Thiền Đạo tu tập (The Practice of Zen)
Chang Chen Chi (Trương Trừng Cơ)
Bản Dịch Như Hạnh,
Kinh Thi in lần thứ I, năm1972
Tựa
Nếu Thiền đúng là giáo lý tinh túy và tối thượng của Phật giáo, một giáo lý có thể thực sự giải thoát ta khỏi những đau khổ của tử sinh chứ không phải chỉ là những lời bép xép vô ích, chỉ dùng để giải trí, Thiền phải đưa ra bằng chứng cụ thể và hiển nhiên để chứng minh hiệu lực của nó cho mọi người. Chỉ danh tự xuông không đủ để duy trì được một tôn giáo; lời nói trống rỗng không thuyết phục được thiên hạ… Nếu Thiền không sản xuát ra đều đều những “bậc giác ngộ” những người mà, một mặt thực hiện cái Chân Lý Nội Tại, và mặt khác , đưa ra những chứng cớ cụ thể về sự Giác Ngộ của họ, Thiền đã chẳng bao giờ làm lu mờ tất cả các Tông Phái Phật giáo khác ngay nơi quê hương nó và tồn tại trên một ngàn năm.
Ngộ của Phật giáo không phải là một lý thuyết trống rỗng…, Ngộ là một sự kiện cụ thể có thể thử thách và chứng minh…
Tập sách này là kết quả của nhiều năm đằng đẳng SỐNG trong các tu viện ở Trung Hoa và Tây Tạng của tác giả. Nổ lực trình bày những nguyên tắc căn bản của lý thuyết cũng như các tâm yếu và pháp môn thực tiển của việc TU TẬP, ngõ hầu đem lại cho ta một cái nhìn chính xác trước khi đặt chân đi bước đầu tiên trên con đường giac ngộ tự tâm và sống lại cuộc đời mình. Tác giả không viết bằng tài hoa của một nhà văn nhưng bằng kinh nghiệm của một hành giả, ông không cố đem lại một cái gì HAY mà là một cái gì THỰC, như vậy có lẽ Đạo vị lại đậm đà hơn…
TỰA CỦA DỊCH GIÃ
Tuy mang cái tên như vậy nhưng đây không hẳn chỉ là một tập sách day một vài kỹ thuật hít thở hay dăm ba tư thế ngồi Thiền. Mà có thể nói tập sách này là một tài liệu thực tiển của Thiền gia từng tu tập Thiền lâu năm ở Trung Hoa và Tây Tạng. Tác giả cố gắng đem kinh nghiệm nghiên cứu và tu tập của mình trình bày một quan niệm đúng đắn về các lý thuyết căn bản cũng như các nguyên tắc cốt yếu của việc tu tập Thiền. Điều ấy độc giả hẳn sẽ nhận thấy trong các trang sau đây, không cần phải nói thêm nữa.
…