TU TẬP CHỈ QUÁN TỌA THIỀN PHÁP YẾU GIẢNG THUẬT
Nguyên tác: Đại sư Trí Khải
Giảng giải: Pháp sư Bảo Tịnh
Việt dịch: Lớp luyện dịch Hán tạng VNCPHVN
Hiệu đính: Hòa thượng Thích Phước Sơn
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG
MỤC LỤC
Lời giới thiệu
Lời nói đầu
Lời tựa
Giải thích tên sách
PHẦN MỞ ĐẦU
PHẦN NỘI DUNG
Trình bày tổng quát mười ý Chỉ Quán và những lời khuyến khích, răn nhắc
Chương 1: Đầy đủ các duyên
Chương 2: Khiển trách dục
Chương 3: Xả bỏ triền cái
Chương 4: Điều hòa
Chương 5: Phương tiện
Chương 6: Chánh tu
Chương 7: Phát khởi căn lành
Chương 8: Nhận biết ma
Chương 9: Trị bệnh
Chương 10: Chứng quả
PHẦN KẾT LUẬN
LỜI GIỚI THIỆU
Thiền là trái tim của Phật giáo. Hành thiền sẽ chuyển hóa những khổ đau, khó khăn, bế tắc, căng thẳng trong đời sống hằng ngày đồng thời giúp hành giả cảm nhận được sự an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc của nội tâm. Xa hơn, nhờ thiền định mới phát sinh trí tuệ, đạt được Thánh quả, giải thoát Niết-bàn. Đó là lý do ngày nay người Tây phương ngưỡng mộ Phật giáo và tiếp nhận giáo lý đạo Phật một cách nồng nhiệt.
Tu tập Chỉ Quán tọa thiền pháp yếu giảng thuật, nguyên tác của Đại sư Trí Khải (538-597), vị tổ thứ tư của Thiên Thai tông. Sư là người xiển dương và tu tập Chỉ Quán, một pháp tu thiền định đã được truyền bá rộng rãi đến ngày nay. Tác phẩm này được Pháp sư Bảo Tịnh (1899-1940) giảng giải khá chi tiết, đại khái chia làm ba phần:
Sau cùng là phần kết luận, xác quyết Tọa thiền Chỉ Quán cũng có thể kết hợp với pháp môn niệm Phật.
Trong khi hướng dẫn lóp học, tôi có tìm hiểu xem tập Chỉ Quán này đã có ai phiên dịch chưa, được biết trước đây có hai bản dịch của TT Nhựt Chiếu và ĐĐ Minh Bá, nhưng hiện nay không còn thấy phát hành. Để đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng Ni và Phật tử hiện tại cũng như mai sau, cần có một bản dịch mới; do đó Thầy trò quyết định chuyển ngữ tập tư liệu này.
Có thể nói, tập sách trên tay quý vị như một chút hoa trái đầu mùa, đánh dấu bước trưởng thành ban đầu của Tăng Ni sinh lớp luyện dịch Hán tạng thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, sau một thời gian dài bền gan vượt khó, quyết tâm nối gót sự nghiệp phiên dịch Thánh điền của các bậc tiền bối mà Viện Nghiên cứu đã đề xướng.
Tùy hỷ trước việc làm của lớp, tôi viết đôi dòng giới thiệu dịch phẩm này với chư Tôn đức Tăng Ni, các Phật tử và độc giả bốn phương. Hy vọng tập sách nhỏ sẽ giúp cho những người con Phật trở về tiếp xúc với những mầu nhiệm của Niết bàn đích thực trong phút giây hiện tại.
Nguyện cầu kho tàng pháp bảo ngày thêm phong phú, nguồn pháp thủy lưu chuyển bất tận, hầu đem lại nhiều lợi ích, an vui cho pháp giới chúng sinh.
Thiền viện Vạn Hạnh 14-03-2012
Tỳ kheo Thích Phước Sơn
LỜI NÓI ĐẦU
Năm 2005, thời điểm chúng con vừa tốt nghiệp Cử nhân Phật học khóa V cũng là lúc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức kỳ thi tuyển sinh Lớp luyện dịch Hán tạng khóa II. Hội đủ duyên lành, chúng con được theo học lớp này với sự giảng dạy của quý Hòa thượng và quý thầy Giáo thọ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu như GS Lê Mạnh Thát, HT Đức Nghiệp, HT Phước Sơn, HT Minh Cảnh, TT Phước Cẩn, TT Minh Tấn, Sư Tâm Hạnh, GS Lý Việt Dũng…
Khóa học vẫn được duy trì đến hôm nay với tinh thần cầu học bền bi của học trò cùng sự nhiệt tình giảng dạy của chư vị Giáo thọ như TT Hạnh Bình, Thầy Minh Quang… Đặc biệt HT Phước Sơn là người đã gắn bó nhiều nhất, với tâm nguyện trao truyền kiến thức, đào tạo thế hệ kế thừa. Trải qua thời gian dài, Hòa thượng đã hướng dẫn phương pháp phiên dịch qua các tác phẩm như “Lịch sử phiên dịch Hán tạng” của Vương Văn Nhan, “Sắc tu Bách Trượng thanh quy” cùa Thiền sư Đức Huy… và hiện đang học “Nguyên thủy Phật giáo thánh điển chi tập thành” của HT Ẩn Thuận.
