NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
ĐẠO LÀM NGƯỜI
TRẦN VĂN GIÀU
1983
SỞ VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN LONG AN XUẤT BẢN
Tiểu rằng: muốn học làm người
Đã đi cầu đạo sợ cười chê chi?
(Ngư Tiều y thuật vấn đáp)
Truyền thống tư tưởng Việt Nam ít nói về triết lý vũ trụ mà tập trung vào triết lý nhân sinh. Đạo trời được đề cao về nguyên tắc, nhưng đạo người thì thực tế được chú trọng hơn. Mà xét cho cùng thì, theo Nguyễn Đình Chiểu:
Đạo trời nào phải ở đâu xa
Gẫm tấm lòng người khá thấy ra.
Dương Từ Hà Mậu, bài XII
Với Nguyễn Đình Chiểu, nói "đạo người" cũng là nói "đạo làm người". Làm người phải có những đức tính lớn nào thì mới ra người? Nguyễn Đình Chiểu trả lời tóm tắt:
Mến nghĩa bao đành làm phản nước
Có nhân nào nỡ phụ tình nhà
(như trên)
Đạo người trước hết là nghĩa nước, tình nhà. Xét đạo người thì biết đạo trời. Vả lại, trời không phải là cái gì quái lạ lắm. Trời, đất, người, đều được hình thành bởi sự phân hợp biến hóa của ngũ hành (kim mộc thủy hỏa thổ):
Ví dù tạo hóa mấy lò
Hóa công mấy thợ, một pho ngũ hành.
Ngư Tiều y thuật vấn đáp
Nguyễn Đình Chiểu chưa hề đặt "đạo làm người" thành một đề tài riêng biệt để sáng tác (như Nguyễn Trãi trong Bảo kinh cảnh giới). Nhưng bất kỳ tác phẩm nào của Nguyễn Đình Chiểu cũng đều có nói tới đạo làm người, và trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời cụ, người ta cũng đều rút ra được những bài học lớn về đạo làm người. Đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu có vì thế mà thiếu nhất quán, thiếu hệ thống không? Không! Nguyễn Đính Chiểu không viết một quyển sách nào riêng về đạo đức luân lý. Nhưng trước nay chưa có một nhà đạo đức luân lý nào, chưa có một bậc phụ huynh nào phản đối hay ngần ngại việc cho thanh niên, cho con em đọc các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu; trái lại các thế hệ trước đây cũng như các thế hệ cách mạng và kháng chiến sau này đều nhất trí xem cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng. Như vậy, Nguyễn Đình Chiểu phải là tiêu biểu, là người phát ngôn của một đạo làm người, đạo làm người Việt Nam được đánh giá là mẫu mực.
Đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu là gì? Gồm những bộ phận nào? Giá trị tới đâu đối với lịch sử, đối với cuộc sống chiến đấu và xây dựng ở thời hiện đại?
Nghiên cứu đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu, dĩ nhiên chúng ta phải nghiên cứu qua thơ văn của Cụ.