LỜI MỞ ĐẦU
Quyển luận này tên là Trung Luận, nếu nói đủ là Trung Quán Luận. Tại sao gọi là Trung Quán Luận? Trung là giữa, quán là xem xét, Trung Quán Luận tức là bộ Luận dùng trí quán sát đúng lý trung đạo.
Lý trung đạo trong nhà Phật có hai tầng lớp:
Một là trung đạo của hàng Nhị thừa. Sau khi thành đạo, Đức Phật đi giáo hóa trong nhân gian, Ngài thường phê phán thời bấy giờ có những người tu phóng túng, hướng về ngũ dục rồi thụ hưởng, đắm trước, Phật gọi đó là hạng người đuổi theo dục lạc. Lại có hạng người tu khác xoay qua khổ hạnh, hành hạ thân xác như nằm trần trụi ngoài trời hoặc ăn uống những thức ăn như trấu cám v.v… Như vậy họ tự đày đọa thân xác khổ sở mà không tỉnh giác, Phật gọi đó là hạnh ngu si. Vì thế Đức Phật chủ trương thuyết Bát Thánh Đạo, tức là lấy Bát Thánh Đạo làm nền tảng tu hành, thoát khỏi hai bên, một bên đuổi theo tham dục và một bên hành hạ thân xác. Thí dụ như về y phục, người thế gian có thể có năm hoặc mười bộ, còn trong đạo, đức Phật chỉ cho ba y chứ không được dùng nhiều, thế là ở giữa, không phải trần trụi, cũng không phải quá nhiều, về phần ăn uống, người thế gian ăn uống vô chừng, còn người tu khổ hạnh ăn rất ít hoặc ăn mè, ăn bắp đói khát khổ sở. Trong khi ấy đức Phật cho Tỳ kheo dùng ngọ là bữa ăn chính, không phải nhịn ăn, cũng không phải ăn nhiều. Như thế lý trung đạo trong nhà Phật được dùng trong cuộc sống từ ăn đến mặc, đến cả việc tu cũng vậy, không cho lệch bên này hoặc bên kia. Trung đạo của Nhị thừa là thoát ra khỏi hai điều chấp nê đuổi theo ngũ dục và hành khổ hạnh.
Hai là trung đạo theo lý Bát-nhã. Theo tinh thần Bát-nhã, những sự vật ở trên thế gian này đều do nhân duyên mà có, đều do nhân duyên mà sanh, vì do nhân duyên sanh nên không có thật thể cố định. Muôn pháp hiện có chỉ là giả tướng giả danh. Như vậy nhìn bằng trí Bát-nhã các pháp thật có hay không? Vì duyên hợp như huyễn, nó có chỉ là giả tướng giả danh, cho nên không kẹt bên có. Vì duyên hợp như huyễn, giả tướng giả danh chớ không phải là không, cho nên không kẹt bên không. Không kẹt bên có, không kẹt bên không thì chúng ta ở chỗ nào? Thấy các pháp không thật có cũng không thật không vì do nhân duyên sanh. Do nhân duyên sanh nên không có thật thể cố định. Đó là tướng trung đạo. Vì thế, trong quyển Trung Luận, sau này Ngài Thiên Thai Trí Giả Đại Sư có phân biệt bài kệ “Nhân duyên sanh”:
Nhân duyên sở sanh pháp
Ngã thuyết tức thị Không,
Diệc danh vi giả danh,
Diệc danh Trung đạo nghĩa.
Các pháp do nhân duyên sanh nên Phật nói là Không, tức là không có thật thể, không có cố định. Không thật thể, không cố định mà có, đây là chỉ có giả tướng giả danh. Thấy được giả tướng giả danh không có thật thể là cái thấy trung đạo, là nghĩa trung đạo, tức là Đệ nhất nghĩa đế. Như thế chữ trung đạo này chỉ lý thật đi thẳng vào Đệ nhất nghĩa đế, chớ không phải trung đạo đối đãi ở khoảng giữa, một bên theo dục lạc, một bên theo khổ hạnh. Thế nên người thấy được lý thật của các pháp là người giác, là người trí tuệ, vượt khỏi mê lầm ở hai bên. Đó là nghĩa trung đạo của bộ Trung Luận này.
Cần giải thích thêm để rõ nghĩa lý Không. Trong đạo Phật có chia ra ba cái Không:
Phân Tích Tức Không là Không mà không phải không. Tại sao? Thí dụ: Đứng về mặt vật chất, các sự vật được phân tích, chia chẻ ra từ thô lần lần đến tế, cho đến không, còn phân tích được, người ta cho đó là đơn vị cuối cùng. Rồi từ đơn vị cuối cùng đó hợp lại thành muôn sự muôn vật. Như vậy tức là có chớ chẳng phải không. Đứng về mặt thời gian cũng vậy, thời gian được phân chia từ năm đến tháng v.v… cho đến một giây, một tích tắc đồng hồ rồi cuối cùng là một sát na. Sát na là thời gian ngắn nhất không còn phân tích được nữa, cuối cùng không còn phân tích được tức là có. Thế nên tuy nói không mà rốt cuộc lại là có. Đó là thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ trong phái Thượng Tọa Bộ. Nếu phân tích để thành không thì cái không ấy có hai lỗi: Một là sự vật bị phá hoại để thành không và hai là tuy nói không mà cuối cùng lại là có.
