TRIẾT HỌC DESCARTES
TRẦN THÁI ĐỈNH – TIẾN SĨ TRIẾT HỌC (594 Trang)
NXB VĂN HỌC
NHÂN DỊP TÁI BẢN MẤY TÁC PHẨM CỦA DESCARTES
Nhà xuất bản Văn Học đề nghị in chung 3 cuốn sách này làm 1. Tôi tán thành ngay vì thấy cũng có lý. Vừa tiện dụng cho các sinh viên, vừa để có một thứ “Descartes toàn thư” , bởi vì thật ra Descartes đã chỉ viết 2 cuốn đặc biệt đáng kể và luôn được lịch sử triết học đề cao: đó là cuốn: “Phương pháp luận” và cuốn“Những suy niệm siêu hình học”. Còn cuốn “Triết học Descartes” của tôi nên được coi là một dẫn nhập, giúp các sinh viên tìm hiểu tư tưởng triết học của Descartes.
Cuốn Phương Pháp Luận rất quan trọng. Tuy được viết bằng tiếng Pháp, là ngôn ngữ bình dân, chứ không bằng ngôn ngữ La tinh là ngôn ngữ các trường Đại học Tây phương hồi đó ở Đức cũng như ở Pháp, Ý, Anh. Và tuy như Descartes nói, ông muốn để “các bà cũng có thể đọc, để hiểu chút ít về triết học”, nhưng thật ra Descartes đã muốn tung nó ra như một bản tuyên ngôn của một nền triết học mới, đồng thời để thăm dò ý kiến của giới Đại học và nhất là Giáo hội, sau vụ án Galilée mới diễn ra trước đó vài năm (1663).
Cuốn Phương pháp luận đã thật sự là một bản tuyên ngôn, một thách thức lớn lao đối với nền văn học thời đó. Ngay nơi Phần I của cuốn sách, Descartes đã có lời phê phán tất cả nền văn học thời đó, từ văn chương đến triết học, từ các khoa học đến thần học. Riếng về khoa triết học, ông đã hai lần đưa ra những nhận định và môn này. Lần thứ nhất ông viết: “ Tôi biết triết học là môn dạy người ta biết cách nói một cách có vẻ đúng về mọi sự, và làm cho những kẻ ít học khâm phục mình”. Lần thứ hai, chỉ sau đó một trang, ông lại trở lại phê phán với những lời nặng nề hơn. Và tuy chỉ nhắm vào triết học kinh viện, nhưng vì thời đó triết kinh viện là nền triết học thống trị Tây phương, cho nên sự phê phán của ông được coi là phê phán tất cả nền triết học thời đó. Ông viết: “Tôi sẽ không nói gì về môn triết học, ngoài việc tôi thấy môn đó đã được vun trồng bởi những tâm trí siêu đẳng từ nhiều thế kỷ, vậy mà không có điều gì người ta không tranh luận với nhau. Bởi vậy, không có điều gì không đáng hoài nghi. Vì thấy có quá nhiều ý kiến khác nhau giữa những bậc thông thái về cùng một vấn đề, và không có lấy một ý kiến nào chân thật, cho nên tôi coi tất cả những gì chỉ có vẻ đúng đắn kia là sai lầm”.
Như vậy, theo Descartes, người ta cần phải gạt bỏ cái nền triết học chỉ chứa đựng những điều “có vẻ thật và đáng hoài nghi này”, để xây dựng một triết học mới, trên nền tảng những chân lý bất khả nghi, tuyệt đối vững chắc.
