Tìm Sách

Luận Tạng >> Trung Luận

Thông tin tra cứu

  • Tên sách : Trung Luận
  • Tác giả : Bồ Tát Long Thọ
  • Dịch giả : Thích Thiện Siêu
  • Ngôn ngữ : Việt
  • Số trang : 388
  • Nhà xuất bản : NXB TP. HCM
  • Năm xuất bản : 2001
  • Phân loại : Luận Tạng
  • MCB : 12010000010006
  • OPAC :
  • Tóm tắt :

LỜI GIỚI THIỆU

Trung luận nói rõ là Trung Quán luận. Trung quán đồng nghĩa với chính kiến trong tám chi chánh đạo.

Thật tướng các pháp vốn là duyên khởi vô tính, luôn luôn vắng lặng bình đẳng, siêu việt hết thảy tướng, không vướng vào nhị biên có, không; sinh, diệt v.v… nên gọi là Trung, là Trung đạo. Ngài Tăng Duệ gọi là lý Trung thật. Ở phẩm Nghiệp nói xa lìa đoạn kiến, thường kiến v.v… gọi là Trung.

Quán là lấy trí tuệ chơn chính quán sát chánh pháp duyên khởi trung đạo thật tướng ấy, gọi là Quán.

Như vậy, cảnh sở quán của trí tuệ chơn chính là lý duyên khởi trung đạo trung thật, siêu việt hết thảy tướng.

Luận là ngôn luận thuyết minh lý trung đạo, trung thật lên gọi là Trung luận.

Bồ-tát Long Thọ (Nàgàrjuna) làm luận để thuyết minh lý trung đạo thật tướng bằng cách quán sát trực tiếp các pháp, phân tích, so sánh, đối chiếu giữa các mặt của mỗi pháp để tìm ra thật tính của nó, cuối cùng chỉ thấy các pháp do các duyên mà hiện hữu, không pháp nào có thật tính, do đó Ngài phá bỏ, phủ định hết thảy kiến chấp sai lầm đối với trung đạo thật tướng; không luận đó là kiến chấp sai lầm chung của mọi người, hay kiến chấp sai lầm của ngoại đạo, hay của các học giả trong bộ phái Tiểu thừa, Đại thừa Phật giáo.

Đối với thật tướng các pháp là siêu việt hết thảy tướng, lại sinh ra tà kiến chấp các pháp thật có sinh, diệt thật có đoạn, thường, một khác, đến đi, trói mở v.v… và khởi lên phiền não, tạo nghiệp, chịu khổ theo tà kiến chấp thủ ấy. Nếu phá bỏ được các kiến chấp sai lầm đối với thật tướng, thì thật tướng hiện ra trước trí tuệ chánh quán, giải thoát tất cả vướng mắc, đau khổ.

Nếu các chấp kiến đều bị phá bỏ, phủ định, vậy thật tướng ấy có bị phá bỏ, phủ định không? - Thật tướng siêu việt hết thảy tướng, vậy thì có tướng gì đâu để phủ định, phá bỏ.

Như vậy tất cả đều trống rỗng, có cũng bị phủ định, không cũng bị phủ định, không có gì là hiện hữu phải không? Có hiện hữu chứ. Đó là hiện pháp duyên khởi siêu việt các tướng, cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt. Như trong kinh Tiểu Không, thuộc Kinh Trung Bộ, Phật dạy: “Thuở xưa và nay Ta nhờ an trú không, nên an trú rất nhiều, ví như lâu đài Lộc Mẫu này không có voi, bò, ngựa, không có vàng bạc, đàn ông, đàn bà tụ hội, và chỉ có một cái không phải không, tức là sự nhất trí (ekattam - có nghĩa là nhất thống, giải thích) do duyên chúng Tỷ kheo. Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây, vị ấy tuệ tri ‘cái kia có, cái này có’. ‘Cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh không tính’”.

Cũng theo nghĩa ấy, trong luận này có bài tụng “Các pháp do duyên sinh, là không, là giả danh, là nghĩa trung đạo” và ngài Trí Giả - Tổ sáng lập Tông Thiên Thai ở Trung Quốc đã dựa vào đó mà lập ra ba quán là không quán, giả quán và trung quán.

