GIÁO DỤC ĐÀO TẠO LÀ NỀN TẢNG
CHO SỰ PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Cho đến nay chưa có một con số thống kê cụ thể và chính xác nào về vấn đề Việt Nam có bao nhiêu người dân theo đạo Phật. Nhưng cho dù như thế nào đi nữa, người dân Việt Nam theo đạo Phật vẫn chiếm đa số, chưa kể đến số lượng người được gọi là theo đạo Ông Bà cũng chịu ảnh hưởng khá sâu đậm về văn hóa truyền thống giáo dục của Phật giáo. Qua chứng tích của lịch sử cho thấy, Phật giáo đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nền văn hóa dân tộc, từ các loại văn hóa vật thể như các công trình kiến trúc mỹ thuật cho đến các loại văn hóa phi vật thể, như đạo đức phong tục tập quán, bao gồm cả truyền thống yêu nước dân tộc của nhân dân ta. Có thể nói đây là điểm đặc thù của truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, không ai có thể phủ nhận sự đóng góp của Phật giáo cho nền văn hóa dân tộc.
Thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại khoa-học kỹ thuật tiên tiến, nhất là ngành công nghệ viễn thông, đã làm cho thế giới đổi thay và thu hẹp lại. Dường như không còn khoảng cách không gian, giữa quốc gia với quốc gia, giữa châu lục với châu lục. Một thông tin từ bên đây địa cầu cũng trong giây phút bên kia địa cầu nhận biết. Từ những yếu tố này, tôi cho rằng trong tương lai sự dị biệt về văn hóa truyền thống của từng dân tộc cũng theo đó bị đồng hóa.
Định hướng phát triển kinh tế cho đất nước Việt Nam không thể không tuân thủ những nguyên tắc chung của thế giới. Đó là lý do tại sao, trong những năm gần đây Việt Nam tất bật công việc điều chỉnh và biên soạn luật pháp, làm cán cân pháp lý cho đôi bên bảo vệ quyền lợi của mình, trước khi Việt Nam gia nhập vào WTO.
Sự hội nhập này có hai ý nghĩa tích cực và tiêu cực, như đã được các chuyên gia phân tích. Ở đây tôi chỉ phân tích thêm về mặt tích cực của sự hội nhập này, nó không những là yếu tố tích cực làm phát triển nền kinh tế Việt Nam, nó còn là đòn bẩy kích thích cho mọi mặt khác của xã hội phát triển, trong đó có cả vấn đề tôn giáo. Tất nhiên sự hội nhập này không sao tránh khỏi những mặt trái của nó, đó là những loại văn hóa phi đạo đức, phi dân tộc, làm băng hoại xã hội cũng theo đó du nhập. Đứng trước sự kiện này, chúng ta làm thế nào để ngăn chận những loại văn hóa này? Theo tôi, đấy không phải là vấn đề riêng của nhà nước mà là vấn đề chung của dân tộc. Nếu như Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo lớn của dân tộc thì Phật giáo cũng phải có bổn phận và trách nhiệm trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong xã hội mới. Chủ đề hội thảo hôm nay mà Viện đã đề ra cũng nói lên ý nghĩa đó. Trong bài viết này, tôi xin trình bày ý kiến: Từ thực trạng xã hội và Phật Giáo Việt Nam hiện nay, Phật giáo nên lấy giáo dục đào tạo làm nền tảng cho sự phát triển trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.
Nếu như Phật giáo là một tôn giáo lớn của Việt Nam, thì vấn đề chung của dân tộc, nhất là mặt văn hóa đạo đức, Phật giáo không thể là kẻ bàng quan, đứng ngoài cuộc. Phật giáo phải chung vai gánh vác với dân tộc, vì sự tồn tại của dân tộc là sự tồn tại Phật giáo. Sự phát triển Phật giáo biểu thị sự lớn mạnh của văn hóa dân tộc và ngược lại. Do đó, Phật giáo phải có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ truyền thống văn hóa của dân tộc, giữ gìn và phát huy mối quan hệ gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc. Muốn hoàn thành trách nhiệm đó, bản thân Phật giáo phải ý thức rõ câu “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” trong kinh Viên giác. Điều đó có nghĩa là bản chất truyền thống văn hóa và tinh thần gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc là cái không thay đổi, tức là cái ‘bất biến’, nhưng khi xã hội chuyển sang một hình thức sinh hoạt mới, Phật giáo cũng phải thay đổi cách suy tư và phương pháp làm việc của mình, để thích nghi với xã hội mới, đó là cái ‘tùy duyên’. Nếu như ngày xưa ngôi chùa là cơ sở giáo dục cho dân làng, hình thức giáo dục của tăng già mang tính gia giáo, thầy truyền cho trò thì vào những năm 1950 – 60 hình thức Phật Học Viện đã ra đời, đã thay thế cho nền giáo dục gia truyền của Phật giáo. Có thể nói hình thức giáo dục này đã mang lại cho Phật giáo Việt Nam một bộ mặt mới, tiến bộ hơn và hiệu quả hơn. Đến năm 1964 Đại học Vạn Hạnh ra đời, là Đại học đầu tiên của Phật giáo, nó đã góp phần không nhỏ cho cho sự nghiệp tô bồi làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc, nhưng đến năm 1975 vì yếu tố đặc thù của lịch sử, Đại học Vạn Hạnh đã ngưng hoạt động, từ đó cho đến nay Phật giáo Việt Nam sinh hoạt dưới hình thức giáo dục là Phật Học Viện.
Trước tình hình kinh tế đang phát triển, nhất là Việt Nam đang trên đường hội nhập, hình thức giáo dục Phật Học Viện không đủ sức đáp ứng cho nhu cầu của một xã hội mới, nó còn khá nhiều mặt hạn chế, không đủ tư cách ngoại giao để giao lưu với ngành giáo dục và đào tạo, vô tình nó là bước cản trở cho sự phát triển Phật giáo trong nhiều lãnh vực. Do vậy Phật giáo Việt Nam cần phải mau chóng hình thành trường đại học để kịp thời đào tạo nhân tài, giải quyết những vấn đề của thời đại. Theo tôi đây là nhu cầu hết sức chính đáng và quan trọng, không những nó giải quyết những vấn đề khó khăn của Phật giáo mà tích cực góp phần xây dựng cho xã hội ngày càng phồn vinh và ổn định.
Theo tôi, nếu như nhà nước quản lý xã hội bằng luật pháp thì tôn giáo quản lý con người bằng niềm tin và đạo đức. Có nghĩa là luật pháp chỉ trừng phạt, khi con người vi phạm luật pháp, bằng hành vi cụ thể, nhưng luật pháp không thể cấm đoán con người suy tư phi pháp ở bên trong. Ngược lại, cách giáo dục của tôn giáo, nhất là Phật giáo không những chỉ khuyên con người không được làm ác mà còn khuyên con người không được suy nghĩ bất thiện từ trong ý thức. Từ những yếu tố này, nó cho chúng ta nhận thức, giáo dục tôn giáo là một công cụ khá tích cực trong việc giúp cho nhà nước ngăn chận hành vi bất chính, phi đạo đức của con người, nó không phải hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa xấu như một số người đã lầm tưởng.
Việt Nam là một đất nước thuộc vùng Đông Nam Á, Bắc giáp Trung Quốc, Tây giáp Lào và Campuchia, Nam giáp Thái Lan đều là những đất nước lấy Phật giáo là quốc giáo hay có đa số người dân theo đạo Phật. Cũng vậy, Việt Nam không lấy Phật giáo làm quốc giáo, nhưng đa số người dân tin theo đạo Phật, trở thành lực lượng nòng cốt của dân tộc. Lý do nào Phật giáo lại chiếm được lòng tin của dân tộc? Theo tôi câu trả lời là Phật giáo đến Việt Nam không làm tổn thương đến văn hóa dân tộc và sự thống nhất đất nước, ngược lại Phật giáo đã hòa mình đồng cam cộng khổ với dân với nước, lấy sự ưu lo của dân tộc làm sự ưu lo của Phật giáo.
MỤC LỤC