Nhân dịp tết Tân Mão, nhận thấy học trò của mình có thể tự đi những bước chân đầu tiên, Hòa thượng giao cho dịch quyển “Tu tập Chỉ Quán tọa thiến pháp yếu giảng thuật” do đại sư Trí Khải soạn, pháp sư Bảo Tịnh giảng, là bộ sách gối đầu giường cùa Thiền môn thời xưa. Pháp tọa thiền Chỉ Quán này là cốt lõi của việc tu hành, là then chốt để liễu sanh thoát tử, chứng đắc Bồ-đề. Đây là tác phẩm Ngài rất tâm đắc vì trong đó chứa đựng những tinh túy của kinh điển, đồng thời là một bản đồ khá rõ nét về lộ trình tu tập theo phương pháp tọa thiền Chỉ Quản, tương đối dễ thực tập, đạt lợi ích ngay trong hiện tại.
Gần một năm trôi qua, bên cạnh chương trình học hằng ngày, tác phẩm đã được dịch hoàn tất như thời gian dự định. Dù biết rằng bản dịch này còn không ít thiếu sót, nhưng đây là thành quả khiêm tốn của chúng con sau một thời gian dài học tập dưới sự hỗ trợ tận tâm của Viện Nghiên cứu, sự chỉ dạy ân cần của Hòa Thượng cùng chư vị Giáo thọ. Mọi thành viên không mong đặt tập sách này lên tủ dịch thuật của các bậc tiền bối, chỉ coi đây như một món quà tri ân dâng lên quý Ngài, và cũng là động lực khích lệ chúng con nỗ lực nhiều hơn.
Tuy đã cố gắng hết sức nhưng không sao tránh khỏi những điều sơ sót, chúng con chân thành mong mỏi nhận được sự chỉ dạy của các bậc cao minh để bổ sung, hoàn thiện nếu tác phẩm này có dịp tái bản.
HCM, Xuân Nhâm Thìn – 2012
Tập thể Lớp luyện dịch Hán tạng
thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
Kính ghi
LỜI TỰA
Chúng sanh từ vô thỉ đến nay, ngoài thì bị sự diễn biến của tự nhiên thúc bách, trong bị vọng thức lục tình trói buộc, không ngày nào thoát khỏi sự điên đảo thác loạn. Cuộc sống càng văn minh, tiến bộ, đạo đức con người càng suy thoái, dẫn đến bi kịch như hôm nay! Nếu muốn cứu vãn tình thế mà bỏ qua Phật pháp thì không còn cách nào khác. Nên biết, đối với tâm lý chúng sanh đời mạt pháp không gì thích hợp hơn pháp môn niệm Phật; tuy nhiên, muốn được thật tu thật chứng pháp môn niệm Phật, không thể không tu tập pháp môn Chỉ Quán. Vì Tịnh độ và Thiên Thai có mối quan hệ rất mật thiết, nếu không thấu triệt giáo quán của tông Thiên Thai thì không đủ để tu niệm Phật tam-muội; ngược lại không tu Tịnh độ thì không khế họp với giáo nghĩa vi diệu của Thiên Thai. Thế nên hai pháp môn này phối hợp không thể tách rời.
Mùa thu năm Giáp Tuất, có các cư sĩ Tằng Bích Sơn, Lữ Bích Thành (1886 – 1946) v.v… thuộc Liên xã Hương Hải cung thỉnh pháp sư thượng nhân Bảo Tịnh thuyết giảng Tu tập tọa thiền Chỉ Quán pháp yếu, cũng gọi là Thiên thai đồng mông Chỉ Quán. Tác phẩm Chỉ Quán này là tinh túy trong thư tịch cổ, là chìa khóa của Đại Chỉ Quán, gồm hai quyển, tổng cộng có mười chương, trong đó giải thích về tín, giải, hành, chứng, các cảnh giới ma chướng như ma ngũ ấm, ma phiền não v.v… Lời đầy đủ mà đơn giản, nghĩa sâu xa mà rõ ràng rất dễ đọc. Khi pháp sư giảng, mẫi câu mỗi chữ đều kết hợp niệm Phật và Chỉ Quán để làm rõ tông yếu, bảo hai người theo học ghi chép lại, sau khi bản thảo hoàn thành trình lên pháp sư hiệu đính và biên soạn lại mới đưa đi khắc bản.
Thiết nghĩ, nếu sách này lưu hành ở đời, người niệm Phật thực hành theo nhất định sẽ vãng sanh; người tham thiền áp dụng tu tập chắc chắn chứng ngộ không nghi ngờ; thậm chí người trì luật hoặc người học giáo nghĩa nghiên cứu đọc tụng thì không ai không trì giới thanh tịnh, hiểu rõ nghĩa lý. Vì vậy, nay trình bày rõ ngọn ngành để biểu lộ sự ngưỡng mộ.
Học trò Pháp Từ thuộc Hội Nghiên cứu và Hoằng pháp
ở chùa Quán Tông tại Ninh Ba kinh cẩn viết lời tựa
GIẢI THÍCH TÊN SÁCH
Tám chữ Tu tập Chỉ Quán tọa thiền pháp yếu là tựa đề của bộ sách này. Toàn bộ sách này trình bày công phu tu tập Chỉ Quán, là pháp môn rất thiết yếu dành cho những người mới phát tâm nhập đạo tu chứng theo tông Thiên Thai. Trong bảy cách đặt tên, tám chữ này thuộc loại chỉ dùng pháp để đặt tên. Tu tập Chỉ Quán là pháp, tọa thiền pháp yếu cũng là pháp, cách này gọi là ‘dùng pháp để đặt tên’. Pháp Chỉ Quán này là pháp môn tu tập tọa thiền chính yếu của chư Phật mười phương và chư vị Tổ sư, có thể nói nó bao hàm tất cả.
