Lời Nói Đầu
Đại lễ kỷ niệm 1 .000 năm Thăng Long - Hà Nội là sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng đối với hơn 86 triệu người dân Việt. Đã có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, quy mô ở Thủ đô cũng như trong cả nước được tổ chức để chào mừng Đại lễ. Hội thảo khoa học với chủ đề "Văn học, Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long" do chúng tôi - Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM và Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM - phối hợp tổ chức là một trong những hoạt động này.
Ngày 28 tháng 8 năm 2010 sắp tới, hơn 350 trí thức học giả sẽ gặp gỡ nhau. Một số tham luận sẽ được trình bày, nhiều ý kiến sẽ được trao đổi. Mọi việc sẽ diễn ra trong gọn một ngày, nhưng đã được chuẩn bị trong hơn một năm. Đồng cảm với ý nghĩa cao quý của cuộc hội thảo, đông đảo quí vị trí thức trong cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài đã nhiệt tình gửi về cho Ban Tổ chức hơn một trăm bài viết. Có thể khẳng định, đó là những trang viết đầy trách nhiệm, rất tâm huyết; trong đó không ít bài thực sự có giá trị học thuật cao. Tiểu ban nội dung chúng tôi đã đọc với tinh thần trân trọng từng bài viết và tuyển chọn, dưa vào công trình tập thể này là gần 80 bài.
Như định hướng ban đầu của cuộc Hội thảo khoa học, cuốn sách được chia ra làm hai phần: Phật giáo với 1000 năm Thăng Long và Văn học với 1 000 năm Thăng Long . Việc phân định này thực ra chỉ có ý nghĩa tương đối. Bởi lẽ, trong phần thứ nhất (Phật giáo với 1000 năm Thăng Long), các tác giả - nhiều vị là các bậc chân tu, nhưng cũng có một số vị không trong Giáo hội - trong quá trình tìm hiểu, giới thiệu vẻ đẹp và chiều sâu của tư tưởng Phật giáo, mỹ học Phật giáo trong suốt một thiên kỉ định đô lập quốc của dân tộc ta cũng đã ít nhiều để cập đến tinh hoa, bản sắc văn học Việt Nam, nhất là trong hai triều đại Lý Trần. Ngược lại, ở phần thứ hai (Văn học với 1000 năm Thăng Long), để làm rõ vẻ lung linh ngời chói của nền văn học cổ điển Việt Nam, các tác giả đương nhiên phải tìm đến, chỉ ra một trong những nguồn cội tư tưởng cơ bản: tinh thần “nhập thế độ sanh” của các vị thiền sư Việt Nam - những người gắn bó với Dân tộc và Dạo pháp từ ngàn năm trước.
Để quý độc giả tiện theo dõi, trong mỗi phần chúng tôi sắp xếp các bài nghiên cứu theo một chuẩn nhất quán: thời gian.
Vì vậy, 36 bài của phần thứ nhất được chia thành 3 chùm: Phật giáo đời Lý, Phật giáo đời Lý - Trần và Phật giáo sau đời Trần. Phần thứ hai cũng thế. 38 bài viết về "Văn học với 1000 năm Thăng Long" được phân làm 3 cụm: Văn học Lý Trần, Văn học cổ điển sau đời Trần và Văn học hiện đại.
Công trình tập thể của gần 80 bậc trí giả trong và ngoài Giáo hội; sự miệt mài không tiếc thời gian, sức lực của Ban Tổ chức Hội thảo khoa học, nhất là của 3 vị Đại đức Tiến sĩ Thích Nhật Từ, PGS.TS. Đoàn Lê Giang và TS. Nguyễn Thành Thi, tất cả chung đúc lại trong gần 900 trang sách mà quí vị đang có trong tay. Xin coi đây là một phẩm vật trí tuệ dâng lên Đại lễ. Cũng xin coi đây là món quà tinh thần mà hai tổ chức - Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM và Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM trân trọng gởi đến quí vị, quí bạn.
Xin hoan hỷ chờ đón những tín hiệu phản hồi chân tình và tích cực từ quí vị, quí bạn sau khi dự Hội thảo khoa học cũng như sau khi đọc công trình này.
PGS.TS. Trần Hữu Tá
Phó chủ tịch - Tổng thư ký
Hội Nghiên cứu & Giảng dạy văn học TPHCM
Đồng Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo