BẾN BỜ TUỆ GIÁC
(KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT)
TẬP I
Sa môn GIÁC TOÀN giảng
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
LỜI NÓI ĐẦU
Bộ sách Kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật này gồm ba tập, cộng chung gần hai ngàn trang, được chép lại từ các băng đĩa ghi âm các buổi thuyết giảng của tôi trong hơn mười hai năm (1992 - 2004) tại giảng đường Chánh Trí Mai Thọ Truyền - chùa Xá Lợi, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây, tôi không nghĩ rằng toàn bộ nội dung các buổi giảng trong thời gian khá dài nói trên lại được in thành sách. Do yêu cầu của khá đông các Phật tử đã tham dự các buổi giảng và do các thiện duyên tụ hội, bộ sách đã được chuẩn bị xong và chờ được thực hiện các thủ tục in ấn, xuất bản.
Giới học Phật hẳn ai cũng biết rằng Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật là một bộ kinh lớn, bao gồm đầy đủ giáo lý của Đức Phật và được trình bày chủ yếu bằng việc triển khai trí tuệ, cái trí tuệ tối thắng, là Phật trí, là trí siêu việt vượt lên tất cả, đến bờ bên kia, Niết-bàn. Sự siêu việt của trí tuệ này gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Bát-nhã ba-la-mật hay Trí tuệ ba-la-mật là một trong sáu ba-la-mật cũng là Một; một ba-la-mật đều gồm các ba-la-mật kia. Do đó, người tu một ba-la-mật đều phải đi qua các ba-la-mật còn lại. Có điều, lúc phát nguyện, lúc khởi tu thì người tu phải khởi tu ba-la-mật nào phù hợp với căn cơ trình độ của mình; từ đó mà tiến lên và trong quá trình hành trì người tu thông qua các ba-la-mật kia.
Tôi để ý thấy trong số từ bảy tám trăm đến gần ngàn người có mặt nghe kinh trong các buổi giảng của tôi chỉ có số ít vị có khả năng phân tích suy luận, còn đại đa số là những vị trung niên đến cao niên, tin kính Tam bảo, thích làm các thiện sự như đi chùa, niệm Phật, nghe kinh, tham gia các hoạt động từ thiện. Do đó, tôi nhấn mạnh, triển khai các bài giảng theo các cơ duyên ấy mà không thiên nhiều về lý luận, về biện chứng siêu việt của kinh. Nói đúng ra, có thể xem bộ sách này và mục đích chủ yếu của tôi khi giảng kinh là chư vị thính giả cùng tôi đọc và nghe kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật. Đọc-nghe trọn vẹn bộ kinh là chính. Lời kinh sẽ dần dần thấm sâu vào tâm trí người đọc, đồng thời là người nghe kinh. Lời giảng của tôi thiên trọng về sự khuyến tu, sự nâng cao đạo đức trong cuộc sống, tập nương dần vào việc thực hiện tu Ba-la-mật. Những thí dụ minh họa tôi đều lấy từ cuộc sống hàng ngày, trong đời sống gia đình, trong học tập, trong việc giao tiếp với người chung quanh...
Bộ sách này được hình thành nhờ nhiều thiện duyên. Trước hết, tôi thành kính tri ân Tam bảo, Chư Bồ-tát, Thiên long hộ pháp đã gia hộ cho tôi đôi phần trí tuệ để nhận biết kinh ở mức độ khả dĩ, sức khỏe, sự kiên trì để có thể đến giảng kinh đều đặn những tuần định kỳ trong suốt mười hai năm ấy; mặc dù trước đó tôi cũng đã liên tục giảng kinh Đại Bát Niết-bàn trong suốt mười năm (1982 - 1992). Tôi vô cùng thâm tạ ân đức Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh về việc Ngài đã cẩn thận dịch bộ kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật; nhờ đó tôi có thể thuyết giảng bộ kinh này. Tôi xin ghi nhận ơn đức của quý vị, chư vị Tôn túc, Tăng Ni, Thiện tri thức, Phật tử đã khích lệ, giúp đỡ tôi thực hiện Phật sự thọ học, thuyết giảng và ấn tống pháp bảo cao quý đầy ý nghĩa này. Sau cùng, tôi không quên công đức của quý Phật tử phụ trách âm thanh và thu băng; đặc biệt ca sĩ Tú Anh và các Phật tử thân hữu đã bỏ ra rất nhiều thời giờ, công sức để nghe lại và ghi chép toàn bộ các băng đĩa ghi âm lời giảng kinh này của tôi.
Xin hồi hướng công đức đến Tam bảo, đến chư vị đã nêu trên cùng chư vị Tăng Ni, Phật tử phát tâm ủng hộ, cúng dường tịnh tài in ấn bộ sách này và đến hết thảy chúng sinh.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
TP. HCM, Vào Xuân - Giáp Ngọ 2014, PL.2557
Sa môn THÍCH GIÁC TOÀN
MỤC LỤC
TẬP I
LỜI NÓI ĐẦU
VÀO KINH
QUYỂN THỨ NHẤT
1. Phẩm Tự
2. Phẩm Phụng bát
3. Phẩm Tu tập đúng
QUYỂN THỨ HAI
4. Phẩm Vãng sanh
5. Phẩm Tán thán ba la mật
6. Phẩm Tướng lưỡi
7. Phẩm Tam giả
QUYỂN THỨ BA
8. Phẩm Khuyến học
9. Phẩm Tập tán
10. Phẩm Hành tướng
QUYỂN THỨ TƯ
11. Phẩm Ảo học
12. Phẩm Cú nghĩa
13. Phẩm Kim cang
14. Phẩm Đoạn chư kiến
15. Phẩm Phú lâu na
16. Phẩm Thừa đại thừa
QUYỂN THỨ NĂM
17. Phẩm Trang nghiêm
18. Phẩm Vấn thừa
QUYỂN THỨ SÁU
19. Phẩm Quảng thừa
20. Phẩm Phát thú
21. Phẩm Xuất đáo
QUYỂN THỨ BẢY
22. Phẩm Thắng xuất
23. Phẩm Đẳng không
24. Phẩm Hội tông
25. Phẩm Thập vô