Đại sư Trí Khải trọn đời thuyết giảng 4 loại Chỉ Quán:
Bộ Chỉ Quán này tuy nhỏ nhưng thực chất là cương lĩnh của bộ lớn, là mấu chốt để vào đạo. Gọi Tiểu Chỉ Quán vì so sánh với sự sâu rộng mênh mông của Ma-ha Chỉ Quán. Đồng mông Chỉ Quán này là bộ sách nhỏ, trình bày giản lược, dành cho người sơ cơ; nhỏ ở đây không phải là nhỏ đối vói lớn, nhỏ mà bao hàm tất cả, các pháp đều hướng đến cái nhỏ này, là tôn chỉ của các pháp không thể vượt qua. Ma-ha Chỉ Quán là bộ Chỉ Quán lớn; lớn ở đây không phải là lớn đối với nhỏ, mà là chấm dứt đối đãi, không gì vượt ngoài nó nên gọi là lớn. Gọi là nhỏ, nhỏ mà không phải là tướng nhỏ, nhỏ ấy chính là pháp giới; gọi là lớn không phải là tướng lớn, lớn ấy cũng là pháp giới. Nhỏ, lớn đều là pháp giới Chỉ Quán; lớn, nhỏ dung thông nhau, rộng hẹp không khác, đều quy về ‘Chỉ Quán trung đạo’ không thể nghĩ bàn, chẳng qua tùy theo căn cơ khác nhau của chúng sanh nên nói có lớn có nhỏ, có rộng có hẹp, cho nên nay trình bày Tiểu Chi Quán.
Vạn pháp không sanh khởi đơn độc, nhờ nhân duyên mới phát sanh. Nên biết bộ Cỉi Quán này ra đời không thể không có nhân duyên.
Đại sư Trí Giả có bào huynh là Trần Châm, bấy giờ làm trung quân tham tướng. Năm 40 tuổi, một ngày nọ trên đường đi gặp tiên nhân Trương Quả Lão nói: “Xem tướng ông, mạng sống sắp hết, tháng này nhất định sẽ chết.” Châm nghe vậy liền hoảng sợ, đến gặp ngài Trí Giả vấn kế. Trí Giả nói: “Anh nghe lời tôi mà tu tập thì có thể qua khỏi.” Châm xin thọ giáo, đại sư mới chỉ dạy Tiểu Chỉ Quán yếu lược đơn giản này, bảo ra sức tu tập. Châm vâng theo và tu tập rất khẩn thiết. Hơn một năm sau, gặp lại Trương Quả Lão, họ Trương vừa gặp liền ngạc nhiên hỏi: “Ông đã thoát chết, phải chăng uống được thuốc trường sinh bất tử?” Châm trả lời: “Không phải! Trí Giả em tôi bảo tôi ra sức tu tập tọa thiền Chỉ Quán, cho nên mới được như vậy.” Quả Lão tán thán: “Phật pháp không thể nghĩ bàn, có thể cải tử hoàn sinh, thật là hy hữu!”
Vài năm sau, Châm nằm mộng thấy cung điện cõi trời, có bảng hiệu ghi “Nhà của Trần Châm, 15 năm sau sẽ sinh về nơi này”. Quả thật sau 15 năm, Trần Châm từ biệt người thân, ngồi kiết già nhẹ nhàng qua đời.
Như vậy, bộ Chỉ Quán này là đại sư Trí Giả giảng cho bào huynh Trần Châm.
Tuy nhiên, người tu Chỉ Quán cần phải hiểu rõ tông chỉ. Bấy giờ, Trần Châm tu Chỉ Quán là vì mục đích kéo dài tuổi thọ, sinh lên cõi trời, chẳng qua mới được một chút lợi ích ngoài da, không phải là mục đích chính của Chỉ Quán. Nên biết, pháp môn Chỉ Quán do đại sư dạy không chỉ để sinh lên cõi trời, mà để thành Phật đạo, giải thoát sinh tử, đó là hoài bão của đại sư, là nghĩa chân thật của Chỉ Quán. Do đó, đoạn văn nói về chứng quả trong chương thứ 10 của sách này nêu rõ, quả cuối cùng là thành Phật chứ không phải vì việc khác.
Khi tu tập Chỉ Quán này, bốn oai nghi đều có thể cùng thực tập, vì sao chỉ tán thán về tọa thiền? Vì công phu định tĩnh vượt hơn tất cả. Người sơ cơ tu tập Chỉ Quán thì trong khi ngồi thiền dễ được lợi ích, khi tọa thiền được lợi ích rồi thì tiếp xúc với ngoại duyên trần cảnh vẫn có thể tu tập.
Thiền tiếng Phạn là thiền-na (dhyãna), Trung Hoa dịch là tĩnh lự. ‘Tĩnh’ tức là Chỉ, nghĩa là rỗng rang vắng lặng, một niệm không sinh; ‘lự’ tức là Quán, rõ ràng sáng suốt, vạn vật sum xuê; tĩnh tức là định, lự tức là tuệ. Tu Chỉ Quán này tức là tĩnh – lự hợp nhất, định – tuệ quân bình, do đó biết chữ ‘thiền’ trong pháp môn tọa thiền này chính là hai chữ thiền-na của Diệu-xa-ma-tha tam-ma thiền-na trong kinh Lăng-nghiêm, là pháp môn Chỉ Quán không hai, không thể nghĩ bàn. Pháp tức là phép tắc, mẫu mực; yếu là đạo lý chính yếu, quan trọng. Sách này là quy tắc tu tập tọa thiền Chỉ Quán, ‘giữ gìn tự tánh, làm khuôn mẫu để cho người xem đến có thể biết đó là vật gì’. Vì phương pháp tu tập tọa thiền Chỉ Quán này chính là cốt lõi của việc tu hành, là con đường chủ yếu để vượt thoát sinh tử, chứng quả Bồ-đề, nên dùng tám chữ Tu tập Chỉ Quán tọa thiền pháp yếu để đặt tên.
Tâm tính của chúng ta vốn tự thanh tịnh, vốn tự sáng suốt, kinh Lăng-nghiêm gọi là ‘thường trụ chân tâm, tánh tịnh minh thể’ (chân tâm thường trụ, tánh tịnh sáng tỏ). Nói chơn tâm là chỉ cho tánh thanh tịnh sáng suốt, pháp giới thanh tịnh, đại quang minh tạng. Vì sao phải tu tập pháp môn Chỉ Quán? Vì hàng chúng sanh chúng ta từ vô thỉ đến nay, do một niệm không hiểu biết nên bị vô minh che khuất; bởi một niệm vọng động liền trôi theo dòng sinh diệt. Do đó đi từ sáng vào tối, chuyển tĩnh thành động; tự tâm vốn là linh hoạt sáng suốt, nay trở thành mơ hồ ngớ ngẩn; vốn là không sinh không diệt mà nay trở thành vọng động sanh sanh diệt diệt, suốt ngày chạy theo ngũ dục lục trần, tâm tánh trở nên hỗn loạn. Nhưng phải biết chính ngay mờ tối, vốn là sáng suốt, chính ngay khi động, vốn tự tịch tĩnh. Vì sao? Vì tự tâm vốn không lay chuyển, không dao động, chẳng sáng suốt, chẳng mờ tối. Nếu tu Chỉ Quán liền chuyển mờ tối dao động thành sáng suốt tịch tĩnh. Tu Chỉ chấm dứt dòng sinh tử nhập vào Niết-bàn; tu Quán liền phá trừ phiền não trở thành Bồ-đề. Chúng ta không muốn kết thúc sanh tử thì thôi, còn muốn giải thoát sinh tử thì không thể bỏ qua pháp tu Chỉ Quán. Chỉ Quán là thuốc, phiền não tham sân si và các dòng sinh tử nổi trôi là bệnh. Dùng thuốc Chỉ để trị bệnh sinh tử, uống vào liền khỏi; lấy thuốc Quán để trị bệnh phiền não, dùng xong liền lành. Cho nên tu Chỉ Quán trị được các bệnh sinh tử phiền não, như thuốc A-già-đà không bệnh gì không trị khỏi.
Tự tính vốn không phiền não, không sinh tử; mê ngộ vốn không, tu chứng như huyễn. Như ngọc ma-ni vốn trong suốt tròn đầy, nhưng từ vô lượng kiếp đến nay rơi vào vũng bùn, bị bụi trần nhiễm ô che lấp. Tuy nhiên ngọc vốn thanh tịnh sáng suốt nên che mà không khuất, nay muốn hiển lộ ánh sáng của ngọc, nhất định phải ra sức mài dũa tẩy rửa. Nghĩa là tu chứng không phải không thể đạt, nhiễm ô không phải không thể trừ, cho nên không nhờ Chỉ Quán thì công phu tu tập không thể thành. Nhưng sự thanh tịnh sáng suốt này vốn đầy đủ, vốn sẵn có, không phải nhờ tu mà được, chẳng qua là nương vào Chỉ Quán để làm hiển lộ ra. Lục Tổ nói: “Đâu ngờ tự tính vốn tự thanh tịnh; đâu ngờ tự tính vốn tự sáng suốt” chính là nghĩa này.
Lại nữa, nên hiểu ý nghĩa tu tính, nói tu là tu không phân biệt, chính là nhờ tính khởi tu; nói tính là tính không phân biệt, nhờ tu mà rõ tính. Từ tính khởi sự tu, nhờ tu hiển lộ tính, tu tính không hai, mới gọi là tu Chỉ Quán trọn vẹn. Nhưng Chỉ Quán này, lý thông cả phàm Thánh, nghĩa tóm thâu lớn nhỏ. Như nói ‘không làm các việc ác’ tức là Chỉ; ‘hãy làm các việc lành’ tức là Quán. Hoặc làm mười điều thiện như không sát sinh, không trộm cắp v.v… gọi là Chỉ; thực hành mười điều thiện không chỉ không sát sinh mà còn phóng sinh v.v… gọi là Quán. Như tu từ, bi, hỷ, xả gọi là Chỉ; thực hành sáu phép quán gọi là Quán. Đó là pháp tu Chỉ Quán của trời và người. Lại như tu phân tích pháp là Chỉ, chúng sinh rỗng không là Quán. Ngũ đình tâm quán là Chỉ, Tứ niệm xứ là Quán, đây là pháp tu Chỉ Quán của hàng Nhị thừa. Nếu nói rõ là tam Chỉ tam Quán.
Đầu tiên là ‘Thể chân Chỉ quán không’, hoàn toàn lấy không làm thể. Nghĩa là quán tất cả pháp như chiêm bao, như huyễn hóa để quyết tâm tu tập, hễ vật gì có hình tướng đều hư vọng. Đây là pháp xuất thế tiêu cực, Tâm kinh gọi là “quán chiếu năm uẩn đều không”. Thứ đến là ‘Phương tiện tùy duyên Chỉ’, quán giả hoàn toàn lấy phương tiện làm tướng, tùy duyên làm dụng. Tuy quán sát thấy rõ các pháp hữu vi bản thể vốn không, nhưng không gì trở ngại, tùy nhân duyên tùy năng lực để cứu đời, là pháp nhập thế tích cực, Tâm kinh gọi là “vượt qua tất cả khổ nạn”. Sau cùng là trình bày về ‘Chỉ Quán trung đạo’, Chỉ là chấm dứt sự phân biệt hai bên, Quán là trung đạo đệ nhất nghĩa đế.
Chỉ Quán này là chuẩn mực, vô cùng vi diệu, nhị đế dung thông, năng sở nhất như; nghĩa là không trụ tâm sinh, tâm sinh không trụ, không và có chẳng hai; tịch hay chiếu cùng một thể, thế hay xuất thế cũng chỉ một tâm, tiêu cực tích cực trở thành một khối. Tuy trọn ngày độ sinh nhưng biết rõ không có chúng sinh để độ, dù thực tế đã hết lòng độ sinh. Tuy trọn ngày thuyết pháp nhưng biết rõ không có một pháp có thể thuyết, dù thực tế đã thuyết pháp rất siêng năng. Chỉ tức là Quán, Quán vốn là Chỉ. Ngay Chỉ tức là Quán, ngay Quán tức là diệu quán của Chỉ. Ba loại Chỉ Quán này, nói theo thứ tự như thế để cho các hành giả dễ hiểu; kỳ thật ba loại Quán này ‘một tức là ba, ba tức là một, chẳng phải một chẳng phải ba, Chỉ Quán trung đạo vừa một vừa ba’.
Nhưng đối với Chỉ Quán khó nhất là bước đầu tiên, vì thế nhất định phải hiểu rõ pháp trọng yếu tọa thiền. Khi bắt đầu tu Chỉ Quán, hành giả rất khó chấp nhận những gì mình có là không. Chúng sanh phàm phu từ vô thỉ đến nay, cho rằng vạn pháp là thật có, muốn coi nó là không, thật không dễ dàng gì, nếu bước đầu công phu quán không của Chỉ Quán thành công thì áp dụng quán giả và quán trung sẽ dễ thành tựu.
Bộ sách này trình bày Chỉ Quán có mười chương. Năm chương đầu gồm:
Năm chương này chính là phương tiện ban đầu cho người mới phát tâm tu tập tọa thiền Chỉ Quán. Phương tiện trợ hạnh đã thành tựu thì có thể tu tập Chỉ Quán thứ 6 đúng đắn (chương 6); chánh tu và trợ hạnh đã đầy đủ mới có thể tu tam Chỉ tam Quán, cho nên gọi là tọa thiền pháp yếu. Vì vậy chúng tôi soạn bộ Chỉ Quán này dành cho người mới học Phật, đây là những điều cần thiết rất dễ thực hành.
Xưa nay tám chữ Tu tập Chỉ Quán tọa thiền pháp yếu là nhan đề của bộ sách này, ví dụ tông Thiên Thai khi giải thích tất cả luận đề của kinh đều dùng năm loại huyền nghĩa. ‘Huyền nghĩa’ là nêu ra những điều sâu xa khó hiểu trong bộ sách này để làm ‘đề cương khiết lĩnh’. ‘Đề cương’ là các đề mục được triển khai rộng ra, ‘khiết lĩnh’ là tóm gọn lại. Nay vì giảng cho người bắt đầu học Phật, nên sẽ trình bày tóm lược năm ý nghĩa sâu xa như sau:
Thứ nhất, giải thích tên gọi, sách này chỉ lấy pháp làm tên gọi, Chỉ Quán là pháp, tọa thiền cũng là pháp, cho nên sách này lấy pháp để đặt tên.
Thứ hai, hiển bày về thể, trước đã nói về tên, tên đó là giả lập. Nay nói về thể, thể là thực thể, phải tìm thể ngay nơi tên gọi như nương theo ngón tay mà thấy mặt trăng. Tên gọi này lấy thật tướng thanh tịnh làm thể, ngoài thật tướng của các pháp tất cả đều là việc ma, vì thế lấy thật tướng làm thể.
Thứ ba, nói rõ về tông, tông là tông yếu, là chỗ hướng đến của việc tu hành, là phần trọng yếu nhất của muôn hạnh. Sách này dùng chánh tu và trợ hạnh, nhân quả Viên thừa (Phật thừa) làm chính yếu của tông. Như những điều trong sách đã trình bày, trong mười chương, năm chương trước là trợ hạnh, chương thứ sáu là chánh tu, chính là chánh tu và trợ hạnh, tức là nhân thật tướng của Nhất thừa viên dung. Chương thứ mười là chứng quả, tức là quả Viên thừa, cho nên lấy hai hạnh chánh, trợ và nhân quả Viên thừa làm chính yếu.
