KHẢO CỨU VỀ VĂN HỌC PÀLI (VĂN HỌC LUẬT TẠNG
THÍCH TÂM MINH
NXB PHƯƠNG ĐÔNG
LỜI NÓI ĐẦU
Văn học Phật giáo bắt nguồn từ những lời dạy hết sức căn bản và giản dị của Đức Phật dành cho mọi người nhưng được hình thành và phát triển do công lao gìn giữ và sáng tạo của nhiều thế hệ Tăng Ni Phật tử. Để bảo tồn và phát huy những giá trị tâm linh cao quý của bậc Đạo sư, các Phật tử đã không ngừng nỗ lực học tập và truyền bá giáo lý giải thoát của ngài thông qua nếp sống đào luyện nội tâm cá nhân và tinh thần chia sẻ hiểu biết chánh pháp. Toàn bộ di sản văn học Phật giáo được truyền lại cho chúng ta ngày nay là kết quả của quá trình nỗ lực cao quý và bền bỉ đó.
Công trình lược khảo Luật tạng Pàli này đcượ thực hiện trong tinh thần tìm hiểu và giới thiệu khái quát về văn học Pàli mà chúng ta đã và đang cố gắng thực hiện dần dần từng phần một hay tùy theo nhân duyên. Chúng tôi đã thực hiện một phần nhỏ về văn học Kinh tạng Pàli đăng trong tập khảo cứu về văn học Pàli tập I đã xuất bản và nay đến phần thứ hai, lược khảo Luật tạng Pàli, được tiến hành.
Do hoàn cảnh địa lý và lịch sử, Phật tử Việt Nam chỉ mới tiếp cận văn học Phật giáo Thượng tọa bộ trong hơn nửa thế kỷ qua. Nhân duyên chưa đủ nhiều để có thể thực hiện các dự án nghiên cứu và dịch thuật có quy mô lớn. Chính vì vậy mà cho tới nay, nhiều tác phẩm của nền văn học này chưa được dịch thuật và giới thiệu đầy đủ với độc giả Việt Nam. Trong tinh thần nghiên cứu khái quát về văn học Pàli, hy vọng công trình lược khảo Luật tạng này có thể góp phần nhỏ vào việc tìm hiểu chung về văn tạng Pàli.
Công trình này được thực hiện trong khuôn viên Thiền viện Vạn Hạnh với một không khí tu học luôn luôn hòa ái và an tịnh. Thật là hạnh phúc cho chúng tôi khi được sống tu tập và làm việc trong một môi trường hiểu biết và thanh thoát như vậy, bởi ở đấy chúng tôi được khích lệ rất lớn về đời sống tu tập và có được nhiều thuận lợi trong việc nghiên cứu. Vì vậy, nhân dịp công trình được xuất bản, chúng tôi muốn bày tỏ lòng niệm ân sâu xa đối với thiền viện, mà không khí hiểu biết thanh thoát đặc biệt của nó giống như môi trường làm việc thuận lợi đã không ngừng được tạo ra bởi sự thao thức và nỗ lực lớn của nhiều người.
Chúng tôi cũng rất biết ơn chư vị Tôn đức và chư vị học giả tri thức, vì các công trình dịch thuật và nghiên cứu tâm huyết của họ đã giúp ích cho chúng tôi rất lớn trong công tác tìm hiểu và khảo cứu về Luật tạng Pàli.
Sau cùng, lời cảm ơn thân thương xin được gởi đến đại gia đình Hồ Lê Quỳnh Tùy, gia đình Kim & Tim và gia đình Luật sư Hồ Lê Uyên Chi đã trợ duyên cho chúng tôi trong việc xuất bản tập sách.
Vạn Hạnh,Mùa An cư 2549
THÍCH TÂM MINH
Kính đề
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Chương I : Tồng quan về Luật tạng Pà li
I. Nền tảng Giới Luật
II. Ý nghĩa và lý do ra đời của Giới luật
III. Sự hình thành và phát triển Giới Luật
IV. Niên đại Luật tạng
V. Hiện trạng văn bản
Chương II : Suttavibhanga: Cấu Trúc và Nội dung
I. Mahavibhanga hay Bhikkhuvibhanga
II. Bhikkhunivibhanga
Chương III: Khadhaka : Cấu trúc và Nội dung
I . Mahavagga
II. Cullavagga
Chương IV: Parivara : Cấu trúc và Nội dung
Chương V: Luật tạng Pàli về phương diện văn học
I. Các pháp thoại hay truyện tích
II. Thi kệ
III. Các ví dụ và lối so sánh
Chương VI : Luật tạng Pàli về phương diện giáo dục
I. Giáo dục Phật giáo
II. Giới luật trong hệ thống giáo dục Phật giáo
III. Đặc điểm Luật tạng vế phương diện giáo dục
IV. Các nội dung giáo dục trong Luật tạng
Chương VII: Luật tạng Pàli về phương diện sử liệu
I. Bối cảnh chính trị và tổ chức nhà nước
II. Các hoạt động tư tưởng triết học và tôn giáo
III. Các phương diện khác của đời sống
Chương VIII : Lời kết
Thư mục tham khảo