Tìm Sách

Thiền >> Thiền Niệm Xứ


Xem tại thư viện

Thông tin tra cứu

  • Tên sách : Thiền Niệm Xứ
  • Tác giả : Thích Thông Huệ
  • Dịch giả :
  • Ngôn ngữ : Việt
  • Số trang : 145
  • Nhà xuất bản : NXB Tổng Hợp TP. HCM
  • Năm xuất bản : 2010
  • Phân loại : Thiền
  • MCB : 120100000010103
  • OPAC :
  • Tóm tắt :

THIỀN NIỆM XỨ

 Thích Thông Huệ

NXB Tổng Hợp TP.HCM

 

Lời nói đầu

Kinh Niệm Xứ, một bài Kinh trình bày một cách căn bản về Thiền Vipassana (Minh-Sát-Tuệ), thuộc truyền thống Thiền Nguyên thủy. “Minh-Sát-Tuệ” là sự quán sát sáng suốt, từ đó phát sinh trí tuệ. Nội dung Minh Sát gồm 2 phần: Chánh niệm là an trú vững chãi trong giờ phút hiện tại; Quán niệm là quán sát một cách sâu sắc vào trong tự thân của thực tại, mục đích nhận ra sự diễn tiến của thực tại ĐANG LÀ bằng tâm định tĩnh. Vipassana chứa đựng nội dung của Chánh niệm, Quán niệm, Niệm tuệ, Tuệ quán; vì nhờ tâm định tĩnh quán sát mọi sự vật mà tuệ phát sinh. Thiền Vipassana lưu truyền rất phổ biến ở các nước Phật giáo Nam tông như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện…; và hiện nay đang có chiều hướng phát triển ở các nước phương Tây.

Có thể nói, Kinh Niệm Xứ có một tầm quan trọng rất lớn trong hệ thống Kinh điển Nguyên thủy. “Niệm” theo nghĩa thông thường là nhớ, nhưng nghĩa sâu xa hơn là chú tâm để ý, không xao lãng. “Xứ” là chỗ nơi, đối tượng. Thiền Niệm Xứ chủ yếu là thắp sáng chánh niệm trên bốn lĩnh vực Thân (Kàya) – Thọ (Vedanà) – Tâm (Citta) – Pháp (Dhamma). Đây là lối thiền tập để nhìn rõ thực tại ĐANG LÀ. Tất cả mọi sự vật hiện tượng xung quanh chúng ta đều luôn luôn chuyển biến, không một phút giây dừng trụ. Nếu chúng ta thực hiện chánh niệm trong mọi hoạt động hằng ngày, đó là chúng ta đang công phu thiền tập. Bởi vì, nội dung căn bản của thiền tập là chánh niệm, không có chánh niệm thì khó mà đạt được thiền chứng. Thiền Niệm Xứ giúp chúng ta khám phá những bí ẩn của Thân - Thọ - Tâm – Pháp. Những bí ẩn này sẽ được khám phá khi ta có chánh niệm.

Thiền là gọi tắt của Thiền-na, phiên âm từ chữ Dhyàna (tiếng Sanskrit); hay Jhàna (tiếng Pàli); tiếng Nhật gọi là Zen, đều có nghĩa là Tịnh lự, hay Thiền định. Thiền định nhằm giải phóng con người ra khỏi mọi phiền não khổ đau và đạt tới sự Minh triết Tối thượng (Vô thượng Bồ đề).

Nói đến Đạo Phật là phải nói đến Thiền định, vì Đức Phật nhờ nỗ lực Thiền định suốt bốn mươi chín ngày đêm mới thành Chánh giác; và cũng nhờ tâm Thiền định mới có thể truyền pháp trong bốn mươi lăm năm. Giữa Đạo Phật và Thiền có một sự gắn bó mật thiết; nếu Đạo Phật không còn Thiền thì sẽ mất hết sức sống, trở thành một môn triết học bình thường như bao triết thuyết khác mà thôi. Vì thế, trong các Kinh điển, nếu muốn đạt đến cứu cánh, Phật đều dạy phải nhiếp tâm Thiền định. Dù đang tu theo pháp môn nào, hành giả đều phải theo lộ trình Tam Vô Lậu học là Giới – Định – Tuệ. Giữ giới là dừng mọi việc ác, làm mọi điều lành, tạo cho mình một đời sống căn bản đạo đức. Thiền định là dứt bặt các duyên, giữ tâm ý thanh tịnh, ngoài không theo các tướng, trong sạch mọi vọng tưởng. Trí tuệ phát sinh khi tâm được an định, hành giả sẽ thấy tất cả pháp nơi tận cùng thực tướng vô tướng.

Vì chúng sanh có tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não, nên Đức Phật có tán vạn bốn ngàn pháp môn ngần ấy đối trị căn bệnh cho chúng sanh. Đó là phương tiện tu tập mà mọi người có thể lực chọn, tùy căn cơ trình độ của mình. Nhưng dù dùng phương tiện nào, hành giả cũng phải đi trên con đường Thiền tập, là căn bản Phật Tổ muốn truyền trao. Hiểu được điều này, chúng ta mới thăng tiến trên đường tu, mới chuyển hóa được đời sống tự thân, và góp phần làm đẹp cho đời sống gia đình và xã hội.

Kinh Niệm Xứ, hay Tứ Niệm Xứ, hiện tại được tìm thấy bốn bản kinh tương đương nói về Thiền pháp này:

  1. Phẩm Nhập Đạo, còn gọi là Nhất Nhập Đạo phẩm (con đường vào duy nhất), do Đạt Ma Nan Đề đời Đông Tấn dịch từ Phạn văn ra Hán văn. Bản chữ Việt nằm trong Kinh Tăng Nhất A Hàm tập I, tranh 132, do Hòa Thượng Viện Trưởng Thiền Viện Trúc Lâm chuyển dịch.
  2. Kinh Niệm Xứ - Trung A Hàm, do Tăng Già Đề Bà đời Đông Tấn dịch từ Phạn văn ra Hán văn. Bản chữ Việt là Kinh Niệm Xứ - Trung A Hàm tập II, trang 563, do Viện Cao Đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang chuyển dịch.
  3. Kinh Đại Niệm Xứ - Trường Bộ tập II, tranh 185, do Hòa Thượng Minh Châu dịch từ Pàli ra Việt.
  4. Kinh Niệm Xứ - Trung Bộ tập I, tranh 131, do Hòa Thượng Minh Châu dịch từ Pàli ra Việt. Đây là bản Kinh chúng tôi chọn đem ra lược giải, vì nội dung trình bày sáng sủa, ngắn gọn và mang tính nguyên thủy hơn cả.

Chúng ta chiêm nghiệm bài Kinh này thật kỹ, hiểu cho thấu đáo, để phát khởi niềm tin vững chắc vào con đường tu đạo. Khi đã có chánh tín, chúng ta mới có thể vượt qua mọi trở ngại khó khăn để gia công tu tập một cách tinh cần. Một điều cần nói, là dù sau này Phật giáo phát triển thành nhiều Thiền pháp, trong đó có Thiền Đại Thừa, Tối Thượng Thừa…cũng phải đặt căn bản trên các Thiền Kinh Nguyên thủy, xem đó là nền móng trong công phu thiền quán.

Dù sao, những kiến giải của chúng tôi trong Thiền Kinh Niệm Xứ này cũng chỉ như một hạt cát giữa sa mạc mênh mông. Kính mong các bậc Thức giả và những người hữu duyên khi đọc tác phẩm này, vui lòng chỉ bảo cho những điều lầm lỗi thiếu sót, để dịp tái bản được hoàn bị hơn.

Thiền thất Viên Giác

Ngày 19-9 Canh Thìn (2000)

Thích Thông Huệ

Các sách khác thuộc Thiền

Cơ Sở Khoa Học Của Thiền Chánh Niệm
Cơ Sở Khoa Học Của Thiền Chánh Niệm
Bích Nham Lục
Bích Nham Lục
Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu
Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu
Từ nụ đến hoa
Từ nụ đến hoa
Giới thiệu Thiền tông Nhật Bản
Giới thiệu Thiền tông Nhật Bản
Hiện thành công án Genjo Koan
Hiện thành công án Genjo Koan
Chân đế và Tục đế
Chân đế và Tục đế
Bát nhã tâm kinh – The heart Sutra
Bát nhã tâm kinh – The heart Sutra
300 tắc Thiền ngữ
300 tắc Thiền ngữ
Thiền và đời sống
Thiền và đời sống
Thiền Luận (Q. Thượng)
Thiền Luận (Q. Thượng)
Thiền Tập Cho Người Bận Rộn
Thiền Tập Cho Người Bận Rộn