bản sao thần tích (ký hiệu AE…). Năm 1972, Thư viện Khoa học xã hội đã biên soạn bộ Thư mục văn bia, hiện nay Viện Hán Nôm đang chỉnh lý, biên soạn lại để xuất bản. Các bản thần tích thì từ khi Viện Viễn Đông bác cổ sưu tập (trước năm 1945) đến nay chưa từng được chỉnh lý khoa học, chỉ cách đây mấy tháng Viện Hán Nôm mới cho lập một mục lục ghi tên các làng xã có thần tích. Vì vậy, trong khi biên soạn sách này chúng tôi chỉ mới sử dụng được một số bản thần tích trong các tập hồ sơ (ký hiệu Q. 4 0…)ở thư viện Viện thông tin Khoa học xã hội, có ghi thêm ký hiệu văn bản tương ứng của kho AE (Viện Hán Nôm). Chúng tôi hy vọng rằng khi một bộ Thư mục thần tích được biên soạn, bạn đọc sẽ có thể tìm thấy thêm trong đó những thông tin về các đền, miếu, đình…chưa được nói đến trong tập tra cứu này.
Về những bài thơ Hán ,Nôm trích dẫn trong sách này mong bạn đọc hiểu rằng đó không phải là toàn bộ sáng tác thơ về di tích; chúng tôi chỉ nhặt lấy một hai bài (phần nhiều chưa công bố) để giới thiệu thêm về di tích, dù có ra ngoài một chút so với yêu cầu soạn sách tra cứu hiện đại, nhưng lại gần hơn với phương pháp truyền thống, các tác giả Hán Nôm vẫn thường làm như vậy để lưu truyền sáng tác của người xưa.
Qua tập tra cứu này, bạn đọc có thể tìm hiểu hệ thống các di tích lịch sử văn hóa (trong đó có nhiều di tích đã được Nhà nước xếp hạng) liên quan đến nhiều nhân vật và sự kiện trong lịch sử nước ta.
Vượt lên ý nghĩa tín ngưỡng, thờ cúng bình thường, chúng ta có thể thấy những di tích kỷ niệm các nhân vật có công với nước với dân đã trở thành những “pho sử lộ thiên” có tác dụng thường xuyên nhắc nhở giáo dục tinh thần yêu nước của người Việt Nam ta từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có thể coi đó là một cách làm xuất sắc mà ông cha ta, đã gắn bó hài hòa giữa tập tục tín ngưỡng của đông đảo quần chúng với việc giáo dục lịch sử. Phải chăng sự quan tâm chú ý một cách kiên trì như vậy rốt cuộc đã động viên được mọi truyền thống lịch sử dồn cho sức mạnh của dân tộc để chống đồng hóa và đánh thắng giặc ngoại xâm?
Về Phật giáo, qua tập tra cứu này, bạn đọc có thể tìm hiểu những ngôi chùa cổ nổi tiếng trong lịch sử truyền thừa ở nước ta. Chùa Pháp Vân (tức chùa Dâu, Thuận Thành – Hà Bắc), hiện còn, sử ghi dựng vào năm Đại Định thứ 22 (1161) đời Lý Nhân Tông (Toàn thư, BK3, 6b). Đúng ra đó chỉ là năm trùng tu hoặc dựng lại chùa. Còn các thư tịch khác nhau như Cổ châu Pháp Vân tự thực lục, Thiền uyển tập anh v.v…cho biết lịch sử của nó cổ xưa hơn nhiều: chùa khởi tạo khoảng cuối thế kỷ thứ II đầu thế kỷ thứ III, khi Sĩ Nhiếp làm thái thú Giao Châu (năm 187-226) một trong những cơ sở truyền thừa ở trung tâm Phật giáo Luy Lâu nổi tiếng đương thời. Đến năm 580, thiền sư Tì Ni Đ Lưu Chi (Vinaitaruci) người Ấn Độ đến trụ trì tại đây, mở ra một thiền phái mang tên ông trong lịch sử Phật giáo mà các thế hệ sau từng có nhiều nhà Thiền học nổi tiếng như thiền sư Vạn Hạnh (chùa Lục Tổ), tăng thống Huệ Sinh (chùa Vạn Tuế), thiền sư Viên Học, quốc sư Viên Thông v.v…Chùa Kiến Sơ hương Phù Đổng (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) do thiền sư Cảm Thành (?-860) cất dựng, lại là tổ sơn của tiền phái Vô Ngôn Thông. Dòng thiền này xác lập muộn hơn, nhưng lại có con đường riêng để phát triển ảnh hưỡng ngày một sâu rộng , càng về sau càng có thế lực hơn.
