TRIỆU CHÂU NGỮ LỤC
THIỀN SƯ TÙNG PHẨM
Dịch giả: Thích Thông Phương
NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO
PL:2555 - DL: 2011
LỜI DẪN
Quyển Triệu Châu Ngữ Lục này chúng tôi dịch từ trong bộ Cổ Tôn Túc Ngữ Lục, thuộc phần Thiền tạng của Đại tạng Kinh Phật Quang và Tục tạng chữ (vạn) tập 68. Nguyên bản chữ Hán nói đủ là "Triệu Châu Chân Tế Thiền Sư Ngữ Lục Tinh Hành Trạng", trong đó gồm có phần hành trạng, phần ngữ lục, đối cơ khám biện và kệ tụng.
Ngài Triệu Châu tức Thiền sư Tùng Thẩm là bậc Đại Tông sư trong Thiền Tông. Bởi Sư đã ngộ từ "Tâm bình thường là đạo" nên chỗ Sư nói ra rất bình thường giản dị, không chữ nghĩa màu mè, nhưng "ý" thật cao xa, sâu kín, vượt ngoài tầm suy nghĩ thường tình. Người học, phải lòng thật rỗng rang, bình thường vô sự, ngay đó trực tiếp đảm đương, không cho chần chừ trả giá tới lui qua lại.
Kìa, chỉ một "cây bách trước sân" bình thường giản dị, mà người người dòm khó thấu, bởi tưởng tượng quá nhiều.
Chỉ một vị trà sờ sờ đó sẵn sàng mời thỉnh, nhưng kẻ kẻ khó nếm qua, chỉ vì trong lòng còn chất chứa đây kia.
Mới hay, một câu "bình thường tâm" mà bao đời nói hoài không hết. Người cứ tưởng đã nắm trọn, không ngờ vẫn còn xa. Đâu phải nói lời cao siêu, huyền diệu, chỉ cốt một niệm quên duyên thì lời lời đều diệu. Bởi Triệu Châu vốn không ở trong cây bách, vị trà vốn chẳng từ miệng vào. Cần có cái thấy nhảy qua danh từ, ngữ lục, xem lại: Ai đang ngồi đây?
Ô kìa! Lão Triệu còn nguyên đó, thấy nghe đâu thể đến?
Ăn cháo, rửa bát, uống trà, tâm bình thường vẫn hằng sáng ngời chẳng từng mê, nhưng tại sao có người thấy? Người chẳng thấy?
Chỉ quên niệm chọn lựa đây kia, thì ngay đó "chí đạo sờ sờ", ai dối được?
Lời lời chỉ là không lời. Câu câu chỉ là không câu.
Văn chương chữ nghĩa đến đây sẽ để ở chỗ nào?
A hay!
Một hớp nuốt trọn cả Triệu Châu, xưa nay bặt dấu tìm.
Còn lại đó là ai?
Uống trà đi!
Thiền Viện Trúc Lâm
Năm Tân Tỵ - 2001
Thích Thông Phương
MỤC LỤC
01. Lời dẫn
02. Hành trạng
03. Ngữ lục
04. Đối cơ khám biện
05. Khúc ca 12 giờ
06. Thập nhị thời ca
Đại vương thống sử
|
Đức Phật lịch sử
|
Ấn Độ Phật giáo sử luận
|
Đại cương lịch sử triết học phương đông cổ đại
|
Lược sử văn học sanskrit & hán tạng Phật giáo
|