LỜI GIỚI THIỆU
Tôi hành thiền Vipassanà không theo cách rập khuôn một bài bản cố định, có điều kiện của các thiền sư, thiền viện hay thiền phái nổi tiếng nào, dù biết rằng những phương pháp vận dụng quy mô ấy đều đem lại lợi lạc nhất định cho rất nhiều hành giả, và bản thân tôi cũng đã học hỏi từ đó rất nhiều.
Nhưng cuộc sống vốn nhiêu khê, đa dạng và biến ảo khó lường nên thiền cũng phải “vô chiêu” mới có thể thực sự miên mật với bấy nhiêu bài học thực tế phức tạp trong đời, vì vậy tôi thường vận dụng chánh niệm tỉnh giác ngay nơi chính những gì mà mình đang trải nghiệm, bất kỳ ở đâu và lúc nào, trong trạng thái tự nhiên, không thêm bớt, không cố đưa vào khuôn mẫu hay điều kiện đặc biệt nào: Tôi muốn thấy sự thật như nó là chứ không đặt nó trong chiều kích phải là.
Tuy vậy, đôi lúc tôi tự hỏi không biết mình có “lập dị”, có “tự biên tự diễn” hay không, vì xung quanh tôi phần đông đều cảm thấy tự tin hơn khi đã thủ đắc được một vài “chiêu thức” từ những khóa thiền có quy củ tông môn, có phương pháp cần mật, có thiền sư lừng danh truyền thụ. Nhưng bây giờ, khi đã đọc thiền sư Sayàdaw U Jotika, tôi biết mình không hề lập dị vì ít nhất cũng đã có người “kiến hòa đồng giải” với mình. Chúng tôi tuy chưa hề gặp nhau nhưng lại đồng nhau trên khá nhiều đểm thấy, nhất là thấy: “Cuộc đời là một trường học. Từ lúc sinh ra đến lúc chết đi, chúng ta đều ở trong trường học đó. Mọi thứ chúng ta trải nghiệm trong cuộc đời này, những thứ chúng ta nghe, nhìn, dù xấu hay tốt cũng đều là các bài học. Nếu chúng ta biết cách học bài, chúng ta sẽ có trí tuệ và tri kiến, song để học được những bài học này chúng ta cần phải có chánh niệm”.
Tôi cám ơn Sư Tâm Pháp đã dịch bài giảng này của ngày U Jotika mà qua đó tôi đã tìm được thêm một người bạn đồng hành trên đường khám phá sự thật.
Xin giới thiện bài pháp đầy ý nghĩa này đến quý vị nhân ngày lễ Vesak 2550.
Trân trọng
Tổ đình Bửu Long, ngày 25/04/2006
Tỳ kheo Viên Minh
Phó Ban Thiền học - Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam