LỜI NÓI ĐẦU
Trong vô số ngành nghề hiện nay, kinh doanh là một trong những ngành nghề được xem là mạo hiểm nhưng lại là lĩnh vực dễ kiếm ra tiền nhất. Kinh doanh không phải là một nghề mới, nó đã được hình thành từ ngàn xưa, phản ánh qua cách trao đổi vật dụng, từ những loại hình đơn giản, phục vụ trong một phạm vi nhỏ để tạo ra lợi nhuận. Khi xã hội phát triển, nhu cầu tiêu dùng càng nhiêu, càng đa dạng thì việc trao đổi vật dụng phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của con người ngày càng lớn hơn, mở rộng liên kết ra nhiều quốc gia, khu vực. Tiêu biểu nhất chính là con đường tơ lụa với chiều dài khoảng 7000km, là con đường huyết mạch nối liền kinh tế giữa Đông và Tây, được hình thành khoảng 200 năm trước kỷ nguyên Tây lịch.
Trên đà suy thoái kinh tế toàn cầu, từ năm 2008 trở đi, thương trường có phần giảm mạnh. Kinh doanh vốn là nghề mạo hiểm lại càng gặp nhiều thách thức lớn. Mỗi quốc gia hàng năm lại có thêm hàng chục nghìn doanh nghiệp đúng trên bờ vực phá sản. Điều này khiến cho những người làm ăn kinh tế thêm phần thận trọng dè dặt. Đôi khi vì quá lo lẳng đề cao lợi nhuận mà một số doanh nghiệp đã đánh mất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp. Sản xuất sản phẩm kém chất lượng chất phụ gia, các loại hóa chất độc hại gây bệnh ung thư được sử dụng quá liều lượng trong nhiều loại thực phẩm… đã và đang gây hoang mang bất an cho người tiêu dùng. Vấn để này kéo theo một chuỗi hệ lụy khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, đến uy tín chung của ngành và những người làm ăn chân chính.
Nhằm góp phần củng cố niềm tin cho người tiêu dùng, đánh thức lương tâm của cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế ổn định, bền vững chúng tôi đã trích những lời Phật dạy về việc kinh doanh để người Phật tử làm kinh tế biết kinh doanh khôn ngoan, kinh doanh có đạo đức. Thông qua các chủ đề như: Kinh Doanh Theo Quan Điểm Đạo Phật, Kinh Nghiệm Người Giàu, Đạo Đức Thời Suy Thoái Kinh Tế, hi vọng nó sẽ gióng một hồi chuông cảnh tỉnh giúp con người làm ăn lương thiện hơn, giảm bớt đi những điều tội lỗi, sai lầm do lòng tham không chính đáng gây ra.
Do nhiều người yêu cầu biên tập những bài pháp thoại thành sách cho tiện việc tham khảo và phổ biến, tôi đã cho ghi chép lại trên các đĩa CD từ văn nói và chinh sửa lại cơ bản thành văn viết. Tôi đã tổng hợp lại ba bài giảng trên và lấy chung tựa đề là Kinh Doanh Theo Quan Điểm Đạo Phật. Với cuốn sách này, tôi mong muốn được trao tận tay chiếc chìa khóa vàng cho những người đang ấp ủ hoài bão theo đuổi ngành nghề kinh doanh, đặc biệt là góp phần định hướng ước mơ của các bạn trẻ. Tin rằng mọi người sẽ có thêm tư lương để gầy dựng, phát triển sự nghiệp vững chãi, chân chính, thành công.
Biết rằng trong quá trình biên tập chắc chắn không tránh được những mặt sai sót, nhất là còn nhiều sai sót trong lần xuất bản đầu tiên. Lần tái bản này chúng tôi đã chỉnh sửa lại rất nhiều để nội dung quyển sách được hoàn hảo hơn. Rất mong quý độc giả đạt ý quên lời, tìm được một vài điều bổ ích, mở thêm hướng suy nghĩ tích cực trong công việc.
Tác giả chân thành cảm ơn những người đã hết lòng hỗ trợ cho việc đánh máy, phiên tả, biên tập để quyển sách được ra đời. Đồng thời, tác giả xin đón nhận những góp ý chân tình từ quý bạn đọc để được học hỏi kinh nghiệm và bổ sung cho lần tái bản sau.
Tu viện Tường Vân, tháng 06 năm 2014
Kính đề
Thích Phước Tiến
MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU
TÓM TẮT
PHẦN: KINH DOANH THEO QUAN ĐIỂM ĐẠO PHẬT
Chương: Khái quát
Chương 2: Kinh doanh theo quan điểm đạo Phật
I. Năm loại hình kinh doanh người Phật tử nên tránh
Tại sao không kinh doanh quan tài?
II. Lời Phật dạy về lợi nhuận
Chương 3: Chìa khóa vàng cho thành công
PHẦN II: ĐẠO ĐỨC THỜI SUY THOÁI KINH TẾ
Chương 1: Thời kì suy thoái kinh tế
Chương 2: Đạo đức thời suy thoái kinh tế
Phần III: KINH NGHIỆM NGƯỜI GIÀU