NĂNG ĐOẠN KIM CƯƠNG
Áp dụng giáo lý của Đức Phật vào việc quản trị Doanh nghiệp và đời sống
GESHE MICHAEL ROACH
Trần Tuấn Mẫn dịch
Nhà xuất bản Tôn Giáo – 2001
LỜI NÓI ĐẦU
ĐỨC PHẬT VÀ DOANH NGHIỆP
Suốt mười bảy năm từ 1981 đến 1998, tôi đã được hân hạnh làm việc với Ofer và Aya Azrielant, hai vị sở hữu chủ của Tập đoàn Kim Cương Quốc tế Adin (Andin International Diamond Corporation) và với ban nhân sự cốt cán để thành lập một trong những xí nghiệp Kim cương và Kim hoàn lớn nhất thế giới. Doanh nghiệp khởi đầu với số tiền vay là 50.000 Mỹ kim và chỉ với ba hay bốn nhân viên, kể cả tôi nữa. Vào lúc tôi rời bỏ để dành hết thì giờ cho Học viện đào tạo mà tôi sáng lập ở New York, doanh số bán của chúng tôi đã lên đến hơn 100 triệu Mỹ kim mỗi năm, với hơn năm trăm nhân viên tại các văn phòng ở khắp thế giới.
Suốt thời gian tôi làm doanh nghiệp Kim cương, tôi đã sống một cuộc sống đôi. Bảy năm trước khi vào thương mại, tôi đã tốt nghiệp Đại học Princeton với hạnh danh dự và trước đó tôi đã vinh hạnh nhận được Huy chương Học tập của Tổng thống do Tổng thống Hoa Kỳ ở Nhà Trắng tặng và phần thưởng Học bổng Mc Connell của Học viện Quốc tế vụ Woodrow Wilson của Princeton.
Một tài trợ của Học viện này đã cho phép tôi sang châu Á để học với các Lạt-ma Tây Tạng tại trú sở của Đức Đạt-lai Lạt-ma. Việc học hành của tôi về trí tuệ cổ xưa của Tây Tạng đã khởi đầu như thế và kết thúc vào năm 1995, khi tôi trở thành người Mỹ đầu tiên hoàn tất hai mươi năm học tập kiên trì và hoàn tất các kỳ sát hạch cần thiết để nhận được văn bằng Gheshe hay Thạc sĩ Phật học. Tôi đã sống trong nhiều tu viện Phật giáo cả ở Hoa Kye lẫn châu Á từ khi tôi tốt nghiệp Princeton và vào năm 1983, đã phát nguyện của người tu sĩ Phật giáo.
Khi tôi đã đạt được một căn bản vững chắc trong việc đào tạo Tăng sĩ, vì thầy chính của tôi – tên là Khen Rinpoche, hay “Quý Hòa thượng” – khuyến khích tôi vào lĩnh vực kinh doanh. Ngài bảo tôi rằng dù tu viện là một nơi lý tưởng để học những tư tưởng lớn của trí tuệ Phật giáo, một Văn phòng nhộn nhịp của Mỹ cũng có thể cung cấp một “phòng thí nghiệm”toàn hảo để thực sự trắc nghiệm những lý tưởng này trong đời sống thực tế.
Mới đầu tôi khkông chấp thuận lời khuyên ấy, ngại phải rời bỏ sự yên tĩnh của cái tu viện nhỏ nhoi của chúng tôi, và bối rối về hình ảnh các nhà doanh nghiệp Mỹ vẫn ám ảnh tâm trí tôi: tham lam, tàn nhẫn, phóng dật. Nhưng một hôm, sau khi nghe được một buổi nói chuyện hết sức cảm hứng của thầy tôi trước một số sinh viên Đại học, tôi nói với ngài rằng tôi thuận theo lời ngài dạy mà sẽ tìm kiếm một công việc trong kinh doanh.
Vài năm trước, trong những lúc thiền định hằng ngày tại tu viện, tôi đã có một cái gì đó về sự thấy và từ lúc ấy tôi biết tôi sẽ chọn doanh nghiệp nào để theo đuổi: chắc chắn tôi sẽ vào ngành kim cương. Tôi chẳng có kiến thức nào về các thứ đá quý này và quả tình chẳng có dính dự gì đến ngành kim hoàn; chẳng có ai trong gia đình tôi từng được vào kinh doanh này. Cho nên, giống như anh chàng Candide ngây ngô, tôi bắt đầu viếng một cửa hàng kim cương sau khi đã viếng một cửa hàng khác, hỏi xem có ai chịu nhận tôi làm người tập sự không.
Cố gắng vào việc kinh doanh kim cương theo cách này cũng gần như toan tính gia nhập tổ chức Mafia: việc mua bán kim cương thô thì thuộc một hội nhóm rất kín đáo và riêng biệt, thường chỉ giới hạn trong thành viên gia đình . Vào thời ấy, những người Bỉ kiểm soát các kim cương cỡ lớn – những viên một ca-ra hay hơn nữa; những người Ixraen cắt hầu hết những viên đá nhỏ; và những người Do Thái Hassid ở Quận Diamond của New York, đường Bốn-mươi-bảy nắm giữ phần lớn việc mua bán sỉ trong nội địa Mỹ.
Cần nhớ rằng toàn bộ số lượng kim cương của những cơ sở lớn nhất cũng chỉ có thể được chứa đựng trong một ít thùng chứa nhỏ y như những hộp đựng giấy thông thường. Và không có cách gì để phát hiện một vụ trộm kim cương giá hàng triệu Mỹ kim; bạn chỉ cần bỏ vào túi một hay hai nắm kim cương rồi bước ra cửa – không có thứ gì như máy dò kim loại có thể phát hiện ra các viên đá được. Cho nên hầu hết các xí nghiệp chỉ thuê conj, cháu hay anh em họ chứ không bao giờ thuê một anh chàng Ái Nhĩ Lan cù bơ nào đó ưa chơi với kim cương.
Tôi nhớ rằng tôi đã viếng chừng mười lăm cửa hàng để xin một chỗ quèn, và rồi đều bị đuổi ra tức khắc. Một ông cụ sửa đồng hồ trong một thị trấn gần đó khuyên tôi nên theo một số khóa học về phân loại kim cương tại Học viện Đá quý của Mỹ tại New York; tôi sẽ có nhiều cơ may hơn để có việc làm nếu tôi có được một văn bằng và nếu tôi được gặp ai đó trong lớp học có thể giúp đỡ tôi.
Chính tại Học viện này, tôi gặp ông Ofer Azrielant. Ông cũng đang học một lớp về phân loại kim cương cao cấp, được gọi là đá “được xác nhận” hay “được cấp chứng chỉ”. Việc phân biệt một viên kim cương “chứng chỉ”vô cùng giá trị với một viên đá giả mạo hay đã được xử lý bao gồm trong khả năng phát hiện ra được những lỗ li ti hay những khuyết điểm khác, kích cỡ mũi kim, trong khi hàng chục hạt bụi bám trên mặt viên kim cương hoặc trên chính kính hiển vi, cứ nhiễu quanh và gây lẫn lộn lung tung. Cho nên cả hai chúng tôi đều ở đấy để học làm sao cho khỏi bị sạch túi.
Tôi bị ấn tượng ngay liền bởi những câu Ofer hỏi thầy giáo, bởi cách ông xem xét và vấn nạn từng khái niệm được trình bày. Tôi quyết định thử nhờ ông giúp tôi tìm một việc làm hoặc chính ông mướn tôi làm việc, và do đó mà được quen với công việc. Vài tuần sau – vào ngày tôi hoàn tất các bài sát hạch cuối khóa về phân loại kim cương tại các phòng thí nghiệm của CIA ở New York – Tôi bịa ra lý do để vào văn phòng của ông rồi xin ông một chỗ làm.
May mắn làm sao, đúng vào lúc ông ta đang mở một văn phòng chi nhánh tại Mỹ, trong khi ông ta đã lập được một xí nghiệp nhở ở I-xra-en, quê hương của ông. Cho nên tôi bảo rằng tôi muốn làm việc ở văn phòng ông và xin ông dạy tôi về kinh doanh kim cương: “Tôi sẽ làm bất cứ thứ gì ông cần, hãy cho tôi thử thách. Tôi sẽ dọn dẹp văn phòng, lau rửa cửa sổ, làm bất cứ điều gì ông sai bảo”.
Và ông ta đáp: “Tôi không có tiền để mướn anh! Nhưng hãy yên tâm, tôi sẽ nói với người chủ của văn phòng này – tên ông ta là Alex Rosenthal – và chúng tôi sẽ tính xem ông ta và tôi có thể chia nhau trả lương cho anh được không. Rồi thì anh có thể lo các việc lặt vặt cho cả hai chúng tôi”.
