LỜI MỞ ĐẦU
Trong dòng chảy lịch sử Việt Nam thời hiện đại, phong trào Phật giáo miền Nam (1954 – 1975) được xem là một trong những phong trào nổi bật nhất. Nó đã trở thành một bộ phận của phong trào cách mạng miền Nam, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuyên bố của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tại Đại hội Mặt trận lần thứ II ngày 01-01-1964 khẳng định: “Cuộc đấu tranh của các tín đồ tôn giáo tại miền Nam Việt Nam không tách rời khỏi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà đã trở thành một yếu tố của cao trào cách mạng tại Nam Việt Nam”‘.
Tuy nhiên, cho đến nay, trừ phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 đã được nghiên cứu khá đầy đủ, có hệ thống, còn lại một mảng trống phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm (1964-1975) vẫn chưa được giới nghiên cứu sử học Việt Nam quan tâm nghiên cứu, làm rõ vai trò và vị trí của nó đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1954-1975). Vì vậy, việc tiến hành từng bước nghiên cứu trọn vẹn, đầy đủ phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam trong giai đoạn lịch sử này, trước hết là giai đoạn từ sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (1-11-1963) đến năm 1968, là rất cần thiết, giúp chúng ta nắm bắt được những biểu hiện sinh động, cụ thể của tinh thần “khế lý khế cơ”, “tùy thời tùy quốc độ” trong giáo lý nhà Phật; đồng thời có thêm những cứ liệu lịch sử để khẳng định: “Truyền thống đồng hành cùng dân tộc” của Phật giáo Vỉệt Nam. Mặt khác, đây còn là nguồn động viên, cổ vũ Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước mà nhân dân ta đang thực hiện.
Với những ý nghĩa trên, cuốn sách “Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1964 – 1968)” đến tay bạn đọc. Nó còn được xem như là một sự tiếp nối công trình “Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 ” mà bạn đọc đã từng quan tâm và cho ý kiến. Cũng cần nói thêm, cuốn sách là một trong những nội dung chủ yếu của công trình khoa học cấp Bộ: “Phật giáo Việt Nam trong phong trào giải phóng dân tộc giai đoạn 1945 – 1975”, Mã số: B2013- DHH-105, mà chúng tôi đang thực hiện.
Trước những hy sinh vô bờ bến của Tăng Ni, Phật tử trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cuốn sách làm sao chuyển tải được hết, âu đó cũng là sự hạn chế. Rất mong độc giả quan tâm góp ý để khi sách tái bản được hoàn thiện hơn. Xin chân thành cám ơn những bậc thức giả, những bạn đọc gần xa đã động viên chúng tôi trong suốt quá trình nghiên cứu.
Cuốn sách được xem là nén nhang kính cẩn vọng bái chư liệt vị Tăng Ni và Phật tử đã ngã xuống để đất nước độc lập, Đạo pháp xương minh.
MÙA VU LAN 2558 (2014)
LÊ CUNG
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU
CHƯƠNG DẪN NHẬP
Chương 1. CHÍNH SÁCH CỦA MỸ VÀ CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO MIỀN NAM VIỆT NAM (1964 – 1968)
với Phật giáo miền Nam
Chương 2. PHONG TRÀO PHẬT GIÁO MIỀN NAM VIỆT NAM (1964 – 1968)
III. Giai đoạn từ sự kiện “Bàn Phật xuống đường” kết thúc (21-6-1966) đến sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968)
Chương 3. TÍNH CHẤT, ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA CỦA PHONG TRÀO
III.Ý nghĩa của phong trào
THAY LỜI KẾT
PHỤ LỤC
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH