NGÔN HẠNH CÁC ĐẠI TÔNG SƯ
QUÁCH NGƯNG CHI
Hội tập
Nguyên Chơn dịch
Nhà xuất bản Tổng hợp
Thành phố Hồ Chí Minh
LỜI NGƯỜI DỊCH
Đạo vốn không lời, nhưng dùng lời để tải đạo; tâm vốn không tướng, lại nhờ tướng để hiển tâm. Do đó, chỉ có thể ngay nơi lời mà ngộ đạo, không cho suy nghĩ tính lường; ngay nơi tướng để đạt tâm, không được kiếm tìm phân tích. Người xưa nói: “Tìm cầu liền mất, vừa suy nghĩ liền sai”, chính là ý này vậy! Từ cành hoa của Thế Tôn cho đến “Khuyếch nhiên vô thánh” của Sơ tổ, “Bồ-đề bản vô thọ”của ngài Huệ Năng, ba trận đòn của Hoàng Bá, cây gậy của Đức Sơn, tiếng hét của Lâm Tế, ngón tay của Câu Chi, việc giương cung của Thạch Củng…đã khiến cho người học khắp thiên hạ phải tán đởm kinh tâm. Thử hỏi tìm cầu cái gì trong đó. Hòa thượng Lâm Tế nói: “Các ông tìm cầu chất nước gì trong khúc xương khô kia?”
Đến hôm nay có bao nhiêu người ngay lời ngộ đạo, ngay tướng đạt tâm? Do hiếm người đạt ngộ, cho nên nhọclòng các Tổ sư phải thể hiện tâm lão bà, từ bi phun ra không biết bao nhiêu ngôn từ kì đặc. Việc này có thể giúp cho những bậc lợi căn đời sau khai ngộ, nhưng cũng làm cho những kẻ độn trí càng thêm mờ mịt. Càng mờ mịt về Đạo thì càng thích tìm cầu, suy nghĩ, giảng giải, phân tích, nói vẹt theo những ngôn từ kì đặc, phỏng suông theo những hành động dị thường của Tổ sư, mong kiếm được chút nước trong khúc xương khô , mong đóng được trong hư không một cây đinh, cây cọc !!!
Người dịch là một trong những kẻ còn lăn lóc trong chốn trần lao, còn mờ mịt trên con đường đạo, không dám dùng tâm phàm mà suy lường ý Thánh; dùng trí tục để diễn đạt lời chân. Nhưng vì muốn lời Tổ được quảng bá, hạnh Tổ được lưu truyền, cho nên không ngại với kiến thức “con ếch” và trí tuệ “đom đóm”mà tìm những ngôn từ của người xưa trong Đại tạng rồi chuyển ngữ, sắp xếp mà thành tập sách này.
Nội dung của tập sách gồm năm bộ Ngữ lục của các Đại tông sư: Lâm Tế Nghĩa Huyền, Qui Sơn Linh Hựu, Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, Động Sơn Lương Giới và Tào Sơn Bản Tịch. Người dịch không biết đặt tên là gì cho thích hợp, thôi thì tạm mượn từ NGÔN HẠNH CÁC ĐẠI TÔNG SƯ để gọi vậy!
Ôi! Phước mỏng nghiệp dày, trí thô hạnh thiển, nên dịch phẩm hẳn còn biết bao khiếm khuyết, kính xin đồng lữ rộng lượng chỉ bày!
Tháng Mạnh Đông năm Bính Tuất
11 – 2006
Nguyên Chơn kính ghi
MỤC LỤC
Lời người dịch
Ngôn hạnh của Thiền sư Lâm Tế Huệ Chiếu
Tựa
Khám biện
Hành lục
Ngôn hạnh của Thiền sư Qui Sơn Linh Hựu
Ngôn hạnh của Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch
Ngôn hạnh của Thiền sư Động Sơn Ngộ Bản
Bảo Cảnh Tam-muội ca
Huyền Trung Minh và lời tựa
Tân Phong ngâm
Cương yếu tụng
Tụng Công Huân Ngũ Vị
Tư răn
Khuyên răn
Thư từ biệt mẹ
Thư gửi mẹ
Thư trả lời của mẹ
Bổ sung ngôn hạnh của Động Sơn Ngộ Bản
Ngôn hạnh của Thiền sư Tào Sơn Bản Tịch
Tựa I
Tựa II
Tựa III
Lời tựa trùng biên Ngôn hạnh của Thiền sư Tào Sơn Nguyên Chứng
Quyển thượng
Quyển hạ
Giải thích Động Sơn Ngũ vị Hiển Quyết
Chú thích Động Sơn Ngũ Vị Tụng
Ba loại đọa
Bốn dị loại
Mục lục