KINH ĐẠO HÀNH BÁT NHÃ
Hán dịch: Đời Hậu Hán, nước Nhục Chi,
Tam tạng pháp sư Chi-lâu-ca-sấm
Việt dịch: Định Huệ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT HÁN NÔM HUỆ QUANG
Chủ nhiệm
Hòa thượng: THÍCH MINH CẢNH
Người dịch: ĐỊNH HUỆ
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC
BÀI TỰA KINH ĐẠO HÀNH BÁT NHÃ
Thích Đạo An soạn
Vĩ đại thay trí độ! Muôn Thánh nhờ trí độ mà thông đạt các pháp, và đều do tôn trọng trí độ mà được thành Phật. Trí độ như mặt trời chiếu soi khắp mặt đất không có pháp nào không đến. Nó không dựa vào một vật nào, nó không trụ ở bất cứ chỗ nào, tất cả danh tướng đều làm phiền lụy nó, bên ngoài đã hữu danh thì cũng làm hại đến vô hình, quên cả hai (hữu danh và vô hình) thì huyền diệu, vô tri, vô ngã. Đây là kỷ cương của trí vậy.
Luận về tuổi thọ vĩnh hằng thì không gì mỹ mãn hơn trời cao nhưng sánh với bát-nhã thì như bọn trẻ thơ chết yểu. Dáng vẻ kỳ vĩ không gì mỹ mãn hơn thái hư nhưng so với bát-nhã thì như giọt nước tù đọng. Chí đức không gì lớn hơn bậc chí nhân vậy, nhìn bằng con mắt bát-nhã thì khác gì gỗ mục. Cao diệu không gì lớn hơn đấng Đại Hùng, vậy mà bát-nhã dụ như huyễn mộng. Do đây mà luận thì rõ ràng là trí độ được các vị Thánh tôn trọng. Vì sao? Vì chấp vào đạo nên kẹt nơi hữu thì thấp cao có khác. Đây là lĩnh vực của hữu vi, chẳng phải chứng chân như, dạo pháp tánh, âm thầm khế hợp với vô danh. Chứng chân như, dạo pháp tánh, âm thầm khế hợp với vô danh là chỗ uyên áo của trí độ, còn danh giáo mang tư tưởng cao xa là phương tiện của trí độ.
Nhưng ở tại người chứng thì không ao chẳng nhờ khế nhập vô sinh mà hốt nhiên đại ngộ, còn chấp danh xưng ngôn giáo thì không ai chẳng phẩn nộ sự tối tăm ấy mà quở trách. Đạo động ắt phản, nên có sự hơn kém khác nhau. Đại ngộ hay bị quở trách, cả hai thứ này biểu hiện đều không nên.
Tóm lại, tu bát-nhã cần phải đi đôi với tinh tấn độ, tiêu dao tự tại. Ngàn hạnh, muôn định không thứ nào chằng nhờ trí độ mà thành. Các hạnh tuy được tên gọi chung nhưng đều nhờ trí độ và tinh tấn độ mà có được tên gọi hoàn mỹ. Các pháp làm thành lẫn nhau, tìm nó thì thấy nó được liệt bày ở đây.
Đạo An tôi chẳng lượng sức mình là kẻ hậu học kém cỏi chỉ mong tâm này vừa đọc tụng vừa nghiền ngẫm dường như không gián đoạn. Kiểm lại các bản dịch trước sau của kinh này, thấy vẫn còn có mất mát, thiếu sót, nên tôi vẫn thâu góp không ngừng. Giả sử không có kinh Phóng quang thì làm sao hiểu được kinh này
Tôi hằng biết ơn các bậc hiền triết đã cống hiến cho tôi rất nhiều. Hôm nay, tôi tập hợp kiến giải để hiểu ý nghĩa trong câu kinh, các tình huống đầu thì được đặt ở đầu, những điều ẩn kín chung cục thì để ở cuối. Tôi nêu ra ý kiến khác về kinh này là để cân nhắc đắc thất, đưa ra bản gốc để làm chứng cho bản sao chép chứ đâu dám thêm bớt. Mong quý vị cùng sở thích với tôi hãy tha thứ những chỗ thiếu sót, lầm lẫn.
MỤC LỤC
Quyển 1
Phẩm 1: Đạo hành
Phẩm 2: Nạn vấn
Quyển 2
Phẩm 3: Công đức
Quyển 3
Phẩm 4: Phương tiện thiện xảo khuyến trợ
Phẩm 5: Địa ngục
Phẩm 6: Thanh tịnh
Quyển 4
Phẩm 7: Tán thán
Phẩm 8: Trì
Phẩm 9: Giác ma
Quyển 5
Phẩm 10: Chiếu minh
Phẩm 11: Bất khả kế
Phẩm 12: Thí dụ
Phẩm 13: Phân biệt
Phẩm 14: Bản vô
Quyển 6
Phẩm 15: Bất thoái chuyển
Phẩm 16: Ưu-bà-di-đát-kiệt
Quyển 7
Phẩm 17: Thủ không
Phẩm 18: Viễn li
Phẩm 19: Thiện tri thức
Quyển 8
Phẩm 20: Thích-đề-hoàn-nhân
Phẩm 21: Cống cao
Phẩm 22: Học
Phẩm 23: Thủ hạnh
Phẩm 24: Cường nhược
Quyển 9
Phẩm 25: Lụy giáo
Phẩm 26: Bất khả tận
Phẩm 27: Tùy
Phẩm 28: Bồ-tát Tát-đà-ba-luân
Quyển 10
Phẩm 29: Bồ-tát Đàm-mô-kiệt
Phẩm 30: Chúc lụy