TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ TRONG TRIẾT HỌC KHỔNG GIÁO
TRẦN QUAN THUẬN (227 trang)
Nxb THƯ LÂM ẤN THƯ QUÁN
TỰA
Đối với người VN, Khổng Tử là vị thánh nhân Trung Hoa đã sống cách đây 25 thế kỷ, là người đã dạy dỗ dân chúng Trung Hoa cũng như những dân tộc hấp thụ văn minh Trung Hoa, lòng hiếu thảo, sự thờ cúng tổ tiên; là người đã thuyết minh đạo lý Tam Tòng Tứ Đức, nói tóm lại là cách tu thân xử thế. Nhưng KHổng Tử thuyết minh đạo lý mình theo phương pháp phủ định trước khi người Tây phương đem lại thuyết khẳng định để làm tiêu chuẩn cho cuộc sống.
Tư tưởng chính trị của Khổng Giáo là tư tưởng dựa trên nền tảng phụ hệ và dân chủ. Nhà lãnh đạo dân tộc không khác gì người cha trong gia đình và guồng máy cai trị phải thuận theo thiên nhiên. Nhà lãnh đạo có trách nhiệm đối với sự sinh tồn về vật chất cũng như tinh thần của dân chúng. Tư tưởng chính trị của Khổng giáo lấy dân chúng làm căn bản, xem dân chúng là nguồn trí tuệ cao cả nhất- họ là kẻ biết điều lợi ích thiết thực cho chính mình. Chính trị Khổng Giáo quan niệm kẻ cùng đinh và người cai trị trên nguyên tắc bình đẳng, điểm này đã chứng minh trong thời đại Hoàng kim của Khổng giáo: Thời kỳ vua NGHIÊU, vua THUẤN, và nhiệm vụ của người dân là phải đứng dậy chống lại những kẻ tàn bạo, độc tài.
Cò lẽ khía cạnh đặc biệt nhất của triết học Khổng giáo đối với chúng ta hiện nay là quan niệm tiến hóa mà sau này cách hơn 20 thế kỷ SPENCER đã khai thác trong thuyết tiến hóa biến chuyển của ông: Vạn vật thay đổi và vì vậy càng ngày càng trở nên phức tạp. Trong những hình thức biến thiên mới, có những điều kiện hoàn cảnh, ý niệm tốt hay xấu, hoặc có lợi hay có hại cho sự tiến hóa của nhân loại, và bồn phận của con người là phải lựa chọn. Tuyển trạch sự kiện xã hội đã đóng, và đang đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử tiến hóa của loài người. Khổng Tử đã nhận rõ điểm này và chia cuộc tiến hóa của lịch sử gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn đầu có tính chất dã man, vô trật tự - trạng thái thiên nhiên của HOBBES.
Sau đó là thời đại yên tĩnh, Sự kiện đặc biệt của thời đại này là những quốc gia nhỏ và hệ thống tư sản được hình thành.
Giai đoạn thứ 3 là tình bằng hữu trang trải khắp bốn bể, dân chúng sống trong chế độ đại đồng không có tư sản – quan niệm cộng sản cổ sơ của PLATON.
Tư tưởng Khổng giáo đã đem lại cho chúng ta những bài học như thế nào? Trước hết, chúng ta cần phải dè dặt, đừng quá tin cậy vào guồng máy pháp luật. Nếu đạo đức bị gạt ra, luật pháp cũng sẽ bọ hoen ố. Tư tưởng lễ nghĩa dung hòa, cảm thông là nền tảng căn bản của xã hội thuần lương Thiếu những sự kiện này, luật pháp chỉ làm cho cuộc sống thêm phiền toái và máy móc. Khổng Tử chỉ bày cho chúng ta biết rằng nghệ thuật chính trị là nghệ thuật tề gia, chính tâm, và thành ý. Người đã quan niệm một quốc gia “hành chính” hiện đại và đã cung cấp nó với một thế giới hoàng kim dựa trên gia đình và nếp sống tu thân. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” chính là yếu điểm này.
Saigon, tháng 9 năm 1961
TRẦN QUANG THUẬN
MỤC LỤC
LỜI TỰA
CHƯƠNG:
I. Căn bản của triết học chính trị Khổng giáo
II. Quan niệm và nguồn gốc của quốc gia trong Khổng giáo
III. Thuyết chính danh
IV. Chính quyền tập trung và tổ chức hành chánh
V. Học thuyết “lễ” trong Khổng giáo
VI. Chính quyền
VII. Nhiệm vụ chính quyền
VIII. Luật pháp
IX. Dân chủ và giáo dục đại diện
X. Học thuyết trung dung
XI. Người và Trời
XII. Biến chuyển xã hội
XIII. Tiến triển chính trị
HẬU BÚT