ĐẠI BÍ CHÚ GIẢNG GIẢI
Pháp sư THÁNH ẤN
Từ Thuận - Kỳ Sơn - Chính Kiệt dịch
NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO HÀ NỘI
LỜI TỰA CỦA TÁC GIẢ
Mật giáo cũng được gọi là Chân Ngôn Tông và với Phật Giáo cũng có chung một quan niệm triết học cũng như tôn giáo về Hồn Nhiên Thể. Vì lẽ đó, chúng ta không có cách nào để phân định giới hạn, cứu cánh của Phật Giáo và Mật Giáo. Tuy nhiên, theo quan niệm và tính hiếu kỳ của một số cá nhân, Mật Giáo có sắc thái đặc biệt nồng hậu, nhất là về mật chú bản thân.
Thông thường, Mật Giáo được chia thành hai phái: Mật Giáo tạp bộ và Mật Giáo thuần bộ. Tôn chỉ của Mật Giáo tạp bộ được thể hiện rõ ràng trong kinh điển của Hiển Giáo bao gồm những Ngôn Thuyết của Đức Phật Tổ, Ứng Thân Phật, và Thích Già. Còn tôn chỉ của Mật Giáo thuần bộ cũng được thể hiện trong kinh điển của Hiển Giáo bao gồm những ngôn thuyết của Đức Phật Tổ, Pháp Thân Phật và Đức Đại Nhật Như Lai. Vậy giữa hai giáo phái có sự sai biệt khá rõ rệt: Một phái theo tôn chỉ nhương tai và đắc lạc (trấn áp tai ương và tìm nguồn vui). Còn phái kia nhằm mục đích chuyển mê khai ngộ (chuyển sự mê muội sang đường giác ngộ). Dĩ nhiên, giữa hai giáo phái có nhiều điểm dị đồng. Nhưng tất cả những dị đồng đó đều có thể lý giải theo hai phương diện kể trên. Đó là điều mà chúng ta cần phải thấu triệt trước. Có vậy, sau mới hiểu được ý nghĩa thâm sâu của Mật Giáo. Còn nói đến sự huyền bí, dĩ nhiên là hết sức siêu việt khó mà diễn tả hết được. Thật vậy, sự huyền bí đó chẳng ở đâu xa, mà nằm ngay trong chính bản thân, tuyệt đối không mảy may xa cách chúng ta. Điều mà Mật Giáo gọi là bí mật gồm có hai loại: Bí mật của chúng sinh và bí mật của Như Lai (cũng có thuyết chia làm bốn loại), nhưng căn bản, bí mật vẫn thiên về chúng sinh. Cổ nhân có câu: "Muốn cỡi chuông thời phải tìm người buộc chuông". Điều đó thật là chi lý.
Mật Chú được giải thích trong cuốn sách này tuy chỉ có một thiên "Đại bi chú" nhưng công dụng rất lớn, bao gồm hết thảy các đại tiểu mật chú đang được tất cả mọi người thành tâm tụng niệm. Tôi hy vọng các đồng đạo tụng niệm bản kinh này thấu triệt được những điều nói trong kinh. Lòng từ bi, lòng bình đẳng, lòng vô vi, lòng vô nhiễm, lòng không quan, lòng cung kính, lòng ty hạ (khiêm tốn với kẻ dưới), lòng vô tạp loạn, lòng vô kiến thủ (không thành kiến, cố chấp), lòng vô thượng Bồ đề.
Theo tinh thần đó, ta có thể tu trì để cứu đời, độ người và độ mình.
Cuối cùng, tôi hy vọng được chư vị đạo đức thập phương không tiếc công chỉ giáo, tôi thật vô cùng cảm kích.
TRUNG HOA QUỐC GIA NĂM THỨ 48,
tháng 8, viết lời từ tại thư viện Phật Giáo Đài Trung.
Pháp sư Thánh Ấn
MỤC LỤC
· Lời tựa của tác giả
· Lời nói đầu của dịch giả
· Chú Đại Bi
· Giảng giải Chú Đại Bi
· Thiên Thủ Thiên Nhãn Pháp Bảo Châu Ngôn Đồ
· Phần Phụ ký