Một số tư liệu mới về Bồ tát Quảng Đức
Lê Mạnh Thát
Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam
NXB Tổng Hợp TP.HCM
Tựa
Thế là gần nữa thế kỷ trôi qua, kể từ ngày Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Ý nghĩa của hành động ấy đã được chúng ta thảo luận rất nhiều và vị trí lịch sử của Bồ tát Quảng Đức trong lòng dân tộc đã được khẳng định từ lâu. Tuy nhiên, ngoài bản tiểu sử ngắn ngủi do Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đưa ra sau sự kiện tự thiêu ngày 11 tháng 6 năm 1963, tức là ngày 20 tháng tư nhuận năm Quý Mão, mà sau này đã trở thành tư liệu chính thức phổ biến rộng rãi trong các sách báo cho tới tận hôm nay, cuộc đời của Bồ tát Quảng Đức trước thời điểm tự thiêu đó vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng.
Nói chung, chúng ta chỉ biết Bồ tát Quảng Đức khi lên 7 tuổi thì được cha mẹ cho cậu ruột mình là thiền sư Hoằng Thâm nuôi dạy, rồi xuất gia và đặt tên đạo là Thị Thủy, tự là Hạnh Pháp và hiệu là Quảng Đức. Saukhi thọ giới Cụ túc, Bồ tát nhập thất tu hạnh đầu đà ba năm, xong thì đi hành hóa ở vùng Vạn Ninh và giữ nhiệm vụ kiểm tăng của Chi hội Phật học Ninh Hòa. Đến năm 1943 vào Nam hành hóa, để tới năm 1963 thì phát nguyện tự thiêu. Về giai đoạn Bồ tát Quảng Đức ở Vạn Ninh, ta chỉ biết vài nét đại cương như vừa nêu.
Gần đây, trong dịp đi điền giã tại Khánh Hòa, nhờ sự giúp đỡ tận tình của đại đức Thích Như Hoằng, một số tư liệu liên hệ đến hoạt động Phật sự của Bồ tát Quảng Đức tại vùng Vạn Ninh trước năm 1945 đã được phát hiện, cung cấp cho chúng ta một cái nhìn mới về cuộc đời Bồ tát trong giai đoạn ấy, giai đoạn hình thành nhân cách xả kỷ cứu nhân của Ngài. Do thế, chúng tôi cho rằng những phát hiện mới này sẽ đem lại một hiểu biết rõ ràng hơn về con người Bồ tát Quảng Đức. Chẳng hạn, nhờ số tài liệu mới này, chúng ta có thể chắc chắn Bồ tát Quảng Đức vẫn còn ở Vạn Ninh cho đến năm 1945, chứ không phải “năm 1943, rời Khánh Hòa vào Nam, Ngài hành đạo khắp các tỉnh Sài Gòn, Gia Định, Định Tường xuống đến Hà Tiên”, như nhiều sách báo trước đây đã công bố.
Số tài liệu này bao gồm ba loại. Loại thứ nhất là mười bốn văn kiện liên hệ trực tiếp đến Bồ tát Quảng Đức. Loại thứ hai gồm mười văn kiện về bổn sư Bồ tát Quảng Đức là thiền sư Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm. Những văn kiện này chủ yếu cung cấp thông tin về hoạt động Phật sự của tổ Hoằng Thâm như việc mua ruộng để đặt làm ruộng Tam Bảo, trùng tu lại chùa Long Sơn, rồi cúng ruộng cho chùa Long Sơn và tổ đình Linh Sơn và việc đúc chuông chùa Long Sơn vào năm Duy Tân thứ hai (1908) do ngài thực hiện sau khi xây xong chùa. Loại thứ ba là những văn kiện liên hệ với tổ đình Linh Sơn và thiền sư Chơn Hương Huyền Túc Thiên Quang (1862-1939), bổn sư của thiền sư Như Đạt Hoằng Thâm. Đây là số tư liệu lần đầu tiên được phát hiện và công bố, giúp chúng ta có một hiểu biết rõ và đầy đủ hơn về hoạt động Phật sự của Bồ tát Quảng Đức từ những năm 1917-1945 cũng như của các thầy tổ đã tác thành nên con người Quảng Đức trong nữa đầu của thế kỷ XX.
Tập sách này chia làm bốn chương. Chương thứ nhất là dịch và công bố toàn bộ mười bốn văn kiện liên hê đến Bồ tát Quảng Đức. Chương thứ hai là dịch và công bố mười văn kiện của thiền sư Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm. Chương thứ ba là dịch và công bố các văn kiện liên hệ đến tổ sư Chơn Hương Thiên Quang và tổ đình Linh Sơn. Tất cả các bản dịch văn kiện này được sắp xếp theo niên đại ra đời của chúng trong từng nhóm và được đánh số liên tục từ 1 đến 35. Chương thứ tư là ghi lại một số nhận xét của chúng tôi về các văn kiện ấy, đặc biệt trong liên hệ với cuộc đời hoạt động Phật sự của Bồ tát Quảng Đức. Cuối sách chúng tôi thiết lập lại niên biểu chi tiết cuộc đời Bồ tát Quảng Đức cùng các sự kiện liên hệ cho tới năm 1948.
Số tư liệu mới phát hiện này không chỉ cho ta biết về con người Bồ tát Quảng Đức, mà còn về các vị thầy tổ đã có công giáo dưỡng và hình thành nên nhân cách xả kỷ vừa nói. Nhân cách ấy không phải ngày một ngày hai mà có được. Nó phải trải qua một quá trình tu dưỡng lâu dài trong một truyền thống Phật giáo tích cực nhập thế mình vì mọi người. Số tư liệu vừa nêu cho ta biết them về các hoạt động Phật sự của bổn sư Bồ tát Quảng Đức là thiền sư Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm và của tổ sư Chơn Hương Thiên Quang.
Không những thế, số tư liệu này còn giúp chúng ta có một nhận thức rõ ràng hơn về một giai đoạn Phật giáo tại một địa phương không nổi bật lắm về truyền thống Phật giáo như vùng Vạn Ninh, khi Phật giáo Việt Nam cũng như dân tộc đang thực hiện một cuộc chuyển mình lớn, để đưa dân tộc cũng như Phật giáo từ dạng truyền thống sang dạng hiện đại vào cuối thế kỷ XIX đến nữa đầu thế kỷ XX. Đây là một giai đoạn lịch sử chưa được nghiên cứu đầy đủ do chưa tập hợp được nhiều tư liệu.
Bởi vai trò quan trọng của số tư liệu vừa nêu, chúng tôi đề nghị cho phiên dịch và in lại nguyên bản toàn bộ số văn kiện trên, nhằm làm cơ sở cho việc nghiên cứu không chỉ chuộc đời Bồ tát Quảng Đức, mà còn cả một giai đoạn Phật giáo đầy biến động của lịch sử dân tộc được đầy đủ hơn trong tương lai. Nhân dịp này, cho phép tôi cảm ơn sự giúp đỡ tận tình không biết mệt mỏi của Đại đức Như Hoằng trong việc thu thập các văn kiện được công bố dưới đây.
Vạn Hạnh đầu hạ năm Ất Dậu (2005)
Lê Mạnh Thát