Bồ-tát Long Thọ trước tác Trung luận gồm 27 phẩm (chương) 446 bài kệ, mỗi bài 4 câu, mỗi câu 5 chữ. Ở Ấn Độ các bản luận giải thích như Vô Úy luận, có người cho là do ngài Long Thọ trước tác; có bản Luận Thích của Phật Hộ dựa theo Vô Úy luận mà làm ra; có bản Hiển Cú luận của Nguyệt Xứng, có Bát Nhã Đăng luận của Thanh Biện, có Thích Luận của An Huệ, đều dựa theo Phật Hộ mà làm ra v.v… Các bản giải thích Trung luận được dịch ra Hán văn là Trung luận của Phạm Chí Thanh Mục (Pingala

(Milanetra) Hán dịch âm là Tân-già-la, dịch nghĩa là Thanh Mục), do ngài Cưu-ma-la-thập dịch, 6 cuốn. Bản Thuận Trung luận của Bồ-tát Vô Trước, do Cù Đàm Bát-nhã-lưu-chi đời Nguyên Ngụy dịch, 2 cuốn. Bản Bát-nhã Đăng Luận Thích của Bồ-tát Phân Biệt Minh, do Ba La Phả Mật Đa La đời Đường dịch, 15 cuốn. Bộ Đại thừa Trung Quán Thích luận của Bồ-tát An Huệ, do An Dung Tịnh v.v… dịch, 9 cuốn.

Bản Trung luận của Phạm Chí Thanh Mục giải thích, La Thập dịch rõ và gọn hơn các bản Hán dịch kia, lâu nay được chú ý nhiều (nhiều học giả xưng tán bản sớ giải Trung luận của ngài Nguyệt Xứng (CandraKirti rất tiếc bản này chưa được dịch sang Hán văn). Ở đây tôi dịch theo bản Trung luận của Phạm Chí Thanh Mục thích, La Thập dịch. Tôi cố gắng dịch sát nghĩa theo bản Hán dịch của ngài La Thập hầu giúp các vị muốn đọc được toàn văn trước tác Trung luận của ngài Long Thọ, thay vì chỉ đọc đôi bài nghiên cứu, trích giảng Trung Luận mà thỉnh thoảng mới xuất hiện trên sách báo.

Trong bản dịch này, phần chữ đầm lớn là nghĩa các bài kệ do ngài Long Thọ trước tác; phần chữ nhỏ là nghĩa các lời giải thích của Phạm Chí Thanh Mục; những câu chú thích trong ngoặc đơn, xen ở giữa các lời giải và phần tóm tắt ở cuối mỗi phẩm là của người dịch.

Bản dịch này chắc không tránh khỏi những điều sai sot. Hy vọng tương lai sẽ có bản dịch khác tốt hơn của các vị khác.

Vậy kính giới thiệu đến quí vị độc giả có duyên với Trung luận.

Phật lịch 2545

Dương lịch 01.08.2001

Thích Thiện Siêu

Các sách khác thuộc Luận Tạng

Bát Nhã Tâm Kinh giảng giải
Bát Nhã Tâm Kinh giảng giải
Kinh Kim Cang giảng giải
Kinh Kim Cang giảng giải
Luận Thành Duy Thức
Luận Thành Duy Thức
Siêu lý cao học
Siêu lý cao học
Những điểm dị biệt - Kathavatthu
Những điểm dị biệt - Kathavatthu
Luận Đại Thừa Khởi Tín
Luận Đại Thừa Khởi Tín
Tạng Diệu Pháp - Bộ Pháp Tụ
Tạng Diệu Pháp - Bộ Pháp Tụ
Thắng Pháp Tập Yếu Luận tập 1
Thắng Pháp Tập Yếu Luận tập 1
Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải
Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải
Luận Thành Duy Thức
Luận Thành Duy Thức
Luận tạng - Chú giải bộ phân tích
Luận tạng - Chú giải bộ phân tích
Tạng Diệu Pháp - Bộ Song Đối
Tạng Diệu Pháp - Bộ Song Đối