Nhân duyên học
Thích Thái Hòa
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA - VĂN NGHỆ
NGỎ
Duyên khởi là giáo lý xuyên suốt từ Phật giáo nguyên thủy đến các Bộ phái và Đại thừa. Xuyên suốt đến nỗi, nếu ta không thâm nhập được giáo lý Duyên khởi là ta chưa có đủ nhân duyên để bước vào cửa ngõ của Đạo Phật dưới bất cứ hình thức nào.
Duyên khởi là giáo lý sâu thẳm, vi diệu, do tự thân Đức Phật chứng ngộ và giảng dạy xuyên suốt trong các thời pháp thoại, từ khi Ngài chuyển vận Pháp luân tại vườn Nai, cho đến khi Ngài nhập Niết-bàn tại rừng Ta-la Song thọ, dưới nhiều hình thức sâu cạn, rộng hẹp, cô đọng hay quảng bác khác nhau.
Nhân không đủ duyên, nhân không thể sinh khởi quả. Đủ duyên, thiếu nhân, quả không thể sinh thành. Quan hệ giữa nhân quả là do duyên tác động. Nếu không có duyên tác động, nhân không thể tựu thành và quả không thể sinh khởi.
Nhân quả sinh khởi do duyên tác động, nên nó sinh mà không phải là thường, nó diệt mà không phải là mất, nó sinh mà không có tác giả sinh, nó diệt mà không có chủ thể diệt, nó hiện hữu mà không phải hằng hữu, tự tính vốn không mà không phải là ngoan không như lông rùa sừng thỏ.
Chỉ chứng ấy thôi, cũng đủ để hiểu tại sao, Tôn giả Xá-lợi-phất đã là một Triết gia và một Luận sư nổi tiếng của Bà-la-môn giáo thời bấy giờ, khi gặp Assaji (A-xả-bệ-thệ), một vị Tỷ-kheo trẻ tuổi đang khất thực tại thành Vương-xá và hỏi: "Ngươi xuất gia tu học với ai? Ai là Thầy của ngươi? Vị đó đã dạy cho ngươi điều gì?". Tôn giả Assaji đã cung kính trả lời: "Tôi xuất gia với bậc Đại Sa-môn Gotama là Thầy của tôi. Thầy tôi dạy cho tôi về pháp duyên khởi. Nghĩa là các pháp sinh khởi cũng từ nhân duyên mà hủy diệt cũng từ nhân duyên", khiến cho vị Luận sư nổi tiếng ấy, tự động từ giã truyền thống tư duy triết học và tâm linh của mình, để tìm đến đức Phật học đạo và đã trở thành bậc trí tuệ số một, trong hàng đệ tử Thanh văn của Ngài.
Giáo lý Nhân duyên hay Duyên khởi là sâu thẳm, vi diệu như vậy, nên những gì có được trong tập sách này không phải là tôi, không phải là của tôi mà là của Duyên khởi.
Chùa Phước Duyên - Huế, cuối Thu Quý Tỵ (2013)
Tỳ kheo - Thích Thái Hòa
MỤC LỤC
Ngỏ
Chương một: Từ ý nghĩa đến thực nghiệm
Chương hai: Các loại Nhân
Nhân hai loại
Nhân ba loại
Nhân bốn loại
Nhân năm loại
Nhân sáu loại
Nhân mười loại
Chương ba: Các loại duyên
Duyên có bốn loại
Hai mươi bốn duyên
Mười hai duyên khởi
Chương bốn: Phương pháp quán chiếu Duyên khởi
Quán chiếu lưu chuyển
Quán chiếu hoàn diệt
Hiệu quả của nhân duyên quán
Chương năm: Các loại quả
Đẳng lưu quả
Di thục quả
Sĩ dụng quả
Tăng thượng quả
Ly hệ quả
Tài liệu tham khảo