HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ -TẬP I
NGUYỄN ĐỨC VÂN-KIỀU THU HOẠCH dịch (214 trang)
NXB VĂN HỌC
LỜI GIỚI THIỆU
Hoàng Lê Nhất thống chí (hoặc An Nam nhất thống chí) là một tác phẩm văn xuôi chữ Hán trong tùng thư của “Ngô gia văn phái”, một tùng thư bao gồm nhiều tác phẩm văn, sử, triết có giá trị của các tác giả thuộc dòng họ Ngô Thi ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Sơn Bình.
Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, viết theo lối chương hồi, do một số tác giả kế tục nhau viết, trong những thời điểm khác nhau, toàn bộ tác phẩm gồm 17 hồi. Bảy hồi đầu là phần chính biên do Ngô thi Chi viết, mười hồi tiếp theo là tác phẩm tục biên trong đó có 7 hồi có phần chắc do Ngô Thi Du viết, còn 3 hồi cuối cùng viết có tính chất chấp vá, lại có cả những sự việc thời Tự Đức có thể là của một tác giả vô danh khác.
Nội dung của tác phẩm chủ yếu phản ảnh cuộc tranh ngôi đoạt quyền dữ dội giữa các tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh, và cuộc nổi dậy đầy khí thế của phong trào nông dân Tây Sơn.
Thời gian miêu tả trong tác phẩm là khoảng hơn 30 năm cuối thế kỷ XVIII, kể từ khi Trinh Sâm lên ngôi chúa (1767) cho đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua (1802). Thời gian này chính là một trong thời kỳ khủng hoảng trầm trọng của chế độ phong kiến VN. Mâu thuẩn trong nội bộ giai cấp thống trị với nhân dân bộc lộ gay gắt chưa từng thấy. Nhiều sự biến lịch sử xảy ra dồn dập và kéo dài triền miên. Cả một cơ cấu xã hội phong kiến cùng với những hình thái ý thức tư tưởng, đạo đức…hầu như bị đảo lộn và lay chuyển tận gốc.
Các tác gỉa là những người từng đã sống trong một thời đại hỗn loạn như thế, nên những điều mắt thấy tai nghe không thể không tác động vào thế giới quan của họ. Bởi vậy mặc dù còn bị hạn chế bởi quan điểm phong kiến chính thống, bởi chủ nghĩa tôn quân mù quáng, song thái độ của các tác giả về cơ bản là thái độ tiến bộ, gần gũi với nhân dân, và do đó mà Hoàng Lê Nhất thống chí đã được sáng tạo như một tác phẩm nghệ thuật ưu tú, có giá trị hiện thực phê phán và thấm đượm tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc…
Hoàng Lê nhất thống chí không còn bản gốc, và tác phẩm cũng chưa được khắc ván in. Trong quá trình dịch thuật, chúng tôi đã cố gắng đối chiếu nhiều bản chép tay hiện còn để tìm ra những chỗ nghi vấn, và cũng đã cố gắng hiệu đính lại theo những nguyên tắc văn bản học nghiêm túc. Đồng thời chúng tôi cũng đã tham khảo cả bản dịch của Ngô Tất Tố, và cũng rất trân trong lấy lại những đoạn, những câu dịch trung thành và tốt. Tuy nhiên, bản dịch của chúng tôi chắc chắn không tránh khỏi những sai lầm thiếu sót. Rất mong được bạn đọc xa gần chỉ giáo cho. Chúng tôi xin chân thành cám ơn.
Viết tại Hà Nội, tháng 9 năm 1983
KIỀU THU HOẠCH