Thế là tôi khởi sự với tư cách một anh giúp việc, thù lao bảy Mỹ kim một giờ, một người tốt nghiệp Princeton lê đôi chân suốt những mùa hè ẩm thấp và những cơn bão tuyết mùa đông của New York, lên tới quận Diamond, mang các túi vải bạt đựng đầy vàng và kim cương để được đúc và chế tạo thành nhẫn, vòng. Ofer, vợ ông là Aya, và một người thợ kim hoàn ít nói năng và rất giỏi người Yemen tên là Alex Gal sẽ ngồi quanh cái phòng làm việc lẻ được thuê, cùng với tôi phân loại kim cương theo từng hạng, phác họa những mẫu mới và đi chào hàng.
Tiền lương ít ỏi, lại thường được trả chậm trong khi Ofer có vay mượn thêm ở các bạn bè của ông ở London, nhưng ít lâu sau toji6 cũng đủ sắm cho mình một bộ y phục của các nhà doanh nghiệp mà tôi vẫn mặc mỗi ngày trong suốt nhiều tháng. Chúng tôi thường làm việc đến quá nửa đêm, và tôi phải đi bộ suốt một quãng dài về căn phòng nhỏ của tôi tại một tu viện nhỏ trong cộng đồng Phật giáo châu Á tại Howell, New Jersey. Ngủ được vài giờ , tôi lại phải thức dậy và đáp xe buýt đi Manhattan.
Sau khi việc kinh doanh của chúng tôi có khá hơn một chút, chúng tôi dời lên phố gần khu kim hoàn hơn và đánh bạo thuê một người thợ kim hoàn, người này ngồi một mình trong một gian phòng lớn là “xưởng”của chúng tôi, chế tạo các vòng, nhẫn kim cương đầu tiên của chúng tôi. Chẳng bao lâu, tôi được tin cậy đủ để thực hiện mong ước của mình, để ngồi xuống với một gói kim cương lẻ và bắt đầu phân chúng thành từng hạng. Ofer và Aya hỏi xem tôi có chịu đảm trách một chi nhánh mua kim cương vừa được thành lập hay không (mà lúc ấy gồm tôi và một người khác nữa). Tôi phấn kích vì cơ hội này và dấn thân vào dự án.
Một quy định mà vị Lạt-ma Tây Tạng của tôi nêu ra cho tôi về việc đi làm trong một cơ sở doanh nghiệp bình thường là tôi giữ kín việc tôi là một tu sĩ Phật giáo. Tôi phải để tóc dài như bình thường (thay vì phải cạo nhẵn) và mặc y phục bình thường. Bất cứ nguyên tắc Phật giáo nào mà tôi sử dụng trong công việc cũng phải được áp dụng một cách thầm lặng, không rêu rao kèn trống. Bên trong, tôi phải là một bậc hiền nhân Phật giáo và bên ngoài tôi phải là một nhà doanh nghiệp người Mỹ bình thường.
Và thế là tôi khởi sự nỗ lực trông coi đơn vị này bằng những nguyên tắc Phật giáo mà không ai biết điều này. Lúc khởi sự công việc, tôi đã thiết lập một thỏa thuận với ông Bà Azrielant: Tôi chịu trách nhiệm về điều hành mọi mặt của Đơn vị Kim cương và về việc tạo ra thuận lợi lành mạnh về đá quý; và đổi lại, tôi có toàn quyền về việc thâu nhận và sa thải nhân viên, trả phụ trội hay tăng lương về số giờ mà người của tôi đã làm việc, và người nào đảm nhận trách nhiệm nào. Tôi chỉ phải giao sản phẩm đúng thời hạn và có lợi nhuận khá.
Cuốn sách này là câu chuyện về tôi đã xây dựng Đơn vị Kim cương tại Andin International như thế nào khi sử dụng những nguyên tắc được thu thập từ trí tuệ xưa cổ của Phật giáo, từ cái không có gì thành một hoạt động khắp thế giới sinh nhiều triệu Mỹ kim mỗi năm. Tôi không làm như thế một mình, cũng không phải các quan điểm của tôi là những quan điểm độc nhất mà chúng tôi theo, nhưng tôi có thể nói rằng phần lớn những quyết định và những chính sách trong đơn vị của chúng tôi trong suốt thời gian tôi giữ chức phó chủ tịch đều được điều động bởi những nguyên tắc mà bạn sẽ tìm thấy trong cuốn sách này.
Nói tòm lại, những nguyên tắc này là gì? Chúng ta có thể chia chúng làm ba.
Nguyên tắc thứ nhất là việc kinh doanh phải thành đạt: tức là nó phải tạo ra tiền. Có một sự tin tưởng phổ biến tại Mỹ và tại các nước phương Tây rằng thành đạt, làm ra tiền, một cách nào đó, là một sai lầm đối với những ai đang nỗ lực sống một cuộc sống tâm linh. Trong Phật giáo, dù tiền bạc tự nó không phải là xấu; thực ra, một người có tiền bạc nhiều hơn có thể làm được nhiều việc thiện trên đời này hơn là không có nó. Vấn đề chính là chúng ta làm ra tiền bằng cách nào; chúng ta có hiểu được tiền phát sinh từ đâu không và làm sao để tiền tiếp tục đến và chúng ta có giữ được một thái độ lành mạnh về tiền hay không.
