Thiền cho mọi người
TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
Sư Hộ Pháp
LỜI GIỚI THIỆU
Đọc tập sách hướng dẫn “Pháp Môn Niệm Phật” của sư Hộ Pháp tôi vô cùng hoan hỷ, vì đó là pháp môn mà tôi vẫn thường hành trong quá trình tu tập của mình.
Thật tình mà nói, lúc đầu thực hành pháp môn niệm Phật tôi hơi có mặc cảm. Lý do là mặc dù cố gắng hành thiền Vipassanà nhưng tôi chỉ hành được vào những lúc thích hợp chứ không thể hành liên tục trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Tôi nghĩ có lẽ tâm mình còn thiếu định lực nên thỉnh thoảng tôi dùng một đề mục thiền định để cố gắng định tâm, cũng có một vài kết quả khiêm tốn đáng mừng nhưng tôi vẫn chưa đi sâu vào thế giới tâm Đại Hành một cách kiên cố được. Vậy là tôi quay qua thử nghiệm pháp môn niệm Phật để có thể nhiếp tâm bất cứ lúc nào. Tuy nhiên tôi vẫn ít nhiều có cảm tưởng là pháp hành của mình ngày càng đi xuống!
Lúc đầu tôi niệm Phật trong tâm chứ không dùng tràng hạt vì nghĩ rằng việc gì mình phải lệ thuộc vào một xâu chuỗi. Về sau, mấy lần qua Miến Điện, Thái Lan tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều vị Cao Tăng, nhiều vị Thiền Sư nổi tiếng ở những trung tâm thiền Vipassanà tại các xứ Phật giáo hưng thịnh này vẫn thường sử dụng tràng hạt. Cảm động nhất là mỗi tối, mỗi sáng khi đến các ngôi bảo tháp như Shwedagon, Kyaikhtiyo… tôi đều thấy chư Tăng và Phật tử tụ họp đông đảo trong không khí tĩnh tại tu hành: người niệm kinh, người ngồi thiền, người lễ bái và có khá nhiều vị ngồi lần tràng hạt với nét mặt hết sức thành kính, trang nghiêm và thanh thoát. Thế là tôi về thử lần chuỗi xem sao thì thấy phương tiện này quả là thiện xảo, nó giúp chúng ta tiến đến “thân tâm nhất như” một cách dễ dàng, nhờ thân và tâm khéo điều hợp với nhau một cách nhịp nhàng, đồng điệu.
Điều kiện cơ bản của thiền Vipassanà là “thân tâm nhất như” nghĩa là chánh niệm tỉnh giác phải trọn vẹn trên thân - thọ - tâm - pháp, không hai, không khác tức là không thất niệm, phân tâm, dị tưởng. Để được điều kiện đó thì không gì bằng pháp môn niệm Phật. Khi tâm đã được định tĩnh trong sáng thì việc hành Vipassanà trở nên dễ dàng tự nhiên không cần khẩn trương cố gắng nữa. Nếu chúng ta cố gắng quá sức để hành Vipassanà với mong cầu đạt đến tuệ này tuệ khác thì coi chừng bị ảo tưởng của chính mình đánh lừa mà cứ tưởng là đã thấy được thực tánh của pháp. Tinh tấn chưa tới hoặc quá mức thì chánh niệm thường bị dị tưởng xen vào thay vì tỉnh giác. Nếu đó là tạp tưởng thì chẳng thể nào nắm bắt được đối tượng thực tánh, còn nếu đó là sắc tưởng thì dễ lầm ấn chứng của thiền định là tuệ này tuệ kia, biến thiền tuệ thành sở đắc rồi sinh ra ngã mạn, tà kiến, tai hại không sao lường được, vì chưa tới mà tưởng đã hành xong.
Cũng có một loại tưởng khác khá nguy hiểm phát xuất từ kiến thức trước về pháp hành Vipassanà. Đem tưởng tri có trước này để đi tìm thực tánh thì chỉ thấy bản sao kiến thức của mình chứ không thể nào phát sinh trí tuệ Vipassanà như chân như thật được.
Sở dĩ hành giả bị đánh lừa như vậy là vì chưa đủ cơ bản tâm để vào được thiền Vipassanà, lúc bấy giờ pháp môn niệm Phật sẽ giúp hành giả chuẩn bị đầy đủ hành trang đi vào thực tánh.
Nhờ pháp môn niệm Phật tôi mới có đủ trầm tĩnh để biết mình đã sai lầm khi nghĩ rằng phải hành Vipassanà liên tục mới là hành rốt ráo. Đồng thời tôi không còn mặc cảm khi biết rằng các vị Thiền Sư danh tiếng vẫn tùy nghi tùy lúc sử dụng pháp môn niệm Phật, niệm tâm từ, niệm sự chết, niệm bất tịnh… xen kẽ vào pháp hành Vipassanà như tôi đã tự mình tùy cơ ứng biến.
Chúng ta có thể dự một hay hai khóa thiền ở một trung tâm thiền định hoặc thiền Vipassanà trong một thời gian nhất định nào đó, nhưng không thể cứ áp dụng bài bản như vậy trong suốt cả đời mình. Mục đích thiền Vipassanà là để thấy tánh (thực tánh pháp) bằng trí tuệ, nhưng trong đời sống hàng ngày chúng ta còn phải đối đầu với biết bao nhiêu khê của thế giới tục đế (sammutisacca) do đó ngoài Vipassanà Đức Phật còn dạy rất nhiều pháp môn khác để chúng ta có thể tùy cơ ứng xử.
Điều quan trọng là phải biết mình - biết căn cơ trình độ của mình - để thể hiện một pháp môn đúng chỗ đúng thời. Còn thấy tánh là để chúng ta không bị rơi vào các tướng chế định của thế gian hay ứng hiện từ tưởng tri nội tại, nhờ đó chúng ta thoát khỏi cái lưới thủ, hoặc triền… của vô minh, tà kiến.
Tóm lại, phương tiện nào vừa hợp với chánh pháp vừa hợp với trình độ của chúng sinh, có thể trợ duyên hay đưa đến mục đích giác ngộ giải thoát đều là phương tiện thiện xảo, lợi lạc quần sinh.
Sư Hộ Pháp đã từng du học Thái Lan, Miến Điện gần 29 năm, đã học được những điều hay lẽ đẹp từ các nước thủ phủ của Phật Giáo Nam Tông này đem về đóng góp vào việc xây dựng Phật Giáo Nam Tông Việt Nam, vốn còn non trẻ trên đất nước chúng ta.
Pháp môn niệm Phật là một trong những đóng góp thiết thực mà tôi mong rằng sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho chư Tăng, Phật tử trên đường tu học và hoằng dương chánh pháp.
Tổ Đình Bửu Long, mùa an cư 2545
Tỳ Kheo Viên Minh
(Trụ trì Tổ Đỉnh Bửu Long)
MỤC LỤC
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU
LỜI NÓI ĐẦU
PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
Ý NGHĨA ÂN ĐỨC PHẬT
ÂN ĐƯC PHẬT THỨ NHẤT
ÂN ĐƯC PHẬT THỨ HAI
ÂN ĐƯC PHẬT THỨ BA
ÂN ĐƯC PHẬT THỨ TƯ
ÂN ĐƯC PHẬT THỨ NĂM
ÂN ĐƯC PHẬT THỨ SÁU
ÂN ĐƯC PHẬT THỨ BẢY
ÂN ĐƯC PHẬT THỨ TÁM
ÂN ĐƯC PHẬT THỨ CHÍN
QUẢ BÁU CỦA ĐỀ MỤC NIỆM ÂN ĐỨC PHẬT
ĐOẠN KẾT
LỜI NGỎ