Từ thế kỷ XV trở về sau, Nho giáo chiếm địa vị độc tôn trong ý thức hệ chính thống, chúng ta vẫn thấy ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc. Nhiều chùa chiền bị phá hủy hoặc hư hại trong kháng chiến chống quân Minh và trong chiến tranh Lê-Mạc dần dần được trùng tu, khôi phục (như các chùa Phổ Minh, Phúc Lâm Hoàng Thệ, Quảng Nghiêm v.v…) Khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII có thể nói là lại có một phong trào phục hưng Phật giáo. Những chùa cổ được trùng tu, nhiều chùa mới được xây dựng. Và từ những thiền viện đó, tư tưởng Từ bi hỉ xả của Phật Thích ca, tư tưởng nhập thế tích cực của các bậc cao tăng nước ta càng có điều kiện đi sâu vào tư tưởng tình cảm của các tầng lớp nhân dân, tạo thành một yếu tố sâu đậm trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Qua bao nhiêu biến thiên của thời đại, những ngôi chùa có lịch sử lâu đời , như chùa Một cột, chùa Trấn Quốc, chù Kim Liên v.v…ở hà Nội, chùa Phật tích, chùa Pháp Vân (chùa Dâu), chùa Ninh Phúc (Bút Tháp), chùa Vĩnh Nghiêm v.v…ở Hà Bắc, chùa Thiên Phúc (chùa Thầy), chùa Hương Tích v.v…ở Hà Sơn Bình, tháp Bình Sơn ở Vĩnh Phúc, chùa và tháp Phổ Minh ở Hà Nam Ninh, chùa Thần Quang (tức chùa Keo) ở Thái Bình, hệ thống chùa Yên Tử ở Quảng Ninh, chùa Giác Lâm ở thành phố Hồ Chí Minh v.v…là những chùa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Còn hàng trăm ngôi chùa cổ và các đền miếu, đạo quán khác ở nhiều địa phương Thanh Hóa, Nghệ Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế v.v…cũng sẽ được các cơ quan quản lý văn hóa nghiên cứu để lần lượt xếp hạng di tích. Với hơn một nghìn mục từ trong sách này, chúng tôi chỉ dám coi là một sưu tập bước đầu đóng góp cho việc nghiên cứu của các ngành học thuật liên quan đến việc nghiên cứu các di tích lịch sử văn hóa nước ta.
Sau khi hoàn thành bản thảo, nhóm biên soạn chúng tôi nhận thấy nói chung công trình được thực hiện theo mô hình thiết kế. Tuy vậy, thực tế các tư liệu thư tịch Hán-Nôm viết về đền, miếu, đình chùa phân bố không đều nhau, lượng thông tin nhiều ít cũng chênh lệch, không ít mục từ chỉ có thể trình bày được vài ba yếu tố, chứ không có đủ các nội dung mong muốn, một số chỉ báo quá rời rạc đã phải tạm để ra ngoài công trình. Vả lại, trong quá trình biên soạn công việc cũng tương đối bề bộn, các chỉ báo tư liệu rất đa dạng, mà phạm vi hiểu biết, điều kiện tham khảo của chúng tôi có hạn, cho nên trong việc trình bày các mục từ không tránh khỏi sai lầm thiếu sót, nếu được quý độc giả vui lòng chỉ chính cho thì nhóm biên soạn chúng tôi xin thành thật biết ơn. Chúng tôi đặc biệt cảm ơn cụ Đinh Xuân Vịnh đã đọc bản thảo và giúp chúng tôi soát duyệt đính chính những trường hợp khó trong việc chuyển đổi địa danh cũ mới; cảm ơn hai bạn Ngô Thế Long và Nguyễn Thúy Nga đã giúp chúng tôi soát lập bảng sách dẫn. Nguyện vọng của chúng tôi không gì khác hơn là các di tích lịch sử văn hóa cần được bảo vệ, gìn giữ, nghiên cứu ngày càng tốt hơn cho xứng đáng với truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Trong sự cố gắng chung đó, nếu công trình nhỏ chưa mấy hoàn bị này của chúng tôi có thể đóng góp phần nào để hỗ trợ công việc tra cứu, tham khảo của các độc giả kính mến thì điều đó là một sự động viên rất có ý nghĩa với nhòm biên soạn chúng tôi.
Hà Nội, 11 – 1990
Thay mặt nhóm biên soạn - Chủ biên: Ngô Đức Thọ