Thuật ngữ Luật Tạng Pāli
Giác Nguyên biên dịch
LỜI SOẠN GIẢ
Học thuật chuyên môn nào cũng có riêng những thuật ngữ đặc dụng để gọi tên những ý nghĩa hay khái niêm đặc hữu vốn không thể hiểu theo ngữ nghĩa thông dụng trong các tự điển phổ thông. Chẳng hạn các chữ Kamma, Mutthi, Hattha, Danda… trong Luật Tạng Pāli.
Tập từ vựng này được đúc kết từ ít nhật bốn nguồn chính là Phụ lục Pāli – Hán của Luật Tạng trong Nam Truền Đại Tạng Kinh (Nhật Bản). Phụ lục từ vựng cuốn Buddhist Monastic Code của ngài Thānissaro (Hoa Kỳ), Mục Thuật Ngữ Luật Tạng của trang Vinaya trên Internet và Dictionary of Early Buddist Monastic Terms của Giáo sư C.S. Upasak (do Nhà xuất bản Nava Nalanda Mahavihara xuất bản năm 2001).
Vì tạm thời không ưng ý với một số thuật ngữ Luật Tạng vẫn được dùng rộng rãi trong các kinh sách Phật giáo Nam Tông VN xưa nay, nên lúc cần thiết chúng tôi chọn giải pháp dung hợp là dùng lại các dịch ngữ trong Nam Truyền Đại Tạng (đôi khi chỉ là chữ phiên âm). Chẵng han Ba La Di (Pārājika, một chữ dịch rất đắc cách là Hủ Bại) thay vì Bất Cộng Trụ, Ba Dật Đề (Pācittiya) thay vì Ứng Đối Trị, Bát Kỉnh Pháp (Garudhamma) thay vì Bát Trọng pháp…
Ở đây không có vấn đề tác quyền, nhưng để tránh những rắc rối không cần thiết, mong bất cứ ai dùng lại nguyên văn các định nghĩa từ tập Tự Vựng này cũng nên ghi rõ xuất xứ. Thâm tạ.
Onceland, 01/24/2006
Giác Nguyên