Thứ tư bàn về dụng, dụng là tác dụng và năng lực, sách này lấy việc biết về ma và trị bệnh làm dụng, nghĩa là biết tất cả ma, trị tất cả bệnh, tức là hai chương thứ 8 và 9.
Thứ năm, phán giáo tướng, giáo là lời của Thánh nhân dạy kẻ dưới, tướng là phân biệt sự giống và khác nhau. Từ nơi giáo mà có tướng khác nhau như Đại, Tiểu, Thiên, Viên, Quyền, Thật, Đốn, Tiệm; cho nên phải hiểu rõ đề phân biệt sự khác nhau của các tướng. Sách này lấy gì làm giáo tướng? Lấy ‘Viên thật Nhất thừa đại giáo’ làm giáo tướng, tức là lấy những lời dạy của Đức Phật làm giáo tướng, điểm này giống với Pháp hoa. Bời vì Ma-ha Chỉ quán là Nhất Phật thừa của Pháp hoa, sách này tuy là Tiểu Chỉ Quán nhưng là tóm tắt phần quan trọng của Ma-ha Chỉ Quán, tu theo đây liền chứng nhập lý thật tướng. Những điều giảng giải trong này không có gì chẳng phải là thật tướng: Lấy pháp đặt tên, lấy thật tướng làm thể, lấy nhân quả Nhất thừa làm tông, lấy sự trị bệnh và biết rõ ma làm dụng, lấy những lời dạy của Đức Phật làm giáo tướng. Sách này dựa theo cách đặt tên căn cứ vào năm loại huyền nghĩa của tông Thiên Thai nên lược nói như thế, vì không phải phần trọng yếu nên không nói nhiều.
Sa môn Trí Khải ở chùa Tu Thiền, núi Thiên Thai thuật.
Câu “Sa-môn Trí Khải… thuật.” gồm mười hai chữ, chỉ cho người trình bày bộ Chỉ Quán này. Bộ Chỉ Quán này do đại sư Trí Khải ở núi Thiên Thai soạn, núi Thiên Thai là ngọn núi nổi tiếng ở Triết Giang, ở đó có chùa Tu Thiền. Tên ‘Tu Thiền’ là khi Đại sư ở núi Thiên Thai tu tọa thiền Chỉ Quán và lập chùa này nên đặt tên ‘Tu Thiền’. Sa-môn là tên thường gọi của hàng Thích tử, dứt trừ tâm vọng động, thấy rõ được nguồn gốc nên gọi là Sa-môn. Đại sư dừng lại ở nơi này biên soạn bộ Chỉ Quán. Dùng chữ thuật là cách nói khiêm tốn của đại sư, thuật nghĩa là không phải tự làm. Như vậy tuy là Tiểu Chỉ Quán nhưng thật ra là tinh túy của Pháp hoa, gom nhặt phần quan trọng của Đại Chỉ Quán.
Pháp danh của đại sư là Trí Khải, tự Đức An, là tổ sư đời thứ tư của tông Thiên Thai. Thầy của Ngài là Nam Nhạc, thầy của Nam Nhạc là Tuệ Văn, thầy của Tuệ Văn là đại sư Long Thọ, Long Thọ là tổ thứ 13 ở Tây Thiên. Nhưng đời đầu tiên chưa gọi đó là tông Thiên Thai, mãi đến đời thứ 4 là đại sư Trí Khải tông phái này mới phát triển sâu rộng. Vì Trí Khải trụ ở núi Thiên Thai cho nên có tên là ‘Thiên Thai tông’, nhưng vẫn tôn Long Thọ là tổ đầu tiên. Vì sao? Vì như Đạt-ma sang Đông độ truyền trao tâm pháp làm tổ thứ nhất của thiền tông Trung Quốc, Long Thọ là cao tổ của tông Thiên Thai, gọi như vậy là ‘uống nước nhớ nguồn’.
Tác phẩm của Long Thọ có Trung quán luận lưu truyền đến Đông độ. Tuệ Văn ở Bắc Tề đọc Trung quán luận đến đoạn “Nhân duyên sở sinh pháp, …diệc danh trung đạo nghĩa” liền ngộ pháp ‘nhất tâm tam quán’, thấu rõ lý tam đế, cuối cùng truyền lại cho Nam Nhạc, Nam Nhạc giữ gìn nhờ đó mà rõ tâm thấy tính, truyền bá đại pháp, rộng độ chúng sinh, về sau, bất luận kẻ ngu người trí, Ngài đều đem tâm quán này truyền trao cho họ. Sau khi Đại sư giác ngộ hoàn toàn liền đem ‘nhất tâm tam quán’ phát triển sâu rộng, khai mở tông Pháp hoa, đối nghịch với các lý luận, vượt trội các nhà lỗi lạc đương thời. Vì lý do đó, Thiên Thai tông tôn Long Thọ là tổ sư, Trí Khải là người lập tông. Nay bộ Chỉ Quán này do đại sư Trí Khải soạn cho nên không thể không đề cập đến lịch sử của Ngài.