Quán Tưởng Không tức là quán tưởng tất cả các pháp ở giữa cõi này đều rỗng không, thí dụ như tu quán về “Không Vô Biên Xứ”. Người tu ngồi quán tưởng tất cả sự vật trước mắt và chung quanh mình đều trống hết, thí dụ như bàn ghế trong một căn phòng, quán tưởng đến không còn thấy một sự vật nào ở trước mắt nữa, đó là thành công trong phạm vi một căn phòng. Rồi lần lần quán tưởng cả một khu vực, cả làng xóm đều không hết, cho đến khi nhắm mắt mở mắt đều thấy không, đó là thành công trong một phạm vi rộng lớn khá hơn, và đến bao giờ thấy không còn chỗ nào là có hết, tất cả đều rỗng không, gọi đó là “Không Vô Biên Xứ”. Như thế cái không đó do quán tưởng mà thành không, nó chỉ không với mình, còn người khác vẫn thấy có. Như vậy cái không đó chỉ là không trên tưởng tượng chớ không có thật.
Đương Xứ Tức Không tức là cái không của Bát-nhã. Thí dụ ngay cái bàn này không phân tích chi hết mà biết nó là nhân duyên sanh. Do nhân duyên sanh nên nó không có thật thể, không có cố định, gọi là không tự tánh. Các pháp do nhân duyên sanh đều không tự tánh, không cần phân tích mà ngay nơi đây biết là không tự tánh. Nhìn cái bàn, cái nhà, tất cả sự vật đều biết không tự tánh. Ngay nơi cái có biết không tự tánh, chớ không phải phân tích, không phải phá hoại nó, cũng không phải tưởng tượng. Thế nên thấy Không đó là thấy bằng trí tuệ: ngay nơi sự vật mà biết lý không của nó, đây là cái Không đạt lý, cái Không thấu lý. Đương Xứ Tức Không là lẽ thật của cuộc đời, thấy không đó là thấy được lẽ thật của muôn pháp, cho nên nói là Đệ nhất nghĩa đế. Đương Xứ Tức Không còn gọi là Tất Cánh Không, tức là tất cả đều không, không tự tánh chớ không phải là không ngơ. Dù chỉ một hạt bụi tí ti không phân tích được cũng không tự tánh. Tất cả thời gian không gian, sự vật đều không tự tánh nên gọi là Tất Cánh Không, đó là hoàn toàn không, chớ không phải không có cái thô mà lại có cái tế.
Hiểu như vậy chúng ta mới thấy lý Bát- nhã rất thiết yếu, rõ ràng, cụ thể chớ không phải là chuyện mơ màng tưởng tượng. Học lý Bát-nhã chúng ta thấy được lẽ thật của muôn pháp, đó là học để tỉnh giác. Cũng thế học Trung Quán Luận là học để tỉnh giác, chớ không phải học để lý luận suông.
THÍCH THANH TỪ
MỤC LỤC
Lời nói đầu
QUYỂN I
Phẩm thứ nhất: Phá Nhân Duyên
Phẩm thứ hai: Phá Đi Và Đến
Phẩm thứ ba: Phá Lục Tình
Phẩm thứ tư: Phá Ngũ Ấm
QUYỂN II
Phẩm thứ năm: Phá Lục Chủng
Phẩm thứ sáu: Phá Pháp Nhiễm Và Người Nhiễm
Phẩm thứ bảy: Quán Tam Tướng
Phấm thứ tám: Quán Phá Tác Và Tác Giả
QUYỂN III
Phẩm thứ chín: Phá Bổn Trụ
Phẩm thứ mười: Phá Đốt Và Bị Đốt
Phẩm mười một: Phá Bản Tế
Phẩm mười hai: Phá Khổ
Phẩm mười ba: Phá Hành
QUYỂN IV
Phẩm mười bốn: Phá Hợp
Phẩm mười lăm: Quán Hữu Vô
Phẩm mười sáu: Quán Phược Giải
Phẩm mười bảy: Quán Nghiệp
Phẩm mười tám: Quán Pháp
Phẩm mười chín: Quán Thời
QUYỂN V
Phẩm hai mươi: Quán Nhân Quả
Phẩm hai mươi mốt: Quán Thành Hoại
Phẩm hai mươi hai: Quán Như Lai
Phẩm hai mươi ba: Quán Điên Đảo
Phẩm hai mươi bốn: Quán Tứ Đế
Phẩm hai mươi lăm: Quán Niết-Bàn
Phẩm hai mươi sáu: Quán Mười Hai Nhân Duyên
Phẩm hai mươi bảy: Quán Tà Kiến
PHẦN HÁN VĂN