48 LỜI NGUYỆN CỦA PHẬT A DI ĐÀ
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG
LỜI NÓI ĐẦU
Bài thơ Khuyên Tu của HT. Vạn Đức viết:
Tuổi ngoài bảy chục gẫm nhơn sinh
Nhơn sinh vô nghĩa mãi trôi quanh
Ăn uống, uống ăn, lo đại tiểu.
Việc làm, làm việc, nhọc bại thành
Sống đeo danh lợi phiền đắc thất
Chết để thịt xương ngán hôi tanh
Ân cần nhắn gửi chư thân hữu!
Đạp phá cửa trần gấp chuyển nhanh.
Chúng sanh luân hồi trong sáu nẻo, chìm đắm nơi ba đường, nỗi khổ không nói hết được! May mắn được làm thân người. Thế nhưng suy xét kỹ, lúc sanh tiền chỉ mê lầm, rộng tạo nghiệp ác, ham danh ham lợi, vì mình hại người, rốt cuộc thân này cũng tan hoại, muôn thứ đem chẳng được, chỉ có nghiệp theo mình.
Vì vậy, Đức Phật từ bi thương xót chúng sanh, mở bày pháp môn Tịnh độ, chỉ rõ hai cõi khổ vui, để thức tỉnh muôn loài đang chìm đắm. Ví như ao sen báu trước mặt, non đao sau lưng, khi ấy tự nhiên sanh khởi nguyện thù thắng, nhàm chán Ta Bà, cầu sanh Cực Lạc; đã sanh lòng Tín-Nguyện, ắt chuyên nhất trì danh, liền được độ thoát. Sanh về cõi kia, gặp Phật nghe pháp, được đạo giác ngộ tột cùng. Dùng hữu niệm vào vô niệm, do vãng sanh khế hợp vô sanh. Đốn ngộ tâm này vốn sẵn bình đẳng.
Đại sư Nguyên Hiểu, đời Đường nói: "Bốn mươi tám nguyện trước vì phàm phu, sau kiêm vì Thánh nhân thuộc Tam thừa". Như thế, đủ thấy sự mầu nhiệm của Tông Tịnh độ, trước tiên nhằm làm cho hàng phàm phu được độ thoát.
Đại sư Ấn Quang từng nhận định: "Phàm phu được về Cực Lạc, đều do lòng Tín- nguyện cảm Phật, nên nương nhờ từ lực, mang nghiệp vãng sanh, vượt ngang sáu nẻo, chóng thành Phật quả.
Cao cả thay! Pháp môn niệm Phật, độ khắp ba căn, gồm thâu lợi độn. Nếu chẳng có pháp môn vi diệu như thế, hàng phàm phu khó thể thoát khỏi biển nghiệp sinh tử, vượt lên bến bờ giác ngộ.
Bốn mươi tám nguyện là duyên khởi của Tịnh tông, là tinh hoa của toàn bộ giáo lý Tịnh độ, là chiếc thuyền từ bi rộng lớn cứu vớt chúng sanh. Thật chẳng thể nghĩ bàn!
Vì nhận thấy lợi ích rộng lớn trên, nên chúng tôi biên tập bài giảng 48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà do Pháp sư Tịnh Không giảng giải làm sách
Chùa Huệ Viễn
02/4/2010
Kính ghi
Thích Pháp Đăng