BIÊN NIÊN SỬ PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC
THÍCH HẠNH THÀNH
NXB PHƯƠNG ĐÔNG
LỜI NÓI ĐẦU
Niên đại Phật giáo từ Ấn Độ truyền tới Trung Quốc có rất nhiều thuyết khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là thuyết niên hiệu Vĩnh Bình (58-75 ), năm thứ 10, đời Hậu Hán, Hán Minh Đế ( 57- 75 ) sai các tướng của ông dẫn một phái đoàn gồm 18 người sang Tây Vực thỉnh tượng Phật, nhưng nửa đường họ đã gặp hai bậc Phạm Tăng Ca-diếp-ma-đằng và Trúc -pháp-lan, tải kinh tượng bằng ngựa trắng, và họ đã thỉnh hai vị này đến Trung Quốc truyền đạo. Nhà vua rất mừng, và cho xây dựng chùa Bạch Mã để hai Ngài làm nơi dịch kinh điển, hoằng pháp. Ở thời đại này, vì Phật giáo mới được du nhập nên phần lớn các cao tăng từ nước ngoài ( như An Thế Cao, Chi-lâu-ca-sấm…) đến chỉ chuyên chú vào công tác phiên dịch kinh điển để truyền bá là chính, nhưng một phần nào đó Phật giáo cũng ảnh hưởng đến dân chúng ở thời Hậu Hán ( 25- 220 ) này. Đến thời Tam quốc ( 220-280 ) thì sự nghiệp phiên dịch kinh điển phát triển hơn trước, có vị Tăng bắt đầu mở đường sang Tây Vực cầu pháp, thỉnh kinh (sau này là đường Nhập Trúc cầu pháp ).
Đọc lịch sử truyền bá Phật giáo Trung Quốc, chúng ta thấy có điều lạ là dù ở thời đại nào, hoàn cảnh nào cũng có các bậc cao Tăng ra đời hoằng pháp. Ở thời đại trước, chiến tranh triền miên, loạn ly tang tóc mà cũng có các Ngài đứng lên thắp sáng ngọn đèn chánh pháp, sang đời Nam Bắc Triều (386- 589 ) tình hình đất nước cũng không khác trước bao nhiêu. Bi thảm hơn là trong thời kỳ Phật giáo bị hai lần Pháp nạn do nhà Bắc ngụy và Bắc Chu gây ra. Trước họa diệt vong đó, chánh phápvẫn lưu truyền, trái lại nó được sinh sôi nảy nở hơn trước kia, nhiều tông phái ra đời như: Tỳ-đàm-tông, Niết-bàn-tông, Thành thật tông, Tam Luận tông, Tịnh độ tông, Nhiếp Luận tông, Địa Luận tông, Thiền Tông; giáo đoàn phát triển, lại xảy ra một số tiêu cực, xuất hiện “tư tưởng mạc pháp”, vì thế nhiều công trình khắc kinh trên đá được khai tạc, mỹ thuật Phật giáo tiến bộ hơn, nó được thể hiện ở những công trình điêu khắc của các động Vân Cương, Long Môn, Thiên Long Sơn, và Ưởng Đường Sơn. Tuy thế nhưng hậu quả của hai lần Pháp nạn đã để lại những tổn thất không nhỏ, cho nên , đến đời nhà Tùy (581-618) các Đế vương mở công cuộc phục hưng Phật giáo, xây dựng thêm chùa tháp, số tự viện lên đến 4.000 ngôi, Tăng Ni có tới 236.000 người. Đặc biệt tư tưởng giáo học ở thời kỳ này đã thăng hoa, đưa đến sự thành lập Thiên Thai tông, Tam Giai giáo, Tân Tam Luận tông, các danh tăng không ngừngphiên dịch kinh điển. Phật giáo thời nhà Tùy có thể cho là giai đoạn chuẩn bị để đưa Phật giáo lên thời kỳ vàng son rực rỡ của nó, đó là thời nhà Đường (618- 907 ).
Trong lúc biên soạn, dù cố gắng hết sức, nhưng với kiến thức khiêm tốn và tài liệu hạn chế, nên khó tránh khỏi sai sót. Rất mong các bậc tôn túc cao minh chỉ giáo, chư Đại đức Tăng Ni và bạn đọc đóng góp ý kiến, phê bình để khi tái bản, tác phẩm biên niên sử sẽ được hoàn hảo hơn.
Việt Nam Quốc tự
Mùa xuân năm Kỷ Sửu ( 2009 )
Thích Hạnh Thành
Đại vương thống sử
|
Đức Phật lịch sử
|
Ấn Độ Phật giáo sử luận
|
Đại cương lịch sử triết học phương đông cổ đại
|
Lược sử văn học sanskrit & hán tạng Phật giáo
|