Tìm Sách

Giới Luật >> Sắc tu Bách Trượng thanh quy tập 1


Xem tại thư viện

Thông tin tra cứu

  • Tên sách : Sắc tu Bách Trượng thanh quy tập 1
  • Tác giả : Thiền sư Đức Huy
  • Dịch giả : Thi1ch Phước Sơn & Lý Việt Dũng
  • Ngôn ngữ : Hán - Việt
  • Số trang : 546
  • Nhà xuất bản : NXB Phương Đông
  • Năm xuất bản : 2008
  • Phân loại : Giới Luật
  • MCB : 1201000009071
  • OPAC :
  • Tóm tắt :

SẮC TU BÁCH TRƯỢNG THANH QUY  tập 1

THIỀN SƯ ĐỨC HUY trùng biên

THÍCH PHƯỚC SƠN & LÝ VIỆT DŨNG Việt dịch

NXB PHƯƠNG ĐÔNG

Lời nói đầu

SẮC TU BÁCH TRƯỢNG THANH QUI

TẬP I

Nhân loại đang trên đà khủng hoảng về đạo đức, trong xã hội con người sống với nhau hình như ngày một thiếu vắng tình người. Trước sự phá sản các giá trị tâm linh đang diễn ra khá phổ biến bởi sức mạnh của vật dục bên ngoài lôi cuốn, con người hình như đánh mất tính tự chủ, nên dễ dẫn đến tha hoá và biến chất. Trong bối cảnh xã hội ấy, những giá trị đạo đức của các tôn giáo cần phải được vận dụng để làm chất liệu nuôi dưỡng tinh thần hướng đến mục đích hoàn thiện phẩm chất con người. Sự phá sản giá trị đạo đức hiện nay không những xảy ra ngoài xã hội mà còn tác động đến cả nếp sinh hoạt nơi chốn Tùng lâm tôn nghiêm. Quy củ Thiền môn tuy vẫn duy trì hình thức bề ngoài mà thực chất nội dung thì ngày một thoái hóa, xuống dốc. Lúc này hơn lúc nào hết, chúng ta cần gióng lên tiếng chuông báo động để cảnh tỉnh mọi người. May thay, đứng trước thực trạng vô cùng khó khăn và đầy cam go hiện giờ, vẫn còn những khuôn vàng thước ngọc mà các bậc Long tượng Thiền môn đã miệt mài tìm tòi để cống hiến cho tiền đồ Đạo pháp. Đó chính là những bảo vật chúng ta phải hết sức yêu quí và trân trọng giữ gìn.

Sách Bách Trượng thanh quy do tổ Bách Trượng - Hoài Hải (720-784) biên soạn vào trung diệp đời Đường để làm cương lĩnh sinh hoạt cho Tăng ni tại các Tùng lâm, có giá trị như một kim chỉ nam hướng dẫn mọi hoạt động trong đời sống của người xuất gia. Nhưng trải qua thời gian vật đổi sao dời, sách đã bị thất lạc. Tuy vậy, một phần nội dung của nó đã được các bộ sách khác thu dụng. Thế rồi vào năm đầu niên hiệu Chí Nguyên (1335) vua Thuận Đế nhà Nguyên với tấm lòng hộ pháp nhiệt thành, muốn các Tự viện Thiền lâm sinh hoạt có nề nếp kỷ cương, bèn truyền lệnh cho thiền sư Đông Dương Đức Huy – cháu nối dòng pháp đời thứ 18 tổ Bách Trượng - căn cứ vào các bộ thanh quy đương hiện hành tu chính, biên soạn lại một bộ Thanh Quy khác; đồng thời truyền lệnh cho thiền sư Đại Hân huynh đệ đồng sư với Đức Huy lo việc hiệu chính rồi đặt tên sách là Sắc tu Bách Trượng thanh quy. Về sau, Đại chính tân tu đại tạng kinh đã thu nhập vào tập 48, ký hiệu 2025, từ trang 1109c – 1159b. Sách gồm hai phần, tám quyển, chín chương, khoảng hai trăm tiêu đề, một đoạn duyên khởi ở đầu sách và phần phụ lục gồm bảy mục.

Bộ sách này cung cấp cho chúng ta hầu như gần hết các thuật ngữ chuyên dụng trong thiền môn về mọi phương diện như chức vụ, danh xưng, cơ sở, lễ nghi, pháp khí, công cụ hành đạo,v.v… Có thể nói, từ  hơn 600 năm qua bộ Sắc tu có ảnh hưởng khá sâu rộng đối với Thiền tông Việt Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Để đáp ứng nhu cầu tu học bức thiết của Tăng ni hiện nay, chúng tôi (Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng) đã chung sức chuyển ngữ sang tiếng Việt; và để tiện việc xuất bản, chúng tôi chia sách thành 2 tập: Tập I từ quyển 1 đến quyển 4; Tập II từ quyển 5 đến hết quyển 8, và tuần tự thực hiện từng tiểu mục. Mỗi tiểu mục chia làm 4 phần: 1/. Phần chữ Hán là nguyên văn trong Đại chính tạng; 2/. Phiên âm từ chữ Hán là chữ in đứng; 3/. Chữ in nghiêng là phần dịch nghĩa; 4/. Còn phần chú thích được tập hợp tất cả sắp theo mẫu tự A,B,C…, đặt ở cuối sách để độc giả tiện việc tra cứu khi cần.

