MẤY VẺ MẶT THI CA VIỆT NAM –
THỜI KỲ CỔ-CẬN ĐẠI
NGUYỄN HUỆ CHI (327 trang)
NXB TÁC PHẨM MỚI
LỜI GIỚI THIỆU
Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Cao Bá Quát…những tên tuổi ấy vốn đã quen thuộc với mọi người ham thích văn học. Chúng ta luôn luôn đọc lại, suy nghĩ lại về các tác giả lớn đó. Một số vị từng là đề tài của nhiều hội nghị khoa học quan trọng. Một số vị được dành cả một chuyên khảo riêng. Tuy nhiên thực tế công tác tìm hiểu di sản văn hóa dân tộc còn bao nhiêu việc còn tiếp tục: các sáng tác cần được đào sâu thêm: phần tiểu sử, hành trang của mỗi tác giả cần được sưu tầm tài liệu và giải thích thêm. Việc “chiếm lĩnh” những tác giả, tác phẩm lớn sẽ không bao giờ ngừng lại.
Do điều kiện công tác, từ hơn 20 năm nay, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Huệ Chi - vốn bắt đầu là một cây bút phê bình văn học hiện đại- đã có dịp tiếp xúc với hầu như tất cả các tác giả cổ cận. Bên cạnh phần việc của người làm khoa học, phục vụ chương trình nghiên cứu của cơ quan, anh thường đặc biệt quan tâm tìm hiểu những khía cạnh làm nên con người của tác giả cổ điển, từ đó, khắc họa đời sống nội tâm của họ, đường đời của họ, cái “tôi” trữ tình do họ sáng tạo. Đó là một lối làm việc chúng tôi thấy cần được khuyến khích. Ít nhiều, các trang sách sau đây có thể có vai trò của những suy nghĩ gợi ý, giúp chúng ta hào hứng trở về với các sáng tác của cha ông.
Đây đó có thể có người nghĩ, phần viết về di sản văn học hoàn toàn là lĩnh vực của các nhà nghiên cứu. Song thực tế không phải vậy. Nếu như ở Pháp, A.Mô roa đã viết gần hết các tác giả lớn của văn học Pháp, từ Mong tơ nhơ, Von te…đến Huy go, Ban dac: A.La nu từng viết rất hay về G. dơ Mong pat xang, A ra gông phát hiện lại “ánh sáng Xtang đan” thì ở Liên Xô, những phát biểu có sức nặng nhất về Puts kin, L.Tonxtoi, Sê-khôp…là thuộc ngòi bút của những Lê ô nop, và Pau top xki, Xvê ta ê va và Da lư ghip v.v..Các tác giả cổ điển rất cần lối tiếp cận thanh thoát của những ngòi bút nghiên cứu gần với sáng tác, lại càng cần tới sự chú ý của chính các nhà văn. Ở ta, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên…Bấy lâu đã đi đầu trong công việc này. Hy vọng rằng ngày càng có nhiều nhà văn, nhà thơ chúng ta, nhất là các nhà văn trẻ, có thêm phát hiện về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Công Trứ, Trần Tú Xương và tất cả các tác giả lớn khác. Đó chính là mục đích chỉ đạo của chúng tôi khi cho in tập Từ Trong di sản…mấy năm về trước cũng như cuốn sách của Nguyễn Huệ Chí hôm nay. Mong rằng công việc sẽ được các đồng chí, các bạn hưởng ứng hơn nửa, có những đóng góp cụ thể.
NXB TÁC PHẨM MỚI
MỤC LỤC
lời giới thiệu
1. Người anh hùng- thi nhân trong thơ TRẦN QUANG KHẢI
2. “Động” và “tĩnh” của đất nước qua thơ các vị vua thi sĩ đời Trần
3. Niềm thao thức lớn trong thơ NGUYỄN TRÃI
4. LÊ QUÝ ĐÔN, bác học và nhà thơ
5. LÊ HỮU TRÁC và con đường của một trí thức trong cơn phong ba nửa cuồi thế kỷ XVIII
6. NGUYỄN DU và thế giới nhân vật của ông trong thơ chữ Hán
7. Cái nhìn trong thơ CAO BÁ QUÁT
8. Con đường thơ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
9. Đóng góp văn học của PHAN BỘI CHÂU
10. Bút lực PHAN CHU TRINH