TRIẾT HỌC KANT
TRẦN THÁI ĐỈNH – TIẾN SĨ TRIẾT HỌC (446 Trang)
NXB VĂN HÓA THÔNG TIN
TỰA
(NHÂN DỊP IN LẠI LẦN THỨ 3)
Cách đây chừng hai mươi năm, vào những năm đầu 1980…, một anh bạn ở Paris cắt gửi cho tôi một bài báo của tờ Le Nouvel Observateur hay là tờ L`Express, tôi không nhớ rõ, kể lại cuộc hội thảo của mấy giáo sư triết học nước Pháp. Mấy ông bàn về tình hình môn triết học lúc đó, một tình hình không hẳn là khủng hoảng, nhưng không còn hướng đi mãnh liệt như hồi phong trào Hiện sinh (Những năm 40 và 50) và phong trào Cơ cấu (những năm 60 và 70), nhất là vì những phân tích sâu xa của một Michel Foucauld chẳng hạn, đã đưa tới chỗ kết luận rằng: “Con người chỉ là một ảo tưởng, một quan niệm rỗng”. Con người chết rồi.
Đứng trước tình hình đó, Gs. Jacques Derrida đã kết thúc cuộc hội thảo bắng câu nói mà tôi nhớ từng chữ: “Vậy phải bắt đầu lại từ đầu. Phải bắt đầu lại với Kant – Il faut donc recommencer par le commencement. Il faut recommencer avec Kant”.
Tại sao bắt đầu lại từ đầu là bắt đầu lại với Kant? Chúng ta đã có 3 lần bắt đầu trong lịch sử triết học, nhưng chỉ với Kant, triết học mới đã thật sự đi vào đúng hướng của nó.
Lần thứ nhất với Socrate, lần thứ hai là Descartes và Hume, lần thứ ba là Kant.
Nhìn lại những thập niên 80, chúng ta thấy triết học cũng có vẻ đứng ở ngã ba đường, mà hai ngã vừa đi qua là hai con đường cụt: triết Hiện sinh đã coi con người là tự do gần như tuyệt đối. Con người không còn là thành phần vũ trụ vạn vật, không còn hữu- tại- thế. Một hình thức của chủ nghĩa Duy tâm. Trái lại khi thuyết Cơ cấu đi tới mức chủ nghĩa, vì chỉ khi đó một tư tưởng mới biểu lộ hết cái hay, cái dở của nó, chứ không ở mãi cái thế truyền thống như Đông phương, vậy khi thuyết Cơ cấu đi tới mức chủ nghĩa, thì những phân tích của nó đã lạnh lùng khẳng định rằng: con người chỉ là ảo tưởng. Nói cách khác, con người chỉ là một vật thể. Một hình thức của chủ nghĩa Duy vật.
Tôi không có phương tiện(sách, báo) để theo dõi những chuyển hướng của triết học Pháp nói riêng, nhưng những thông tin ít ỏi mà tôi có được những năm gần đây cho thấy tư tưởng Kant đã có tác động tốt đến nền triết học Tây phương. Triết học ngày càng trở thành khoa Nhân học(anthropologie) với khuynh hướng chỉ đạo là thuyết Giải thích(herméneutique), và một trong những vị thầy lớn nhất là Gs. Paul Ricoeur, ông thầy đáng tôn kính của nhiều thế hệ chúng tôi. Khai thác những tư tưởng của Nietszche, những phân tích của Marx và nhất là Freud, nhóm Ricoeur đã giúp triết học nhận rõ nhân dạng sâu xa và đích thực của con người, qua những biểu tượng của dân tộc và phân tâm học.
Tôi chân thành cám ơn Nhà Xuất bản Văn Hóa Thông tin và các học trò cũ của tôi (ở khoa Triết trường đại học Văn Khoa Saigon, Huế và Đà Lạt): Nguyễn Quang Tuyền, Lê Nguyên Đại, Dương Anh Sơn đã đóng góp công sức rất nhiều cho lần tái bản cuốn Triết học Kant của tôi để đáp ứng nhu cầu học hỏi cho giới trẻ. Rất tiếc vì tuổi già, tôi không còn đủ sức để bổ túc cho cuốn sách này những kiến thức mà nền triết học thế giới đã mang lại cho triết học Kant mấy chục năm nay. Nhưng tôi hy vọng cuốn sách vẫn có thể giúp ích cho các sinh viên triết học hiện nay.
Trần Thái Đỉnh
(4/2/1005)
MỤC LỤC
TỰA
HỒI NIỆM VÀ VIỄN CẢNH
NHẬP ĐỀ
PHẦN THỨ NHẤT:
Sinh hoạt trí thức của con người
CHƯƠNG I: thế nào là một trí thức Khoa học?
A. Tính chất khoa học của khoa luận lý
B. Tính chất khoa học của khoa Toán học
C. Tính chất khoa học của khoa Vật lý học thuần túy
D. Có khoa siêu hình học không?
CHƯƠNG II: Khả năng trí thức của con người
Tiết I: Cảm giác học siêu nghiệm
Tiết II: Luận lý học siêu nghiệm
CHƯƠNG III: Giới hạn trí thức của con người
Tiết I: Những võng luận của lý trí thuần túy
Tiết II: Những tương phản của lý trí thuần túy
Tiết III: ý thế của lý trí thuần túy
PHẦN THỨ HAI:
Sinh hoạt đạo đức của con người
CHƯƠNG I: Kant đặt vấn đề sinh hoạt đạo đức như thế nào?
I: Ý thức đạo đức của mọi người
II: Kant phê bình những học thuyết đạo đức xây trên thường nghiệm
III: Lập trường đạo đức của Kant
CHƯƠNG II: Kant giải quyết vấn đề sinh hoạt đạo đức thế nào?
Tiết I: Tự do và quy luật đạo đức
Tiết II: Tự do và tự chủ
Tiết III: Tự do và đối tượng của đạo đức
CHƯƠNG III: Ý nghĩa thuyết đạo đức của Kant
Tiết I: Vấn đề sự thiện hoàn hảo
Tiết II: Những định đề của lý trí thuần túy thực hành
PHẦN THỨ BA:
Ý nghĩa con người
CHƯƠNG I: Phán đoán thẩm mỹ
Tiết I: Cái đẹp
Tiết II: Cái cao cả
CHƯƠNG II: Phán đoán mục tiêu
Tiết I: Bản chất của phán đoán mục tiêu
Tiết II: Biện chứng pháp của phán đoán mục tiêu
Tiết III: Luận về phương pháp của phán đoán mục tiêu
TỔNG KẾT
THƯ MỤC TỔNG QUÁT