Thế thì toàn bộ vấn đề làm ra tiền một cách trong sạch và lương thiện, hiểu rõ tiền từ đâu ra để nó đừng dừng lại và giữ một quan điểm lành mạnh đối với nó trong khi ta có nó. Chừng nào ta thực hiện được như thế thì sự làm ra tiền là hoàn toàn thích hợp với một lối sống tâm linh; thực vậy, việc làm ra tiền trở thành một phần của lối sống tâm linh.
Nguyên tắc thứ hai là chúng ta nên hưởng thụ tiền bạc; tức là chúng ta cần phải học cách giữ cho tinh thần và thân thể của chúng ta được lành mạnh trong khi chúng ta làm ra tiền. Hoạt động tạo ra tài sản không được làm cho chúng ta quá mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần đến nỗi chúng ta không thể hưởng thụ được tài sản. Một doanh nhân tàn phá sức khỏe khi kinh doanh tức là làm tiêu tan mục đích thực sự của việc kinh doanh.
Nguyên tắc thứ ba là bạn phải quay nhìn lại cho được sự kinh doanh của bạn, cuối cùng và thành thật mà nói rằng bao năm làm kinh doanh của bạn đã có một ý nghĩa nào đó. Mục đích tối hậu của mọi sự kinh doanh mà chúng ta dấn thân vào, và thực ra là mục đích của đời chúng ta, phải là mục đích của những ai từng làm kinh doanh. Và ở phần quan trọng nhất của việc kinh doanh – cuối cùng, khi chúng ta nhìn lại tất cả những gì chúng ta đã thành tựu – chúng ta cần phải thấy rằng chúng ta đã điều hành chúng ta và điều hành doanh nghiệp theo một cách có ý nghĩa lâu dài, để lại dấu ấn tốt trong đời.
Tóm lại, mục đích của kinh doanh, hay của trí tuệ cổ của Tây Tạng và thực ra là của mọi nỗ lực của con người, chính là làm cho chính chúng ta được phong phú – thành tựu sự thịnh vượng, cả bên ngoài lẫn bên trong . Chúng ta chỉ có thể hưởng thụ sự thịnh vượng này nếu như chúng ta giữ được một mức độ cao về sức khỏe thể chất và tinh thần. Trong suốt cuộc đời của chúng ta, chúng ta phải tìm cách để làm cho sự thịnh vượng này có ý nghĩa theo một cách hiểu rộng hơn.
Đâylà bài học về những gì mà chúng tôi đã thực hiện ở Đơn vị Kim cương của Tập đoàn Andin International, và đây là một bài học mà bất cứ ai, bất kể người ấy thuộc tầng lớp nào hay tín ngưỡng nào, cũng có thể học và áp dụng được.
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Đức Phật và doanh nghiệp
MỤC TIÊU 1 – LÀM RA TIỀN
Chương Một: Nơi xuất phát của Trí tuệ
Chương Hai: Ý nghĩa của Tựa đề sách
Chương Ba: Sự thành lập kinh Năng Đoạn Kim Cương
Chương Bốn: Tiềm năng trong mọi sự việc
Chương Năm: Những nguyên tác để sử dụng tiềm năng
Chương Sáu: Cách tự sử dụng tiềm năng
Chương Bảy: Những tương quan hay những vấn đề chung trong kinh doanh và những
Cách giải quyết thực sự
Chương Tám: Hành động
MỤC TIÊU 2 – THỌ HƯỞNG TIỀN TÀI, HAY ĐIỀU NGỰ THÂN VÀ TÂM
Chương Chín: Khởi động một ngày bằng một thời gian tĩnh lặng
Chương Mười: Mỗi năm mỗi sáng suốt, khỏe mạnh hơn
Chương Mười một: Hội đoàn, hay làm việc lâu dài
Chương Mười hai: Cái không của các vấn đề
MỤC TIÊU 3 – NHÌN LẠI VÀ BIẾT RẰNG THẾ LÀ TỐT
Chương Mười ba: Shirley
Chương Mười bốn: Công cụ quản trị tối hậu
Chương Mười lăm: Suối nguồn thực sự của Tài sản, hay Kinh tế học Vô giới hạn
TIẾP TỤC THEO DÕI