NGHIÊN CỨU PHẬT GIÁO TÂY VỰC
TUỆ KHAI dịch
NXB PHƯƠNG ĐÔNG
PHI LỘ
Là Tứ Chúng Phật tử trong tổ chức Phật Giáo Việt Nam, không ai là người không muốn thấy Phật giáo Việt Nam có Tam Tạng Thánh giáo hoàn chỉnh bằng tiếng mẹ đẻ.
Từ nhiều năm về trước, theo sử liệu của Phật giáo VN ghi rõ Thầy Tổ của chúng ta đã từng dịch Hán văn thành chữ Nôm, những bộ kinh quan trọng để phổ biến như: Kinh Địa tạng, kinh Pháp Hoa, kinh Pháp bảo dàn v.v…
Một trăm năm gần đây, các ngài tiếp tục dịch từ Hoa văn ra Việt văn một số kinh luật, luận đáng kể. Trong số đó quý ngài dịch nhiều nhất là: Hòa thượng Trí Tịnh, HT Thiện Siêu, HT. Trí Quang, HT. Trí Nghiêm v.v.. Đặc biệt là HT. Minh Châu, dịch xong Ngũ Bộ Kinh của hệ phái Nguyên thủy, từ Pali thành tiếng Việt. Nhưng tất cả quý Ngài đều dịch với tính cách tự phát, chứ chưa hệ thống thành Tam tạng Thánh giáo cho Phật giáo Việt Nam.
Chúng tôi nghe HT. Trí Quang kể lại là năm 1951, chư Tôn đức tại Huế có ý định mùa an cư năm đó, quý ngài vân tập về an cư tại chùa Thiên Mụ để tập hợp tất cả kinh, luật, luận tiếng Việt, lập thành tủ sách Tam Tạng Phật giáo Việt Nam, nhưng rồi không thực hiện được.
Năm 1973, thừa lệnh Viện Tăng Thống, Viện Hóa Đạo Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã tổ chức một phiên hợp tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, để thành lập một hội đồng phiên dịch Đại Tạng Kinh VN, nhưng vì thời cuộc nên cũng chưa thực hiện được.
Năm 1991, GHPGVN hiện nay quyết định thành lập Hội đồng chỉ đạo phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam. Đến nay (2002), thời gian 11 năm, Hội đồng mới tập hợp hầu hết những bản đã dịch như:
- Ngũ bộ kinh của HT. Thích Minh Châu
- Trường A Hàm của Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm
- Trung A Hàm của Viện Cao đằng Phật học Hải Đức v.v.. hiệu đính in thành 33 đầu sách theo mẫu mã của Đại tạng kinh VN. Còn kinh, luật, luận của hệ phát triền (Đại thừa) thì chưa in được tập nào! Trong khi đó, theo mẫu mã hiện nay của Đại Tạng Kinh Việt Nam, thì Đại Tạng kinh và Tục tạng của Trung Quốc có thể in thành cả ngàn tập, mà mới in được 33 tập.
Theo sử liệu phiên dịch của Trung Hoa, thì Tăng, Ni, Phật tử Trung Quốc đã đầu tư chuyển ngữ từ Phạn văn thành Hán văn – thời gian trên 800 năm mới hoàn thành hệ thống Tam Tạng Thánh Giáo của họ ngày nay.
Để góp phần mình trong vấn đề hoàn thành Tam Tạng Thánh điển Việt Nam, đồng thời làm phong phú thêm cho ngôi nhà văn học và văn hóa của dân tộc ta, chúng tôi, nhóm Tăng, Ni, Phật tử tại Nha Trang (Khánh Hòa) tự nguyện đứng ra thành lập Ban phiên dịch “Pháp tạng Phật giáo Việt Nam” để chuyển ngữ từ Hán văn thành Việt văn, giới hạn các loại sau đây:
1. Lược thuật duyên khởi của Luật Tạng và Pháp Cú Thí Dụ
2. Bộ “Thái Hư Toàn Thư”
3. Bộ “Ấn Thuận Toàn Thư”
Ngoài ra chúng tôi còn dịch những bài giảng của HT. Tinh Vân và một số sách giáo lý Phật giáo bằng tiếng Anh.
Chúng tôi in mẫu tự A làm phù hiệu cho Pháp tạng Phật giáo Việt Nam này.
Chúng tôi cho in mẫu tự A vào bìa trước mỗi tập sách, gọi tắt là “Tạng chữ A”.
Theo trình tự trong phiên dịch của Phật giáo Trung Quốc, thì mỗi dịch phẩm – từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành gốm có 9 công đoạn. Với Phật giáo Việt Nam hiện nay, không làm gì có dủ. Do đó, việc làm của chúng tôi được xem như tạo một “căn bản”, rồi hậu thế sẽ hoàn chỉnh.
Chúng tôi trân trọng ghi vào đây một Tăng thượng duyên thù thắng, khiến cho Phật sự tương đối trọng đại này đã được thành hình một cách mau chóng, chỉ trong vòng 6 tháng, kề từ khi chúng tôi phát khởi ý niệm…Tăng thượng duyên đó là: quý Pháp hữu chúng tôi hiện có mặt tại Hoa Kỳ, nguyên là cựu Học tăng của Phật học viện Việt Nam và đồng bào Phật tử ở ngoài nước hưởng ứng theo thư gợi ý của chúng tôi, liền đứng ra thành lập Ban Bảo trợ cho Phật sự phiên dịch này. Chúng tôi nghĩ rằng: đây là “Pháp cúng dường” với tất cả lòng thành đúng chánh pháp của người con Phật chúng ta. Mong quý vị chứng tri!
Cầu Tam bảo gia hộ cho chúng ta thành tựu viên mãn Phật sự này!
Mùa Phật Đản năm 2546-2002
THÍCH ĐỖNG MINH
Cẩn bạch
MỤC LỤC
· PHI LỘ
· GIẢI THÍCH CHỮ A
· LỜI NÓI ĐÂU
· PHẬT GIÁO VÀ TÂY VỰC
· NGHIÊN CỨU PHẬT GIÁO TÂY VỰC
· CỔ VẬT PHẬT GIÁO TÂY VỰC
· KHẢO CỨU VỀ THỜI ĐẠI DIỆT VONG CỦA PHẬT GIÁO TÂY VỰC
· LUẬN VỀ TỬ HỢP, NƯỚC ĐẠI THỪA TÂY VỰC
· NHỮNG NHÀ SỬ HỌC NHẬT BẢN
· NGƯỜI TÂY VỰC TRUYỀN PHẬT GIÁO Ở TRUNG QUỐC
· PHẬT GIÁO QUỐC TẾ VÀ TÂY VỰC THỜI NGỤY-TẤN
· PHẬT GIÁO THỜI ĐẠI NGUYỆT THỊ
· PHẬT GIÁO NƯỚC AN TÚC VÀ NƯỚC KHƯƠNG CƯ
· PHẬT GIÁO NƯỚC SƠ-LẶC VÀ NƯỚC CAO XƯƠNG
· PHẬT GIÁO NƯỚC CA-THẤP DI-LA
· PHẬT GIÁO NƯỚC QUI-TƯ
· PHẬT GIÁO NƯỚC VU-ĐIỂN
· PHỤ LỤC KHẢO SÁT NƯỚC VU-ĐIỂN
· SÁCH DẪN
· THƯ MỤC THAM KHẢO PHỤ CHÚ
· BẢNG VIẾT TẮT