THIỀN LÂM TẾ NHẬT BẢN
Nguyên Tác MATSUBARA TAIDOO
Việt dịch: THÍCH NHƯ ĐIỂN
SARIPUTRA GIÁO DỤC TỪ THIỆN HỘI XUẤT BẢN 2006
LỜI NÓI ĐẦU
Quyển Thiền Lâm Tế Nhật Bản quý vị đang cầm trên tay bằng tiếng Việt đây, chúng tôi dịch trực tiếp từ tiếng Nhật sang tiếng Việt, tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi, nhân kỳ nhập thất lần thứ ba tại đây. Công việc được bắt đầu từ ngày 24 tháng 10 năm 2005, đến ngày 18 tháng 11 năm 2005 bản dịch hoàn tất. Thời gian chỉ trong vòng 20 ngày thôi, chưa kể đến 6 ngày nghỉ của ba cuối tuần. Mỗi ngày tôi dịch ròng rã 5 tiếng đồng hồ. Như thế tổng cộng là khoảng 100 giờ tất cả. Tôi không biết Ngài Matsubara Taido phải gom góp tài liệu trong bao nhiêu năm mới viết xong cuốn sách này, vì Ngài không đề cập trong tác phẩm. Nhưng chúng tôi chắc rằng kinh nghiệm cả một đời người mới viết được một trong những tác phẩm có giá trị như thế.
Sách gồm 5 chương lớn và có những tiết mục nhỏ khác được chia ra trong từng chương một để độc giả dễ theo dõi. Theo lời khuyên của tác giả, nên đọc nửa phần sau của sách trước rồi mới đọc phần đầu và đọc lại toàn bộ một lần nữa, thì sẽ sáng tỏ nhiều vấn đề hơn.
Tuy nhiên, câu văn tiếng Nhật cấu tạo bằng chủ từ, túc từ rồi mới tới động từ. Còn câu văn tiếng Việt thì cấu tạo khác đi. Nghĩa là chủ từ động từ rồi mới đến túc từ. Do vậy tôi phải dịch một mình để xác định lại vị trí câu văn, nhưng chưa dám tin chắc 100 %. Do vậy, tôi nhờ Thượng Tọa Thích Đồng Văn, Tiến Sĩ Phật Học, người đã cùng tôi phiên dịch 2 năm trước đây tác phẩm Đại Đường Tây Vức Ký và Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận, từ tiếng Hán sang tiếng Việt, nhuận lại câu văn một lần nữa cho dễ hiểu theo ngôn ngữ Việt Nam và một lần cuối tôi nhờ Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi, đã tốt nghiệp Đại Học Komazawa, Tokyo Nhật Bản nhuận sắc lại một lần cuối cùng trước khi cho in .
Chú Hạnh Bổn sau khi tốt nghiệp Cao Học ở Đức ngành kỹ sư cơ khí, sau đó xuất gia và hai năm liền từ 2004 đến 2005, đến Úc để phụ cho tôi trong việc đánh máy bài vở, tài xế và đảm nhận trách nhiệm thị giả, để giúp tôi nhiều thời gian trong việc dịch thuật này.
Thầy Phổ Huân Trị Sự chùa Pháp Bảo tại Sydney, mỗi tuần lên Đa Bảo một lần, mang cho chúng tôi những thức ăn từ tinh thần đến vật chất. Xin đa tạ Thầy và quý cô Giác Anh, Giác Duyên, Giác Trì cũng như Đạo hữu Chúc Liêm, Thiện Minh và quý Đạo Hữu khác của chùa Pháp Bảo có cái gì trân quý đều gởi lên Đa Bảo mỗi tuần như là một hãng thầu cung cấp vật liệu mà chẳng bao giờ tính tiền công gồm cả vốn lẫn lời, mà còn nở trên môi những nụ cười hoan hỷ nữa. Chỉ ngần ấy thôi là những tác phẩm và dịch phẩm của chúng tôi được lần lượt ra đời. Cho đến hôm nay (2005) sau 30 năm viết lách, tác phẩm này là tác phẩm thứ 46 trong nhiều thứ tiếng khác nhau. Hy vọng tôi còn khỏe và cơ sở Đa Bảo vẫn chưa sử dụng cho mục tiêu khác thì Thầy trò chúng tôi mỗi năm sẽ qua đây ba tháng để làm phiền quý vị và độc giả khắp bốn phương sẽ có những tác phẩm để đọc.
Xin niệm ân Hòa Thượng Viện Chủ Chùa Pháp Bảo. Xin cám ơn tất cả những ân tình của quý Thầy, quý cô và quý đạo hữu, Phật tử chùa Pháp Bảo tại Sydney đã dành cho chúng tôi những nghĩa cử thật quý giá.\
Kính nguyện mọi việc đều như ý
Núi Đồi Đa Bảo, Úc Đại Lợi
Ngày 18, tháng 11 năm 2005
Dịch giả Thích Như Điền
MỤC LỤC
Mục lục
Lời nói đầu
Chương thứ nhất
Phổ Hệ Thiền
I. Đức Thích Ca , Ngài Đại Ca Diếp và A Nan
II. Ngài Đạt Ma, Huệ Khả và Huệ Năng
Chương thứ hai
Tư tưởng Thiền
I. Giáo Ngoại Biệt Truyền
II. Bất Lập Văn Tự
III. Trực Chỉ Nhân tâm
IV. Kiến Tánh Thành Phật
Chương thứ ba
Thiền và Tọa Thiền
I. Thiền Lâm Tế
II. Tâm Thiền
III. Ngồi Thiền
Cách điều chỉnh hơi thở
Nghi thức Tọa Thiền
Ngồi Thiền xong
Khuyến tấn
Chương thứ tư
Lâm Tế Tông
I. Truyền thuyết về Tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền
II. Tư tưởng và Phương Pháp Thiền của Lâm Tế
a. Chân Nhân của “ nhất vô nhị”
b. Làm chủ tùy theo nơi
c. Con người vô sự
III. Tông chỉ và giáo nghĩa của Lâm Tế Tông
IV. Sự sinh hoạt của Thiền
V. Thiền LâmTế Nhật Bản
VI. Phổ hệ Thiền Lâm Tế sau thời Trung Hưng
VII. Sự lưu hành của Thiền Lâm Tế trong hiện tại
Chương thứ năm
Sự sinh hoạt của Đàn Na Tín Đồ
I. “ Tọa Thiền Hòa Tán”
II. Văn Phát Nguyện của Bồ Tát
III. Phương pháp ăn uống
IV. Niềm tin và Tín điều trong sinh hoạt
V. Những lễ lộc trong năm
VI. Cách bài trí ở Bàn thờ Phật
Lời cuối sách