Tìm Sách

Lịch sử - Tiểu sử - Ngữ Lục >> Đại sư Liên Trì cuộc đời và sự nghiệp


Xem tại thư viện

Thông tin tra cứu

  • Tên sách : Đại sư Liên Trì cuộc đời và sự nghiệp
  • Tác giả : Vương Nhữ Vĩ
  • Dịch giả : Đạo Quang
  • Ngôn ngữ : Việt
  • Số trang : 110
  • Nhà xuất bản : NXB Văn Hóa Sài Gòn
  • Năm xuất bản : 2007
  • Phân loại : Lịch sử - Tiểu sử - Ngữ Lục
  • MCB : 120100000010143
  • OPAC :
  • Tóm tắt :

Đại sư Liên Trì cuộc đời và sự nghiệp

Vương Nhữ Vĩ

Truyện tranh

Đạo Quang dịch

NXB Văn Hóa Sài Gòn

Lời người dịch

Tôi được đọc cuốn “Đại sư Liên Trì cuộc đời và sự nghiệp” vào một buổi chiều đầu thu ở Hà Nội, bên đồi thông lộng gió, dưới ánh nắng vàng óng của trời chiều. Những tia nắng cuối ngày đang vội vàng ôm chặt đồi thông trước giờ phút chia tay, đồi thông cũng không nỡ xa nắng, chúng càng siết chặt lấy nắng như ra sức ghì kéo không cho bánh xe thời gian xoay chuyển. Nhìn thấy chúng, tôi quán xét lại mình, tại sao nắng, lá còn biết quyến luyến với nhau như vậy, còn có tình cảm sâu đậm như vậy, trong khi tôi được gọi là con người, là bậc có linh tính cao nhất, thế mà đôi khi vì có chút ảo giác về vị ngọt của ngũ dục tôi lại đánh mất chính mình, làm tổn thương đến người thương và những người xung quanh.

Càng đọc tôi càng thấy ham thích, ngưỡng mộ và tôn kính thầy. Quả thật cuộc đời của thầy là đại thụ cho những đàn chim bay về nương náu, là ngọn hải đăng cho những mảnh đời bất hạnh tìm về nguồn cội, là thái dương soi rõ nẻo chính tà, là bản hùng ca bất tận, là bài ca bất tử trong trái tim tôi. Mỗi cử chỉ, mỗi việc làm, mỗi lời nói của thầy đều là bảo bối, châu ngọc để tôi học tập, thực hành. Nếu cuộc đời tôi không có được viên dũng tướng, người lực sĩ, bậc dẫn đường, đức từ mẫu như thầy, chắc chắn càng ngày tôi sẽ càng lún sâu vào vũng bùn hôi tanh, rốt cuộc cũng chỉ là kẻ nô lệ cho tâm tham lam, bỏn xẻn, danh lợi, tiền tài…mà thôi.

Cuốn sách như viên dũng tướng cứu tôi thoát khỏi bàn tay kẻ địch, như người lực sĩ cõng tôi qua sa mạc mênh mông đầy bão cát và nóng bức, như người dẫn đường dắt tôi ra khỏi chốn mê lầm, như bàn tay người mẹ sờ lên trán mỗi khi tôi bị sốt…

Thầy ơi! Thầy hoan hỉ cho con. Bởi ngôn ngữ phù phiếm và hạn hẹp của thế gian không sao có thể lột tả hết được hạnh hiếu thảo, siêng năng học tập, từ bi, tinh tấn tu trì, thương chúng tăng, sốn giản dị, buông xả, xem lợi danh như bọt nước, tiền tài như gió cuốn mây bay…của thầy được! Ôi! Cuộc đời của thầy như trận mưa lớn, cây lớn sẽ hưởng theo cây lớn, cây nhỏ sẽ hưởng theo cây nhỏ, lúa mạ hưởng theo lúa mạ, rong rêu hưởng theo rong rêu…không có một loài nào mà không được lợi ích.

Khi đọc qua cuộc đời và sự nghiệp của thầy, chắc chắn mỗi chúng ta sẽ thu hoạch được ít nhiều tâm đắc riêng cho mình. Có người sẽ tâm đắc về lối sống giản dị của thầy. Có lần đệ tử thấy hai bộ y phục của thầy đã cũ, bèn may cho thầy hai bộ mới. Sau đó dân lên thầy, nhưng thầy không nhận, thầy trả lời rất cảm động và dễ thương “đồ của thầy còn mới lắm, có thể vá lại mặc thêm vài năm nữa, con hãy đem đồ này cho các sư đệ mới xuất gia đi, học cần hơn thầy”. Lại có lần, đại sư huynh nhắc sư đệ thị giả “Thầy mình đã 80 tuổi rồi, em em lại để thầy tự giặt đồ?”. Thầy nghe vậy liền nói “con đừng la mà tội cho sư em, không phải sư em không giặt mà là thầy không cho, chúng ta tu được bao nhiêu phước mà bắt người ta hầu hạ, bây giờ thầy còn khỏe, còn làm được, hãy để thầy làm, đến khi nào làm không nổi, lúc đó ắt sẽ nhờ các con”

Những phẩm hạnh này tuy rất tuyệt, đã đang và sẽ khó có ai làm được, nhưng tôi vẫn không tâm tâm đắc bằng hạnh hiếu của thầy. Phải nói thầy là người con đại hiếu. Tuy đi xuất gia, nhưng thầy luôn mang bài vị của mẹ theo trước ngực để ngày ngày nhang khói, lễ lạy, cúng dường, đến cả khi tham học cũng vẫn như vậy. Có người hỏi, thẩy đã đi tu rồi tại sao còn mang theo bài vị của mẹ, thầy mỉm cười đáp “Tuy con mang hình tướng Tỳ-kheo, nhưng cúng dường cho cha  mẹ chính là cúng dường Phật”.

Đọc tới đây, bỗng hai dòng lệ của tôi đã tuôn rơi từ lúc nào. Tôi khóc à! Khóc cho ai? Khóc cho thầy hay khóc cho tôi? Đương nhiên là khóc cho tôi. Thầy càng cao thượng, trong sạch, nhân hậu bao nhiêu, thì tôi càng thấp bé bấy nhiêu. Nếu không được như thầy, ít ra cũng được như pháp sư Đạo Kỷ cúng dường mẹ, như Pháp sư Pháp Vân, Tằng Tử để tang không ăn, như Pháp sư Kính Thoát gánh mẹ nghe pháp, như Pháp sư Giám Tông cắt thịt đùi làm thuốc dâng ba, Vương Tường nằm giá tuyết, Đinh Lai khắc cây…Chẳng những tôi không được như vậy, mà ngược lại khiến song thân đau lòng. Tưởng mình quyết định xuất gia là sẽ không làm cho cha mẹ lo lắng, khổ tâm nữa, nào ngờ khi những sợi tóc đầu tiên của tôi rơi xuống, thì đúng lúc bắt gặp đôi dòng lệ của hai đấng sinh thành cũng lăn dài trên má. Tuy rất thương, nhưng sợ con mềm lòng, cha mẹ vội quay mặt vào vách để tránh ánh mắt cũng đang ngấn lệ của tôi.

Hỡi ôi!
Giữa cuộc thế đầy phong ba bão tố
Cha mẹ là bến đậu của đời con!

