Thích Thanh Từ
Hai quãng đời của Sơ Tổ Trúc Lâm
NXB Tôn Giáo
PL: 2546 – DL:2002
Lời đầu sách
Quyển Hai quãng đời của Sơ Tổ Trúc Lâm do chúng tôi giảng giải, để nói lên một con người siêu việt của dân tộc Việt Nam. Khi còn gánh vác việc nước, Ngài sẵn sàng hy sinh thân mạng để giữ gìn đất nước được vẹn toàn. Lúc đất nước thái bình, Ngài dành nửa thời gian lo cho đời, nửa thời gian nghiên cứu Phật pháp. Đến lúc có người thay thế việc nước, Ngài dứt khoát làm Tăng sĩ vào núi tu khổ hạnh. Sau khi giác ngộ, Ngài chống gậy đi khắp nơi để truyền dạy Phật pháp.
Con người của Tổ Trúc Lâm làm việc gì phải đến nơi đến chốn, đạt kết quả viên mãn mới thôi. Đánh giặc khi nào quân xâm lăng ra khỏi nước mới dừng. Nghiên cứu Phật pháp đến chỗ uyên thâm nhất mới thỏa mãn. Tu hành đến ngộ đạo mới đi hoằng hóa. Thật là một tấm gương sáng ngời để cho kẻ đời, người đạo học hỏi theo.
Ở đây nói hai quãng đời là kể từ khi Ngài làm Thái thượng hoàng, còn là cư sĩ mà học Phậ rất uyên bác. Cụ thể là bài “Cư Trần Lạc Đạo Phú”, đã nói lên chỗ thấy hiểu của Ngài không thua kém các Thiền sư Trung Hoa. Đến khi xuất gia làm Tăng sĩ, Ngài quên thân tu khổ hạnh, miệt mài chốn núi rừng đến ngộ đạo mới mãn nguyện. Qua bài “Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca”, chúng ta thấy rõ tinh thần này. Xuất gia vào núi sâu không phải để trốn đời mà cốt gia công luyện lọc tâm mê lầm để được trong sạch, giác ngộ tròn đầy. Đến đây Ngài mới hài lòng vào cuộc đời để giáo hóa chúng sanh.
Ngài thành công trong mọi hoàn cảnh là nhờ ý chí quyết liệt, tinh thần dũng cảm và chấp nhận một cuộc sống rất đạm bạc và khổ nhọc. Đây là hình ảnh cao đẹp để người sau, dù ở ngoài đời hay trong đạo đều phải cố gắng học tập.
Thường Chiếu, ngày 02-07-2002
Thích Thanh Từ
Mục lục
Dẫn nhập
Cư Trần Lạc Đạo Phú
- Hội thứ nhất
- Hội thứ hai
- Hội thứ ba
- Hội thứ tư
- Hội thứ năm
- Hội thứ sáu
- Hội thứ bảy
- Hội thứ tám
- Hội thứ chín
- Hội thứ mười
Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca