CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
Tỳ Kheo THÍCH MINH CHÂU dịch
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VN ẤN HÀNH
LỜI GIỚI THIỆU
Chúng tôi dịch tập Jataka hay chuyện Tiền thân này là tập thứ 10 trong bộ Khuddaka Nikaya (Kinh Tiểu Bộ).
Lần nàuy chúng tôi chỉ dịch 120 mẫu chuyện cho nên con số chính xác có bao nhiêu mẫu chuyện trong toàn tập Jataka chưa được xác định. Theo tập Jataka bằng chữ Pali, con số cuối cùng là 547 mẫu chuyện, nhưng ở bản dịch tiếng Anh ghi là 550 chuyện, chia làm 22 chương (Nipata). Phân loại tác phẩm này dựa trên số kệ (Gatha), trong mỗi chuyện, ví như chương đó có 150 chuyện, mỗi chuyện có một bài kệ, chương hai gồm 100 chuyện, mỗi chuyện có hai bài kệ, chương ba và bốn, mỗi chương gồm 50 chuyện, mỗi chuyện có ba vá bốn bài kệ, cho đến chương 21 có 5 câu chuyện mỗi câu chuyện có 80 bài kệ, chương 22 có 10 câu chuyện, với một số kệ nhiều hơn, mỗi Jataka gồm có 4 phần:
1. Paccuppanna-Vatthu ( câu chuyện hiện tại)
Một câu chuyện được xem là xảy ra ttrong thời kỳ Đức Phật tại thế, nên gọi là câu chuyện hiện tại, và vì câu chuyện này, Đức Phật đã kể ra câu chuyện quá khứ.
2. Atitavatthu: (Câu chuyện quá khứ có liên hệ đến những nhân vật trong câu chuyện hiện tại). Trong câu chuyện quá khứ, luôn luôn có sự hiện diện của Bồ Tát (là tiền thân của Đức Phật) trong một vai trò nào đó. Có một hay nhiều bài kệ, khi thì do Bồ Tát nói, khi thì do Đức Phật nói, phần lớn dưới hình thức một bài dạy đạo đức.
3. Veyyakarana ( Giải thích bài kệ hay một vài danh từ trong câu chuyện quá khứ ).
4. Samodhana (Phần Kết hợp) Đức Phật kết hợp hai mẫu chuyện hiện tại và quá khứ, có khi thêm một bài thuyết pháp kết quả của bài ấy và cuối cùng là phần nhận diện tiền thân , chỉ rõ sự liên hệ giữa những nhân vật chính trong hai câu chuyện quá khứ và hiện tại
Theo truyền thống Tích Lan, câu chuyện hiện tại, câu chuyện quá khứ, lời giải thích và phần kết hợp thành tập Jataka Atthakatha (Tiền thân sớ giải) Tập này được dịch sang tiếng Cinala (Tích Lan), trừ các bài kệ vẫn giữ tiếng Pali với danh từ là Jatakassa Atthavannana, mà nay chúng tôi dịch sang tiếng Việt Nam.
Chúng tôi không dịch phần II vì phần này có tính cách sớ giải.
Vì chỉ mới dịch có 120 mẫu chuyện, nên chúng tôi chỉ có thể dựa vào số 120 mẫu chuyện này để phân tích và đưa đến một vài kết luận hay nhận xét cho riêng 120 mẫu chuyện mà thôi. Chỉ khi nào dịch xong toàn bộ, sẽ có những kết luận chung cho cả tập Jataka.
Chúng tôi phiên dịch Kinh Tạng Pali hướng về hai mục đích rõ rệt:
- Thứ nhất: Giới thiệu Kinh tạng Pali cho Phật tử và nhân dân Việt Nam, những nguyên bản kinh điển được xem là cổ xưa nhất và chứa đựng những giáo lý trung thành nhất của Đức Phật. Chúng tôi phiên dịch kinh tạng vì chúng tôi xem Kinh tạng gìn giữ được những lời dạy trung thành nhất của Đức Phật, chưa bị ảnh hưởng đến những phân chia hệ phái và tông phái (Nam tông, Bắc tông).
- Thứ hai của chúng tôi trong nhiệm vụ phiên dịch này là xây dựng cho được một Đại Tạng Kinh Việt Nam. Ngày nay, chúng ta đã được độc lập thống nhất, chúng ta phải có Đại tạng kinh Việt Nam cho Phật tử Việt Nam. Ngôn ngữ VN đủ phong phú, đủ trong sáng và sức mạnh đóng vai trò chuyển ngữ. Ngày nào chúng ta còn lệ thuộc vào Pali tạng hay Hán tạng v.v.. ngày ấy chúng ta vẫn còn lệ thuộc vào những văn tự ấy. Độc lập ngôn ngữ cũng có nghĩa là độc lập dân tộc. Xưa kia ông cha ta chưa đề cao tiếng nôm cũng vì vậy, Vì chỉ có độc lập ngôn ngữ mới khỏi bị đồng hóa bởi văn hóa ngoại ban.
Chúng ta đang cần nghiên cứu Pali tạng và Hán Tạng nhưng nghiên cứu không có nghĩa là cam tâm lệ thuộc vào văn tự Pali hay văn tự Hán tạng. Điều cốt yếu là thấy rõ điều đó, và thấy rõ điều đó có nghĩa là thấy được sự cần thiết phải xây dựng cho được một Đại tạng Kinh Việt Nam.
Mùa an cư tại Thiền viện Vạn Hạnh 1991
Tỳ kheo THÍCH MINH CHÂU
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam