KHƯƠNG TĂNG HỘI
TOÀN TẬP I
LÊ MẠNH THÁT
TU THƯ ĐẠI HỌC VẠN HẠNH
1975
Lời nói đầu
Nếu lịch sử văn học và văn hóa thành văn thời Hùng Vương để lại cho đến nay một bài "Việt ca" duy nhất đang bàn cãi thì lịch sử văn học và văn hóa Việt Nam sau thời Hai Bà Trưng và trước Lý Nam Đế có thể được nghiên cứu qua một loạt những tác giả lớn như Mâu tử, Khương Tăng Hội, Lý Miễu, Đạo Cao và Pháp Minh, trong đó người để lại nhiều dịch tác phẩm nhất là Khương Tăng Hội (200?-280).
Khương Tăng Hội sinh ra, lớn lên và bắt đầu biên soạn một số tác phẩm của mình tại nước ta trong một giai đoạn, khi dân tộc ta lần đầu tiên xây dựng xong một nhà nước thực chất độc lập và tồn tại trong một thời gian dài nửa thế kỷ, tức từ năm 180 đến 228 sdl. Nhà nước này được hình thành sau một quá trình đấu tranh gian khổ khốc liệt, sau sự tan vỡ của nhà nước Hùng vương năm 42 khi cuộc kháng chiến vệ quốc do Hai Bà Trưng lãnh đạo thất bại. Quân thù dưới bàn tay chỉ huy của Mã Viện (17 tdl-44 sdl) đã tiến hành một chuỗi các biện pháp với ý đồ không những xóa sạch mọi tàn dư của một nhà nước Hùng vương độc lập, mà còn hủy diệt một cách có hệ thống những thành tựu to lớn của nền văn minh và văn hóa Lạc Việt, nhằm mục đích đồng hóa và sau hết kết thúc sự tồn tại của nhóm người Việt cuối cùng ở phía nam như một dân tộc.
Vì vậy, cần có một nỗ lực tập hợp hết tất cả những tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp biên soạn phiên dịch của Khương Tăng Hội cùng các tác dịch phẩm hiện còn của ông nhằm cung cấp dữ kiện không những cho những người nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà còn cho những người công tác trong lĩnh vực khoa học nhân văn và xã hội nói chung từ sử học, văn học cho đến ngữ học, dân tộc học v.v... Khương Tăng Hội toàn tập đang nằm trong tay các bạn là một thể hiện cụ thể nổ lực ấy. Nó gồm 2 tập. Tập 1 bao gồm một nghiên cứu của chúng tôi về Khương Tăng Hội và Lục độ tập kinh cùng nguyên bản và bản dịch tập kinh đó. Tập 2 chứa đựng những nghiên cứu của chúng tôi về Cựu tạp thí dụ kinh, An ban thủ ý kinh chú giải và Pháp kinh kinh tụ cùng nguyên bản và bản dịch chúng. Chúng tôi cũng cho in kèm theo Tạp thí dụ kinh cùng một nghiên cứu ngắn gọn về nó để làm tài liệu nghiên cứu bổ sung.
Mùa Phật đản năm Ất Mão (1975)
LÊ MẠNH THÁT
Nội dung
Lời nói đầu
Khương Tăng Hội - Cuộc đời và sự nghiệp
Nghiên cứu về Lục Độ Tập Kinh
LỤC ĐỘ TẬP KINH:
· Bản dịch tiếng Việt
· Nguyên bản chữ Hán