Đại sư là người đời Tùy Trần, họ Trần, thời Ngũ đại. Người đời cho rằng Ngài là người Dĩnh Xuyên, vì tránh loạn dưới thời Tấn nên đến Hoa Dung ở Kinh Châu. Thân phụ là Trần Khởi Tổ sống thời vua Nguyên Đế đời Lương, được phong ích Dương Hầu. Thân mẫu của Sư họ Từ, bà mộng thấy khói hương năm sắc quanh quẩn rồi bay vào bụng và thấy nuốt con chuột trắng vào miệng vì thế mà mang thai Sư. Khi Sư sinh ra, trên bầu trời xuất hiện ánh sáng màu hồng, người ở gần thấy cho là lửa cháy, tranh nhau đến xem, mới hay sự thật không phải lửa. Sau khi ra đời, mọi người muốn làm tiệc mặn để chúc mừng, nhưng lúc làm tiệc lửa liền tắt, nước sôi liền nguội lạnh nên sự việc bất thành.
Có hai vị tăng ở ngoài cửa nói vọng vào: “Đứa trẻ này đạo đức như chuông ngân, nhất định sẽ xuất gia”, nói xong liền đi mất. Lông mày của Sư hình chữ bát, mắt đen láy có tướng như bậc đế vương xưa, cha mẹ yêu quý xem như ngọc trai trong lòng bàn tay. Lúc còn nằm nôi Sư đã biết chắp tay, khi ngồi mặt luôn hướng về phía Tây. Năm lên 7 tuổi, đi đến chùa, có vị tăng truyền dạy bằng miệng cho Sư phẩm Phổ môn, Sư liền thuộc lòng. Đến năm 17 tuổi, Sư muốn phát tâm xuất gia, cha mẹ không cho phép. Tối đó Sư nằm mộng, thấy thân mình đến một ngọn núi cao nhìn xuống biển lớn, trên có vị tăng vẫy tay gọi, vị đó lại duỗi cánh tay thẳng đến chân núi đón Sư vào chùa. Vị tăng ấy lại bảo rằng: “Ông sau này sẽ ở đây và chết ở đây.” Núi này chính là núi Thiên Thai. Cho nên sau này Trí Khải ở Thiên Thai vì có túc duyên như vậy.
Năm 18 tuổi cha mẹ liên tiếp qua đời, Sư liền từ biệt anh là Trần Châm, xuất gia theo người cậu ở chùa Quả Nguyện tại Hàng Châu. Đến năm 20 tuổi, Sư thọ giới cụ túc, chuyên nghiên cứu giới luật, từ phần khai giả trì phạm đến giới phẩm vi tế, thậm chí kinh điển Phương đẳng Đại thừa đều thông suốt. Tiếp theo Sư học các kinh như Pháp hoa, Vô lượng nghĩa, Phổ Hiền quán. Trong thời gian hai tuần mà thuộc cả ba bộ kinh trên rồi tiến hành học Phương đẳng, tướng lành hiện rõ. Vào một đêm nọ, Sư mộng thấy kinh điển ngồn ngang đầy cả thất, có cảm giác thân mình đang ngồi trên tòa cao, chân đạp trên giường dây, miệng tụng kinh Pháp hoa, tay thì sắp xếp lại kinh điển. Đây là những biểu hiện về tương lai của Sư, giữ vững bản hoài của Như Lai, lập ra ‘năm thời tám giáo’, phân biệt rõ ràng Đại, Tiểu, Đốn và Viên không còn hỗn tạp lộn xộn.
Về sau, khi nghe đại sư Tuệ Tư Nam Nhạc đang ở núi Đại Tô thuộc Quang Châu, Sư liền đến lễ bái. Tuệ Tư bảo: “Xưa ông với ta ở Linh Sơn cùng nghe kinh Pháp hoa, duyên xưa đeo đuổi nay lại gặp đây!” Liền bảo Sư tụng kinh Pháp hoa, Sư liền tinh tấn trì tụng, dùng cây bách thắp thay cây nhang, không biết mệt mỏi, không hề dừng nghỉ, thân tâm tinh tấn, không chút biếng trễ, không khởi vọng tưởng phân biệt, một mực tụng kinh Pháp hoa. Trải qua 14 ngày, tụng đến câu: “Thị chơn tinh tấn, thị danh chơn pháp cúng dường Như Lai” trong phẩm Dược Vương Bồ-tát bổn sự, Sư bỗng nhiên nhập định, ở trong định đích thân thấy hội Linh sơn nghiễm nhiên chưa tan. Do vậy biết Đức Phật Thích-ca Mâu-ni vẫn đang thuyết pháp tại Linh Thứu, chúng sanh chướng sâu tuệ cạn nên không thấy được.
Sư liền đem chỗ chứng đắc ấy thưa với đại sư Nam Nhạc. Tổ Nam Nhạc khen: “Chỉ có ông chứng được, chỉ có ta biết được!” Nhưng sau lại bảo Sư tăng thêm công phu, nỗ lực tu hành tinh tấn trong bốn đêm vượt hơn công phu tu cả trăm năm. Khi ấy, Tổ Nam Nhạc bảo: “Chỗ sở đắc của ông chính là phương tiện ban đầu của Pháp hoa tam-muội, chỗ phát tâm trì tụng của ông chính là Sơ Toàn Đà-la-ni. Ông được bốn môn biện tài không chướng ngại, dù có muôn ngàn nhà luận lý đến biện luận cùng ông cũng không thắng được, trong số người thuyết pháp, ông là bậc nhất.”
Sư y chỉ với Tổ Nam Nhạc khoảng 7 năm, Tổ khai đàn giảng kinh Bát-nhã, bảo Trí Khải giảng thay Ngài. Sư vâng lời lên tòa giảng giải, biện tài thông suốt, chỉ có ba loại thiền định và trí tam quán cần phải thẩm định, còn các phần khác thì sư tự xử lý tốt. Tổ Nam Nhạc cầm gậy Như Ý, đến trước tòa khen rằng: “Lành thay! Lành thay! Có thể nói là pháp đã được trao cho pháp thần, pháp vương không còn lo gì nữa. Ta đã già rồi! Lâu nay hâm mộ núi Nam Nhạc, nên nay sẽ đến đó tu trì, ông ở lại hoằng dương đại pháp chớ khiến đoạn mất Phật pháp trong nhân gian.”
Vâng lời Tổ dạy, không được theo Ngài lên núi Nam Nhạc, Sư cùng với các ông như Mao Hỷ v.v… 27 người đến Kim Lăng. Lúc đầu, chưa ai biết Sư nên không có người cầu pháp. Khi ấy có vị Tăng hiệu là Pháp Tế, tự khoe khoang Thiền học, gặp Sư đến, nằm dựa ghế hỏi: “Có người ở trong định nghe đất núi rúng động, biết có vị Tăng đang quán lý vô thường, ấy là định gì?” Sư đáp: “Là biên đinh chưa sâu, là tà chứng ám nhập. Nếu chấp, nếu nói thì định ấy chắc chắn sẽ mất”. Pháp Tế nghe nói kinh hãi đứng dậy thưa: “Tôi thường được cái định này, vì nói cho người nghe nên đã mất.” Từ đây, tiếng tăm Sư vang khắp, vua quan cho đến dân dã rầm rộ tìm đến cầu pháp quy.
Năm Ngài 38 tuổi, một hôm gọi đại chúng đến bảo rằng: “Ta lên tòa giảng kinh, hội thứ nhất thính giả tuy ít mà người hiểu đạo nhiều. Hội thứ hai thính giả ba bốn trăm người mà người hiểu đạo lại ít. Hội thứ ba thính giả mấy ngàn người mà người hiểu đạo lại càng ít. Như vậy đủ thấy Phật pháp không phải dễ đạt. Hoằng pháp như vầy e không lợi ích mấy cho đời, ta sắp lên núi Thiên Thai ẩn tu.”
Khi đến núi Thiên Thai, Ngài thấy có vị Sư ở trong am Định Quang, mường tượng như đã quen. Vị Sư hỏi: “Ông nhận ra ta chăng?” Ngài sực nhớ, đó là vị Sư đã gặp trong mộng khi trước. Vị Sư bảo: “Chỗ này là kim địa, chỗ của ta ở; phía Bắc là ngân địa, là chỗ của ông ở.” Ngài bèn đến phía Bắc sáng lập chốn già-lam. Đêm ấy tự nhiên tiếng chuông trống vang rền, điềm ấy chứng tỏ nơi đây thích hợp với Ngài.
Phía Bắc ngôi già-lam, có một ngọn núi tên Hoa Đảnh, Ngài đến đó ngồi tu. Đến quá nửa đêm, chợt có tiếng sấm nổ, mưa gió ào ào đến, bọn yêu ma quỉ mị hiện ra nhiều hình dáng đáng sợ. Nhưng Ngài vẫn định tĩnh ngồi yên, các loài ma túng thế rút lui. Sau chúng lại hiện hình cha mẹ, anh em đến nhiễu loạn Ngài, Ngài chỉ thầm quán tưởng đến thật tướng, rõ suốt các pháp như huyễn hóa. Liền đó, có vị Thần Tăng đến bảo: “Chế ngự địch, thắng ma oán, mới đáng gọi là dũng.” về sau, Ngài sử dụng vùng biển xung quanh núi Thiên Thai, tổng cộng 3 vạn dặm làm hồ phóng sanh, thể hiện lòng từ bi cứu sinh, đây chính là tâm nguyện của Ngài.
Sau Ngài đến núi Ngọc Tuyền đất Kinh Châu kiến lập đạo tràng, Quan Thánh đã hiện thân giữ gìn và dùng thần lực xây dựng ngôi phạm vũ, thỉnh Ngài trú trì già-lam thánh địa này. Đây chính là chỗ Ngài hoằng truyền giáo pháp, về sau, Ngài thuyết giảng Ma-ha Chỉ Quán, Pháp hoa huyền nghĩa, Pháp hoa văn cú; và cũng chính nơi này Ngài đã xiển dương Thiên Thai tông, tông phái này từ đây phát triển rộng khắp.
Năm 60 tuổi Ngài nhập Niết-bàn, suốt đời nhất tâm niệm Phật Di-đà, vãng sanh tịnh độ.
Lịch sử cuộc đời của đại sư rất dài. Do Ngài đã thuyết giảng ba bộ kinh lớn của Thiên Thai tông nên người thời bấy giờ tôn xưng là Phật Thích-ca của Đông độ. Lại vì lúc lâm chung Ngài vẫn niệm Phật vãng sanh Tây phương, nên về sau đa số các pháp sư hoằng truyền Thiên thai tông cũng hoằng truyền Tịnh độ tông. Quả nhiên Thiên thai và Tịnh độ tông có quan hệ rất mật thiết!