6437- VĂN HỌC CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM
(TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG 8 -1945)
PHAN ĐĂNG NHẬT (250 trang)
NXB VĂN HÓA
LỜI NÓI ĐẦU
Văn học trước Cách mạng tháng Tám của các dân tộc thiểu số nước ta là một bộ phận quan trọng trong di sản tinh thần của đại gia đình dân tộc Việt Nam. Nó có những đặc điểm sau đây:
Trước hết là khối lượng, 54 dân tộc anh em với 54 truyền thống văn học là con số đáng kể. khi đứng tách riêng ra văn học từng dân tộc có thể có những mặt, những bộ phận chưa hoàn chỉnh, chưa dồi dòa. Nhưng họp tất cả lại, chúng ta có được một kho tàng văn học đồ sộ. Nếu chỉ xét riêng về số lượng thôi, đây cũng là một điểm đáng quý.
Nhưng số lượng chưa phải là cơ bản, quan trọng hơn là những đặc điểm về nội dung.
Văn học của các dân tộc thiểu số phản ánh những giai đoạn lịch sử xã hội từ trước khi có giai cấp xuất hiện cho đến khi thời kỳ đầu của chế độ phong kiến và xã hội phong kiến nửa thực dân, từ xã hội mẫu hệ đến xã hội phụ quyền.
Do đặc điểm này, dân tộc các thiểu số nước ta có thể cung cấp những sự kiện tiêu biểu cho khoa lịch sử văn học về lý luận văn học.
Văn học các dân tộc thiểu số thuộc các ngữ hệ và ngữ chỉ chủ yếu của vùng Đông Nam Á như: Malayo-Polinidieng., Tây-Thái, Tạng-Miên, Môn-Khơmer. Đồng thời các dân tộc thiểu số ở những khu vực gần gủi với các nước láng giềng, thường xuyên có mối quan hệ qua lại với bên ngoài. Do đó văn học các dân tộc là dây nối giữa văn học Việt Nam với các nước anh em, các nước láng giếng khác ở Đông Nam Á. Qua văn học các dân tộc thiểu số sẽ dễ tìm thấy con đường chuyển tiếp văn hóa giữa Việt Nam và Đông Nam Á cả hai chiều tỏa ra và thu vào.
Văn học các dân tộc anh em trên đất nước ta rất phong phú, đa dạng như “những bông hoa thơm đẹp nở rộ trên rừng hoa trăm sắc ngàn hương”, đồng thời gắn bó với nhau chặt chẽ để phát triển hài hòa tạo nên một nền văn hóa nhiều dân tộc thống nhất mà đa dạng.
Trong công việc biên soạn sách Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, chúng tôi đã được sự chỉ dẫn tận tình của đồng chí Nông Quốc Chấn, được sự giúp đỡ tích cực của nhà xuất bản Việt Bắc, nhà xuất bản Dân tộc (Trung ương) và nhà xuất bản Văn hóa; được nhiều ý kiến đóng góp của nhiều đồng chí và bạn bè xa gần, trước hết là các đồng chí lãnh đạo và cán bộ của Viện Văn học và Ban Văn hóa Dân gian thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Chúng tôi xin trân trọng cám ơn.
Như trên đã nói, sách được xây dựng trong hoàn cảnh việc sưu tầm nghiên cứu văn học truyền thống của các dân tộc thiểu số mới bắt đầu phát triển, tư liệu chưa đầy đủ, chưa đều ở các dân tộc, và các thể loại, trình độ của chúng tôi có hạn. Do đó sách còn nhiều thiếu sót, nhất là chất lượng chưa đều ở các phần, chúng tôi mong được các bạn đọc góp nhiều ý kiến để sau này việc giới thiệu văn học các dân tộc thiểu số được tốt hơn.
TÁC GIẢ
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Chương I : Văn học dân gian các dân tộc gắn liền với đời sống, phân loại
Chương II : loại hình văn học nói
Chương III: Loại hình văn học kể
Chương IV: Loại hình văn học hát
Chương V : Thay lời kết luận: Từ văn học dân gian đến văn học thành văn - Một văn học “Kết hợp hài hòa những tinh hoa và phong cách riêng của các dân tộc anh em”.
Sách tham khảo chính