THƠ VỊNH KIỀU
NGUYỄN VĂN Y sưu tập
LẠC VIỆT 1973
LỜI NÓI ĐẦU
Trước kia, khi còn trong lứa tuổi học trò, tôi đã từng được học Kiều, được nghe các vị thầy khả kính giảng giải về truyện Kiều nhưng thú thật thuở đầu xanh tuổi trẻ tóc còn cúp “ca rê” ấy tôi chưa cảm thấy say mê văn chương truyện Kiều, và cũng chẳng hiểu tại sao bao nhiêu bậc trí thức cho đó là một tác phẩm vô tiền khoáng hậu trong lịch sử văn học VN. Hồi đó mấy pho truyện Tàu, mấy cuốn tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, của Phú Đức đối với tôi nó hấp dẫn hơn tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du nhiều! Mãi cho đến lúc bước chơn vào nghề “bán cháo phổi”, mỗi năm tự mình phải làm công việc giảng giải văn chương truyện Kiều cho những người trẻ tuổi cắp sách đến trường. Nghề nghiệp mới bắt buộc tôi phải tìm hiểu truyện Kiều một cách thấu đáo hơn, vì thiển nghĩ nếu tôi tự không hiểu, không cảm thấy những khía cạnh tuyệt tác của áng văn bất hủ đó thì làm sao tôi có thể “truyền cảm” cho những người trẻ tuổi bắt đầu học truyện Kiều? Suốt mười mấy năm trời, tôi có dịp đọc đi đọc lại hàng trăm lần quyển truyện Kiều, hầu hết những sách, báo đều nói về truyện Kiều là tôi đều mua vê đọc một cách thích thú. Rồi, năm tháng qua, nhờ thâu nhập kiến văn của biết bao nhà nghiên cứu truyện Kiều, và sau khi dấn thân vào cuộc trần ai, có nếm chút nùi vị cay đắng của trò đời, tôi mới thấm thía cái nỗi “đoạn trường” trong truyện Kiều, bấy giờ thâm tâm tôi mới thật sự thán phục ngọn bút tài hoa lỗi lạc của đại thi hào Nguyễn Du.
Chính trong khoảng thời gian mười mấy năm tìm tòi học hỏi truyện Kiều đó, tôi ghi chép được hàng ngàn bài thơ về vịnh truyện Kiều của hàng trăm văn nhơn thi sĩ từ Bắc chí Nam sống rải rác trên quê hương mến yêu hình chữ S này.
Bây giờ tôi có thể nói mà không lầm là xưa nay trong lịch sử văn học VN không có một tác phẩm nào được người ta bàn giải, tán tụng và làm thơ đề vịnh nhiều như quyển Đoạn Trường Tân Thanh mà ta quen gọi là truyện Kiều. Điều đó chứng tỏ giá trị nghệ thuật tuyệt vời của truyện Kiều, đồng thời nó cho ta thấy truyện Kiều đã thật sự đi sâu vào quảng đại quần chúng nhất là giới trì thức.
Ngày hôm nay cho ấn hành tuyển tập những bài thơ vịnh Kiều, tôi trộm nghĩ mớ tài liệu này có lẽ sẽ giúp ích phần nào cho những ai muốn tìm hiểu về truyện Kiều, về những ý nghĩ của con người VN đối với một tác phẩm lớn đã đi sâu vào mạch sống dân tộc, vào tiếng nói quê cha đất tổ. Vẫn biết rằng tuyển tập này còn nhiều thiếu sót, vì tôi chưa có phương tiện ghi chép đầy đủ tất cà mọi bài thơ về vịnh truyện Kiều, nhưng tôi cứ cho in ra, rồi sau này những người yêu văn chương khác sẽ tiếp tục cho ra đời những tuyển tập đặc sắc hơn.
Quyển sách sưu tập này được ra đời, tôi tự thấy có bổn phận phải tri ân hai vị tiền bối sau đây: người thứ nhất là vị thầy cũ của tôi hồi còn học ở Đại học Văn Khoa là nhà khảo cổ trứ danh Vương Hồng Sển, người thứ hai là vị Túc nho Tố Nam Nguyễn Đình Diệm, chuyên viên Hán học Nha Văn Hóa, nguyên là nhân viên trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội. Chính hai vị đã tận tình giúp cho tôi có thêm nhiều bài vịnh Kiều mà tôi cho là quý giá và rất khó tìm được trong hoàn cảnh đất nước hiện nay.
Tôi chân thành ước mong quyển sách này sẽ đem đến cho những người yêu văn chương một nguồn vui mới, và kẻ sưu tập bao giờ cũng sẵn sàng đón nhận những lời chỉ giáo của các bậc cao minh cùng chung lý tưởng phục vụ nền văn học nước nhà.
Saigon, ngày rằm tháng 11 năm Nhâm Ty 1972
NGUYỄN VĂN Y
MỤC LỤC
Lời nói đầu
PHẦN I: Những bài thơ Nôm (Mỗi tác giả làm từ một đến sáu bài)
A. Đường luật
B. Hát nói
C. Phú, Văn tế, Văn sách, Biểu, Từ khúc
PHẦN II: Những bài thơ Nôm
PHẦN III: Thơ chữ Hán với đầy đủ bản dịch
PHẦN IV: Tập Kiều, Lẩy Kiều
PHẦN V: Các bài cổ điển
PHẦN VI Câu đố, câu đối đáp
PHỤ LỤC: tưởng niệm Nguyễn Du
SÁCH DẪN:Tên tác giả
- Đính chánh