NGHI THỨC TU TRÌ ĐẠI BI
Biên soạn THÍCH VIÊN THÀNH
THÀNH HỘI PHẬT GIÁO TP. HỒ CHÍ MINH
Phật Lịch: 2540 - 1997
Lời nói đầu
Bản ý ra đời của đức Thế Tôn là muốn khai thị tri kiến Phật cho chúng sanh ngộ nhập, nhưng vì căn cơ của chúng sinh thấp kém cho nên đức Phật phải phương tiện nói ra đến 84.000 pháp môn để chúng sinh lựa chọn tu hành, đến khi căn cơ đã thuần thục thì Phật mới chỉ đường "Bảo sở", đưa vào "Nhất thừa viên đốn". Đời nay, cách Phật đã xa, tuy giáo pháp vẫn còn, người tu vẫn đông nhưng người chứng quả thì không có. Bởi vì phần lớn người học đạo bây giờ nghiệp báo nặng nề, ma chướng phiền nhiễu. Do đó, các tông phái phải cao sâu thì ít người theo nổi. Nhìn chung chỉ thấy có môn Tịnh độ là dễ theo. Nhưng muốn bạt trừ tận gốc nghiệp chướng, ma sự không quấy nhiễu, đời này được yên vui, xả báo thân được về Tịnh độ thì phương pháp "Tịnh", Mật song tu" là mầu nhiệm nhất và cũng là đơn giản, dễ theo nhất. Có nghĩa là vừa niệm Phật, vừa trì chú để hai mặt hỗ trợ nhau thì câu: "Đời hiện tại được an khang, đời vị lai ở Tịnh độ" không phải là xa xôi, khó khăn vậy.
Về phần tôi, khi mới đi xuất gia vì tiền nghiệp sâu đầy, tuệ nông, phúc mỏng nên mắc phải ma chướng phiền nhiễu hàng chục năm, tưởng như không thể nào tu hành được. Sau may mắn gặp được pháp môn Đà la ni rồi chuyên tâm trì niệm nên ma chướng tiêu dần, thân tâm thư thái, từ đó đến nay mới yên chí học đạo. Cũng do Tam bảo và các Hộ Pháp Thiện Thần gia hộ nên tôi lần lượt gặp các bậc Tôn đức khuyến tiến cũng như chỉ dẫn cho về phương pháp này, một điều may mắn lớn nữa là ngày 19/3 Quí Dậu (11/4/1993) tại Tu viện Anh Đào núi Tre-ry đại lão Hòa Thượng HisHoliners Jekhenpo Giáo chủ của Phật giáo Bhu-tan đã truyền pháp và điểm đạo cho tôi tại Vương quốc Bhu-tan. Nên hành trì thấy càng ngày càng linh nghiệm. Qua kinh nghiệm của bản thân, cũng như những điều đã được học, được đọc, tôi đi đến kết luận: "Thời nay, muốn tu hành mau chóng có kết quả, rút ngắn được giai đoạn thì ngoài phương pháp "Tịnh Mật song tu" ra, không còn con đường nào nhanh hơn, tốt hơn mà dễ dàng, đơn giản hơn nữa cả".
Tôi lại tự nghĩ: "Mình chỉ vì muốn thoát khổ mà học đạo, hay nói cách khác là chỉ vì hai chữ sinh tử mà phát tâm tu hành. Vậy thì muốn đạt được mục đích, tất cả phải nhờ vào phương diện thiện xảo và phải có sự nỗ lực, tinh tiến của bản thân, muốn thế, cần phải lựa chọn pháp môn để làm sao cho vừa phù hợp với khả năng, hoàn cảnh của mình, vừa mau chóng đạt được nguyện vọng. Đến khi đã xác định được phương pháp tu tập rồi thì không chần chừ mà phải nhanh chóng, dũng mãnh và kiên trì, không giao động trước khó khăn, trở ngại và cũng đừng quên phần chính với phần phụ, không lầm giữa phương tiện với mục đích. Lại nữa, mình tu tập đâu phải để tính năm, tính tháng, tu chóng tu lâu mà phải tự kiểm điểm xem từ khi tu tập đến nay đã được giải thoát phần nào chưa, đã đi gần đến mục đích chút nào chưa? Điều đó mới là điều quan trọng".
Do có những ý nghĩ như trên, cũng như muốn nói lên kinh nghiệm của mình nên tôi soạn cuốn sách nhỏ này giành cho các đệ tử môn phái mới bắt đầu bước vào tu tập có sách để nghiên cứu về Chân ngôn tông.
Vì trình độ hạn chế nên không thể tránh khỏi những lỗi lầm, rất mong các bậc cao minh có đọc đến thì xin rủ lòng chỉ bảo.
Sài Sơn ngày 18/11/1993 (5/10 Quí Dậu)
Tỷ khiêu Bồ Tát Giới
THÍCH VIÊN THÀNH