Trong các bản văn còn lại hiện nay mà chúng tôi tham khảo, đối chiếu có đôi chỗ dị biệt rườm rà, có thể là do người sau khi biên tập thêm vào. Như đoạn duyên khởi ở đầu sách bị người sau thêm thắc sửa đổi khá rối răm, nên bỏ không dịch. Phần mục lục của sách chúng tôi chỉ dịch nghĩa chứ không phiên âm chữ Hán. Và phụ lục của sách có tất cả bảy bài minh tựa, vì thấy có vài chỗ nội dung giống nhau, chúng tôi chỉ chọn dịch các bài: 1/. Bài minh ở tháp tổ Bách Trượng; 2/. Bài ký gác thiền sư Đức Huy; 3/. Bài tựa Cổ Thanh quy; 4/. Bài tựa Sắc tu Bách Trượng thanh quy. Những phần lược bỏ thì chúng tôi không đưa nguyên văn chữ Hán vào trong sách. Ngoài ra, dịch giả có thêm vài Lời bàn trong các mục nhỏ ở một số chương. 

Về cách chấm câu có nhiều chỗ cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với nội dung; và đặc biệt, bộ sách này có khá nhiều chữ do khắc bản bị nhầm, chúng tôi dựa vào văn pháp chữ Hán mạn phép sửa chữa lại, như: Cung duy (供惟)thành hồng duy (洪惟 ) [tr.1114c22]; ngụ chỉ (寓 止) thành vạn chỉ (萬止) [tr. 1118a29]; quản đãi (管待) thành quản thị (管侍) [ tr.1122c]; giáng trọng (降重) thành phụ trọng (附 重) [tr.1123b]; đãi hành (待 行) thành trì hành (持行 ) [tr.1123b]; quang bạn (光 伴) thành hỏa bạn (火伴) [tr.1123b]; hòa thượng (和尚) thành hòa đường (和 堂) [tr.1124a]; tăng đường (僧堂) thành thỉnh đường (請堂) [tr,1126b]; hòa thượng (和 尚) thành hô thượng (呼尚) [tr.1126c]; thả vọng (且望) thành đán vọng (旦望) [tr.1128b); chú hương (炷香) thành trụ hương (住香) [tr.1130a]; phương trượng (方丈) thành phương văn (方文) [tr.1131a]; trí từ ( 致 詞) thành trí ha (致訶) [tr.1134b]; tri khách ( 知 客) thành tri dung (知 容) [tr.1134b]; chấp đao (執刀) thành thế đao (勢刀) [tr.1137b]; thượng gian (上間) thành thượng vấn (上問) [tr.1142a], v.v…

Đây chỉ là vài dẫn chứng tiêu biểu, còn những chỗ khác quí độc giả có thể đối chiếu nguyên văn, phiên âm và bản dịch sẽ rõ. Tuy nhiên, chắc chắn còn những chữ nhầm khác mà chúng tôi chưa phát hiện được, đành trông cậy vào thế hệ sau hiệu chính. Trong lúc tiến hành công việc, cả hai chúng tôi đều trong tình trạng sức khỏe không được ổn định, phải tranh thủ với thời gian, may mắn nhờ ơn Phật, Tổ gia bị, mà bản thảo đã hoàn tất. Khi phiên dịch, dù đã cố gắng tra cứu hết sức, nhưng khó tránh khỏi thiếu sót, sai lầm, kính mong các bậc Tôn túc cao minh quan tâm đến di sản văn hóa Phật giáo, hoan hỷ chỉ giáo để sau này khi sách may mắn được tái bản sẽ giảm thiểu những khiếm khuyết.

Thiết nghĩ, muốn lãnh hội tốt yếu chỉ của sách, xin quí độc giả hãy xem trước phần tổng quan, các bài tựa rồi mới đi vào nội dung.

Cuối cùng, chúng tôi xin chân thành cám ơn thầy Minh Hải, đạo hữu Đặng Hữu Trí đã tích cực tham gia hoàn thành bản thảo. Nguyện cầu tất cả đều được soi sáng trong ánh hào quang của chư Phật.

Thiền viện Vạn Hạnh, ngày 19/07/2008

Thích Phước Sơn, Lý Việt Dũng

Kính ghi

Mục Lục  ... xin xem Tập 2

Các sách khác thuộc Giới Luật

Thức-xoa-ma-na Luật Nghi
Thức-xoa-ma-na Luật Nghi
Sắc tu Bách Trượng thanh quy tập 2
Sắc tu Bách Trượng thanh quy tập 2
Luật Ma Ha Tăng Kỳ - Mahasanghika
Luật Ma Ha Tăng Kỳ - Mahasanghika
Ý nghĩa giới luật
Ý nghĩa giới luật
Tạng Luật - Đại Phẩm 1
Tạng Luật - Đại Phẩm 1
Tập Yếu PARIVĀRA I
Tập Yếu PARIVĀRA I
Luật Tứ Phần 1
Luật Tứ Phần 1
Luật Ngũ Phần 1
Luật Ngũ Phần 1
Tạng Luật - Tập Yếu 1
Tạng Luật - Tập Yếu 1
Tạng Luật - Tiểu Phẩm 1
Tạng Luật - Tiểu Phẩm 1
Tạng Luật - Phân tích giới Tỳ Khưu Tập 1
Tạng Luật - Phân tích giới Tỳ Khưu Tập 1
Luật Sa Di và Sa Di Ni - tập 3
Luật Sa Di và Sa Di Ni - tập 3