Sau lưng những người con vĩ đại luôn luôn có hình bóng của người mẹ vĩ đại. Bởi hoàng hậu Ma-da hiền từ, nhân đức mới sinh bậc thầy của trời, người; tính dứt khoát của người mẹ,  mới sinh ra sơ tổ tông  Tào Động; cú ném của người mẹ, mới sản sanh thiền sư Hư Vân; Không ai quên được lời răn dạy của mẹ Đào Khản là ông cố nội của đại thi nhân Đào Tiềm, cũng như Mạnh mẫu dời nhà, Mạnh mẫu mua thịt heo… và câu nói như lời huyền ký cho cuộc đời thầy của mẹ: “Con à! Sống chết là chuyện đương nhiên, là chuyện thường tình ở đời!”. Cho nên, tôi cho rằng: “Chỉ có những người mẹ thật sự vĩ đại, mới sinh ra được những người con thực sự vĩ đại; và ngược lại, chỉ có những người con thật sự vĩ đại, mới có thể làm cho người mẹ thật sự trở nên vĩ đại!”

Chiều thu hôm ấy, tôi ngồi đọc cuốn “Đại Sư Liên Trì – Cuộc đời và sự nghiệp” bên đồi thông lộng gió với ý niệm trong sáng đầy hứng thú, và cảm nhận được một sự chuyển biến rất lớn của thân tâm. Lạy thầy! Con xin thành tâm đảnh lễ thầy, đảnh lễ bậc thầy của trời, người. Bởi những phẩm hạnh của thầy đáng làm mô phạm, là khuôn vàng thước ngọc cho hàng hậu học chúng con.

Do thấy những lợi ích lớn lao như vậy, cho nên tôi không quản ngại sở học sở hành thiển cận của mình, phát tâm chuyển ngữ. Nhưng vì bất đồng ngông ngữ văn hóa, thêm vào người dịch bám sát nguyên văn, nên không sao tránh khỏi những khiếm khuyết, nông cạn hoặc sai lầm, kính mong chư vị tiền bối, các bạn đọc giả góp ý chỉnh sửa và tôi rất lấy làm vinh hạnh khi được góp ý.

Nếu các bạn chưa được nếm kho tàng giáo nghĩa của Phật giáo thì hãy xem những tập truyện tranh như thế này, sẽ giúp các bạn dễ thâm nhập hơn; còn như các bạn muốn bước vào cửa Không, thì đừng nên bỏ qua những nấc thang như tập truyện này. Khi dịch cuốn sách này, tôi không mang cao vọng đáp ứng cho các bậc thế trí biện thông, không đàm thuyết huyễn luận, mà chỉ mong trao đến những hành giả vô tâm, chính kiến, nhiệt tình hành đạo, hầu tạo cho mình năng lượng tu tập thật vững chãi, để thẳng tiến lên phía trước, bỏ lại sau lưng những con ngựa yếu gầy.

Hoằng Pháp mùa Vu Lan báo hiếu 2007

Đạo Quang cẩn chí

Các sách khác thuộc Lịch sử - Tiểu sử - Ngữ Lục

Ngẫu Ích Đại Sư Pháp Ngữ
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp Ngữ
Lịch sử Triết Học Tây Phương
Lịch sử Triết Học Tây Phương
Tiểu sử danh Tăng Việt Nam - thế kỷ XX tập 2
Tiểu sử danh Tăng Việt Nam - thế kỷ XX tập 2
Tiểu sử danh Tăng Việt Nam - thế kỷ XX tập I
Tiểu sử danh Tăng Việt Nam - thế kỷ XX tập I
Ngôn hạnh các Đại tông sư
Ngôn hạnh các Đại tông sư
Địa Chi Văn Hóa Thành Phồ Hồ Chí Minh
Địa Chi Văn Hóa Thành Phồ Hồ Chí Minh
Những người giữ lửa tình yêu với sách tập 2
Những  người giữ lửa tình yêu với sách tập 2
Lịch sử Ngũ Hành Sơn chùa Non Nước
Lịch sử Ngũ Hành Sơn chùa Non Nước
Bái vọng Ân sư
Bái vọng Ân sư
Lịch sử Việt Nam tập 1- tập 2
Lịch sử Việt Nam tập 1- tập 2
Lược sử gia đình Phật Tử Việt nam
Lược sử gia đình Phật Tử Việt nam
Phan Bội Châu -thân thế thi văn
Phan Bội Châu -thân thế thi văn