Trái tim của Trúc Lâm Đại sĩ
Thích Nhất Hạnh
NXB Phương Đông
Lời giới thiệu
Những điển tích Phật giáo khó hiểu được giải thích rõ ràng, những ý tứ thâm trầm sâu xa của Đại Sĩ được cảm hiểu qua một cái nhìn không còn vướng chấp của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.
Bước vào tác phẩm chính là bạn bước vào trái tim mình, để biết sống hồn nhiên với con người bản thể, sống giữa trần mà vui với đạo.
Trái tim của Trúc Lâm Đại Sĩ chính là con đường dẫn người đọc đến với tâm hồn rộng mở bao la của vị tiền sư đã sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Trúc Lâm Đại Sĩ Trần Nhân Tông.
...
Bài Cư trần lạc đạo do một vị vua xuất gia viết, đó là vua Trần Nhân Tông. Sau khi xuất gia, nhà vua có hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ. Và Cư trần lạc đạo là trái tim của nhà vua.
Cư trần lạc đạo là một bài phú gồm mười hội, trình bày phương pháp tu tập của Trúc Lâm Đại Sĩ. Khi đọc bài này tôi rất xúc động, tựa như mình đang đi vào trái tim của người xưa để thấy được tình thương và tuệ giác của một vị Tổ sư. Chúng ta sẽ tuần tự học từng hội của Cư trần lạc đạo.
Để đi vào tác phẩm, xin đề nghị các bạn trẻ bắt đầu đọc phần thứ hai là phần dịch ý nguyên tác bằng văn xuôi ( bắt đầu từ trang 17), sau đó mới tiếp xúc trực tiếp với nguyên văn và phần bình giảng.