Như vậy, chỉ những đóng góp của Descartes về phương diện triết học đã thật sự lớn lao và có tính lịch sử. tư tưởng triết học của Descartes đã giữ vai trò một khởi nguyên mới. Descartes đã có công chấm dứt sự thống trị mười mấy thế kỷ của triết học kinh viện (triết học Aristote – Thomas Aquino), mở đường cho Hume, Kant, Husserl và nền triết học Tây phương ngày nay. Cho nên người ta có thể đồng ý với tác giả A.Bridoux để nhận định rắng: “Ảnh hưởng của thuyết Descartes rất lớn lao, có thể nói lịch sử triết học đã gắn liền với lịch sử thuyết Descartes. Chỉ cần nhớ rằng hai học thuyết chủ yếu đang thống trị thế giới hôm nay, chủ nghĩa duy cơ và chủ nghĩa duy tâm đều bắt nguồn nơi triết học Descartes:
1. Thuyết Duy cơ: vai trò lớn lao của Descartes dành cho thân thể…và thuyết Duy Cơ tự nó hướng tới chỗ giải nghĩa cho tất cả mọi sự.
2. Thuyết Duy tâm: dưới tất cả mọi hình thức đều xuất phát từ triết học Descartes, coi tâm trí là thực tại số một…Và cũng thuyết Descartes đã giúp bảo toàn ý chí tự do của con người, chống lại những yêu sách cả các quy luật thuyết Duy cơ, cũng như những đòi hỏi duy lý của thuyết Duy tâm. Bởi vì niềm tin vào tự do là nền tảng của thuyết Descartes”
Xin chân thành cám ơn Nhà Xuất bản Văn Học, các bạn Nguyễn Quang Tuyến, Lê Nguyên Đại và Dương Anh Sơn đã giúp tái bản mấy tác phẩm này của Descartes, để các sinh viên có tài liệu học tập và nghiên cứu.
Bình Thạnh ngày 5/3/2005
TRẦN THÁI ĐỈNH
MỤC LỤC
TẬP 1
Triết học Descartes
Chương mở đầu: Địa vị của Descartes trong lịch sử triết học
Chương I: Phương pháp luận hay còn gọi là con đường triết học của Descartes
Chương II: Những chuẩn bị tiền môn hay là những quy luật của phương pháp và những quy luật của đạo đức
Chương III: Những nền tảng của khoa học “siêu hình học” cũng là nền tảng triết học Descartes
Chương IV: Khoa vật lỳ học của Descartes
Chương V : Suy niệm I: Phương pháp hoài nghi phổ quát
Chương VI: Suy niệm II: “Tôi có đây, tôi hiện hữu”
Chương VII: Suy niệm III: Chứng minh có Thượng đế
Chương VIII: Suy niệm IV: Chân lý và sai lầm
Chương IX: Suy niệm V: Bản tính các sự vật vật chất
Chương X: Suy niệm VI: Sự hiện hữu của các vật thể
TỔNG KẾT
TẬP II
Phương pháp luận
NHẬP ĐỀ
BẢN DỊCH
Bàn về phương pháp để hướng dẫn lý trí của mình chho đúng cách và tìm thấy chân lý trong các khoa học
Phần thứ nhất: mấy nhận định về các khoa học
Phần thứ hai: Những quy tắc chính của phương pháp
Phần thứ ba: Mấy quy luật Luân lý rút từ phương pháp
Phần thứ bốn: Chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế và linh hồn con người: những nền tảng của Siêu hình học
Phần thứ năm: Trật tự các vấn đề Vật lý học
Phần thứ sáu: Những điều cần thiết để tiến xa hơn trong việc tìm hiểu thiên nhiên
CHÚ GIẢI
TẬP III
Những suy niệm hình học
NHẬP ĐỀ
Những suy niệm về đệ nhất triết học
Lời nói đầu của tác giả gửi độc giả
Đại ý của 6 bài suy niệm sau đây
Suy niệm thứ nhất: Về những sự ta có thể hoài nghi
Suy niệm thứ hai: Về bản tính của tâm linh con người và về sự nó dễ được biết hơn thân thể
Suy niệm thứ ba: Về Thiên chúa: Rắng Ngài hiện hữu
Suy niệm thứ bốn: Về chân thực và giả dối
Suy niệm thứ năm: Về yếu tính các sự vật vật chất, về biệt tính giữa tâm linh và thân thể con người.
CHÚ GIẢI